'Quả bom hẹn giờ' nhân khẩu học ở Hàn Quốc sắp phát nổ
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hàn Quốc đã kéo dài suốt 30 năm khