Qua 6 thế kỷ, bài Đình đối của Trạng nguyên Nguyễn Trực vẫn nguyên giá trị
Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417- 1474) nổi tiếng tài năng, đức độ và khiêm nhường. Trong sự nghiệp của ông, chính sử nói cũng lắm, mà dã sử nói cũng nhiều, đủ biết ông được đời yêu trọng.
Nghe nói, đương thời Nguyễn Trực hay thơ, giỏi văn, trứ tác khá nhiều, vậy mà ngày nay ta chỉ còn được thấy trọn vẹn bài Sách vấn nổi tiếng trong cuộc thi đình khoa Nhâm Tuất (năm 1442) của ông. Thật ra, chỉ xét riêng bài Văn sách này cũng đủ biết tài năng và nhân cách của ông.
Nguyễn Trực thuộc dòng dõi khoa bảng, ông sinh ra và lớn lên ở thôn Dĩnh Tú xã Cấn Hữu huyện Quốc Oai, nhưng nguyên quán ở làng Bối Khê xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai thuộc xứ Đoài tức trấn Sơn Tây. Gia phả dòng họ Nguyến Trực ghi được 21 đời cho biết cụ nội Nguyễn Trực là Nguyễn Tử Hữu làm Hàn lâm viện thị giảng, Thiêm tri hình viện sự triều Trần. Ông nội là Nguyễn Bính đỗ Tiến sĩ, làm Nho học huấn đạo phủ Ứng Thiên. Cha Nguyễn Trực là Nguyễn Thì Trung đỗ Tiến sĩ, làm Quốc tử giám giáo thụ. Em trai Nguyễn Trực là Nguyễn Chân làm Quốc tử giám tòng sự. Hai người con trai của ông cũng đỗ đạt; đúng là khoa bảng truyền gia, văn hiến truyền gia.
Nguyễn Trực tư chất thông minh, từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Năm 17 tuổi đỗ khoa thi hương, năm 25 tuổi thi đình khoa năm Nhâm Tuất (năm 1442), Nguyễn Trực đỗ đầu với danh hiệu Trạng nguyên.
Sách vấn hoặc Văn sách là bài trả lời trực tiếp của thí sinh với những câu hỏi do đích thân nhà vua ra, và cũng đích thân nhà vua chấm. Thường những câu hỏi vua ra, nhằm thăm dò đường lối trị nước của vua chỗ nào được, chỗ nào còn khiếm khuyết. Hoặc tham khảo ý kiến các thí sinh về kế sách làm cho dân giàu, nước mạnh. Hoặc khuyến khích thí sinh hiến kế về một chủ trương nào đó của nhà vua... Thông qua Sách vấn, nhà vua muốn tìm ra bậc chân tài để phò vua, giúp nước. Tuy nhiên, tìm là một việc, dùng lại là một việc khác. Đôi khi, chính quyền vào thời suy mạt, bọn quyền gian lộng hành, chúng xúi giục vua tìm ra người tài để diệt bỏ.
Trong bài Đình đối này, vua Lê Thái Tông hỏi thẳng vào việc tìm người hiền tài và cả việc dùng người. Nhà vua băn khoăn: Đức Thái tổ Cao hoàng đế ta giành được thiên hạ, nhiều lần hạ chiếu cầu hiền mà không một người nào ứng tuyển, còn bọn Hãn, Xảo ngầm chứa gian tâm. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay gắng lòng tìm cách trị nước thế mà hiệu quả của việc được người còn mênh mang mờ mịt, bọn Ngân, Sát thì gian ác chứa chất, sao quân tử khó được, tiểu nhân khó biết thế?
Chư tử! Các ngươi hãy dốc hết tấm lòng của mình để ứng đối. Trẫm sẽ đích thân xem xét’’.
Thật ra, việc vua Lê Thái Tổ xuống chiếu cầu hiền mà không một hiền tài nào ra ứng tuyển, là bởi ngay lúc đó triều đình đang rối nát, bọn quyền gian thao túng việc triều chính, công thần bị hãm hại. Những người như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo sau khi đánh đuổi hết quân xâm lược nhà Minh, giang sơn thu về một mối, bình công thì Trần Nguyên Hãn chỉ đứng sau vua; còn Phạm Văn Xảo đứng sau Trần Nguyên Hãn. Vậy là đệ nhất, đệ nhị công thần đều bị giết sau khi cuộc kháng chiến thành công mới chỉ ba năm.
Gương sờ sờ trước mắt, còn người tài nào dám liều mạng ứng chiếu. Thử hỏi, đương thời còn ai tài cán, công lao hơn hai người này. Vậy mà họ còn bị giết. Kẻ sĩ họa có bị mê lú mới ra ứng tuyển. Người tài không ra giúp nước lỗi bởi nhà vua hẹp lượng, chớ đâu phải lỗi ở người tài.
Việc Lê Lợi giết các bậc khai quốc công thần, theo Lê Quý Đôn viết trong Đại Việt thông sử thì ngay sau đó nhà vua đã hối hận, thương hai người bị oan, hạ lệnh cho những kẻ tố cáo hai ông từ nay về sau không được tố cáo ai nữa.
Việc nhà vua xử lý bọn xúc xiểm vua giết hại công thần, bằng hình phạt, không cho chúng được tố cáo thêm nữa. Mục đích là để xoa dịu dư luận bất bình về cách hành xử của ngài thôi, chứ thực trong lòng ngài ưng làm việc đó, chỉ chờ cơ hội có kẻ nào hô hoán là ngài ra tay không cần điều tra, xét xử.
Vả lại lúc xảy ra các vụ việc đó, Lê Thái Tông còn nhỏ tuổi chưa hiểu được những uẩn khúc của vụ án oan này, nên nhà vua mới hỏi: "Đức Thái tổ Cao hoàng đế ta giành được thiên hạ xuống chiếu cầu hiền mà không một người ứng tuyển… Sao quân tử khó được, tiểu nhân khó biết thế ?”.
Nguyễn Trãi là chủ khảo khoa thi năm Nhâm tuất, đã chấm cho Nguyễn Trực đỗ cao, sau vào thi Đình đối, bài Văn sách của Nguyễn Trực quá xuất sắc, vua cho đỗ Trạng nguyên. Nhưng chỉ vài tháng sau, vụ án vườn Lệ Chi xảy ra, vua Lê Thái Tông chết, Nguyễn Thị Lộ bị nhục hình, Nguyễn Trãi bị tru di.
Sau đó, vua Lê Nhân Tông chấp chính, mãi tới năm 1451 mới giải oan cho Trần Nguyên Hãn bằng cách cho phục lại các chức tước và phong cho ông làm “Phúc thần". Còn Phạm Văn Xảo ngoài phục chức còn được trả lại các điền sản đã bị tịch thu.
Khi làm bài Đình đối, chắc Nguyễn Trực chưa biết đằng sau các vụ án oan. Càng không thể ngờ vụ vườn Lệ Chi lại sắp xảy ra. Vì thế, Nguyễn Trực trả lời thẳng vào sự việc, nói điều trung thực mà kẻ sĩ quân tử không bao giờ né tránh. “… Thần cho rằng: Bọn Ngân, Sát đã gián cách nhà vua, ngăn trở quan trên, che lấp người hiền, hãm hại người tài, chúng lấy bọn phụ theo mình làm hiền lương, lấy bọn xảo mép làm tài nghệ, mua quan chức, làm án tội, hối lộ ngang nhiên, chúng đẩy Cẩm Hổ ra phương xa, bãi chức quan của Thiên Tước, những việc như vậy đâu phải vì nước tiến cử người hiền, lấy người phò vua? Thế quân tử do đó khó tìm, tiểu nhân do đó khó biết…’’.
Một khi người giữ mệnh nước đa nghi, cái tâm không chính, người hiền lương trung thực bị gạt bỏ, vua chỉ tin theo bọn bất tài ton hót biết dò đón ý vua, thì nhất định thế nước sẽ đi vào trì bế, rối nát. Sau khi kháng chiến thành công, các bà vợ của Lê Lợi câu kết với một số quyền thần lập bè cánh, vu cáo hãm hại lẫn nhau, nhằm đưa con mình vào ngôi Thái tử để được chọn lập. Lúc này Lê Lợi đã già yếu, lại sợ các bậc công thần tài cao, đức trọng, sẽ lấy mất ngôi nước của con mình, thêm vào đó là sự xúc xiểm của lũ gian thần, nên nhà vua giết hại công thần một cách tàn bạo. Chẳng những công thần, mà Hoàng thái tử Tư Tề đã từng theo cha tụ nghĩa ở Lam Sơn, đánh giặc tới ngày toàn thắng, cuối cùng cũng bị phế truất, bị đuổi làm dân, chết tức tưởi, mồ mả vẫn còn hoang hoải trên cánh đồng quê thuộc huyện Hoài Đức, nay là ngoại thành Hà Nội.
Sa vào bi kịch đó, đúng như Nguyễn Trực nói là do lũ gian thần đã "gián cách nhà vua, ngăn trở quan trên, che lấp người hiền, hãm hại người tài…".
Bọn cơ hội luôn tìm cách ngăn trở người tài không cùng phe cánh để họ không thể xuất hiện. Mặt khác, chúng tìm cách nói xấu, vu cáo, thậm chí hãm hại. Đặc biệt với người tài đức, khí tiết, cương trực thì bè lũ gian nịnh, bằng mọi cách, chúng phải trừ khử cho bằng được. Bởi bọn bất tài, gian nịnh sợ người tài đức, cương trực như cú sợ ánh sáng.
Lê Thánh Tông là một vị vua anh minh, nghiêm khắc, thưởng phạt công tâm, thế mà việc vua cho tiến cử người tài, các trọng thần của nhà vua vẫn ngang nhiên tìm người cùng phe cánh để đưa vào triều nhằm nhóm gây thế lực. Việc này xảy ra vào tháng Chạp năm Đinh Hợi (năm 1467), vua Lê Thánh Tông: "Sai các triều thần tiến cử chức huyện quan cương trực biết chỉ trích kẻ gian nịnh, mỗi người cử một viên".
Nhà vua đã dụ "mỗi người cử một viên", thế mà: "Thượng thư Lại bộ Nguyễn Như Đổ đem nhiều người thế gia thân thích quen biết là bọn Nguyễn Thế Mỹ 8 người ra ứng cử, vua cho là bọn tân tiến thường tài. Ngày hôm sau lại sai cử 10 người để giữ các chức làm việc ở trong triều. Thái bảo Lê Niệm cử Lương Thế Vinh; đô đốc Trịnh Văn Sái cử Hộ khoa cấp sự trung Đặng Thục Giao; Thượng thư Trần Phong cử Thượng bảo tự khanh Dương Tông Hải, đều tiến cử người mình quen biết.
Vua xem tâu, phần nhiều tại chức đã không xứng chức, bèn loại bỏ họ tên của bọn Lương Thế Vinh trong ngạch tuyển... và phê rằng: - Sáu bộ, sáu khoa và Ngự sử đài mà bảo cử người bậy thì chịu tội giáng hay bãi, nếu bảo cử được người giỏi thì tất có thưởng hâụ1. Sau đó nhà vua kiểm tra thấy "Lương Như Hộc tiến cử Trần Quý Huyên không phải người tốt, xuống chiếu giam Như Hộc vào ngục và thu lại văn bằng của Quý Huyên"2.
Lê Thánh Tông là bậc vua anh minh, giỏi trên tầm người giỏi trong thiên hạ. Vậy mà các quan còn dám làm bậy, huống hồ gặp phải vua ngu tối, thiển cận, ưa nịnh hót, thì lũ quần thần cơ hội tha hồ lập bè cánh, lập nhóm lợi ích xâu xé đất nước ngoài tầm kiểm soát của nhà vua. Và đó đều là nguyên nhân dẫn các chính thể tới sụp đổ, và cũng là cơ hội gọi mời kẻ thù tới xâm lăng.
Là người tài trí, tinh minh Trạng nguyên Nguyễn Trực ý thức được, một nước tiến bộ hay lạc hậu đều do năng lực của bộ máy cầm quyền. Vì vậy, bộ máy cầm quyền cần có nhiều người tài, đức. Bởi thế, việc tuyển chọn người tài, trách nhiệm duy nhất thuộc về người đứng đầu bộ máy quốc gia, đó là nhà vua. Ông dũng cảm đề xuất: "Bệ hạ muốn quân tử tiến mà tiểu nhân thoái thì không gì bằng gần gũi bề tôi cương trực...’’.
Thân Nhân Trung được Lê Thánh Tông sai viết văn bia ghi danh tiến sĩ tại Văn miếu vào năm 1484; đó là tấm bia đầu tiên ghi tên các nhà khoa bảng từ khoa thi năm Nhâm Tuất (năm 1442). Bia ấy ghi tên Nguyễn Trực đầu tiên; đáng tiếc ông không còn nhìn thấy cảnh mình được lưu danh trên bia đá. Bởi ông đã mất trước đó mười năm (năm 1474).
Thân Nhân Trung đỗ khoa thi năm 1469, khoa ấy do Trạng nguyên Nguyễn Trực làm chủ khảo, bài ký do vua Lê Thánh Tông sai ông soạn có câu nói bất hủ: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế mà các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp…". Ta có quyền hiểu Thân Nhân Trung đã lấy cảm hứng khi viết bài bi ký này từ tài năng, tâm huyết và khí tiết của bậc sĩ quân tử toát ra từ bài Đình đối của Nguyễn Trực.
Trạng nguyên Nguyễn Trực là người tài năng và đức độ trải qua 3 triều vua, vua nào cũng trọng dụng ông. Tuy có tài, nhưng Nguyễn Trực luôn giữ đức khiêm nhường. Ví như năm Giáp tý (năm 1444) vua Lê Nhân Tông ban cho ông chức ’’Thiếu khanh đại phu, Ngự sử đài, Ngự sử thị đô úy". Ông dâng biểu tạ ơn, nhưng từ chối. Nhà vua phải "Dụ" tới ba lần ông mới chịu thụ chiếu.
Dưới triều Lê Thánh Tông, Nguyễn Trực càng được nhà vua yêu trọng. Nhà vua phong cho ông chức Tuyên phụng đại phu, Trung thư lệnh. Đã mấy lần ông xin cáo quan, vua không cho. Khi ông mất vua có thơ điếu, lại cho lập đền thờ ông tại hai nơi: Sinh quán, làng Dĩnh Tú, huyện Quốc Oai; nguyên quán, làng Bối Khê huyện Thanh Oai. Nay, đền thờ Nguyễn Trực tại Bối Khê được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Di tích ở Dĩnh Tú được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.
Để nhân tài có thể xuất hiện, ta phải đặc biệt coi trọng những điều tâm huyết của Nguyễn Trực đề xuất trong bài Đình đối. Đó là người phò tá thân cận nhà vua phải là bậc chân tài, trung thực, chính trực mới có thể "dẫn vua đi vào đường đúng, đặt vua ở chỗ không sai". Và ông khẳng định: "Chỉ có bậc đại nhân mới có thể sửa sai trái trong lòng vua".
Cái dũng của vị trạng nguyên này là dám nói thẳng, vua cũng có thể sai. Và chỉ có bề tôi là bậc đại nhân mới giúp vua sửa được, chứ không phải bất cứ tên bẻm mép nào cũng có thể giúp vua chính được những điều bất chính. Ở đây, Nguyễn Trực quan niệm giúp vua là giúp nước.
Nguyễn Trực cũng khẳng định vai trò trách nhiệm của người đứng đầu quốc gia, tức đấng quân vương phải là tấm gương sáng cho mọi người noi theo: "Vua có nhân không ai không nhân, vua có nghĩa không ai không nghĩa, vua chính không ai không chính, trước nhất vua chính thì nước mới định được".
Tưởng mọi người cũng nên biết thêm, khi viết bài Đình đối này chàng thanh niên Nguyễn Trực chỉ mới 25 tuổi.
Chú thích:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, H.1972, quyển III, tr.219.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.220.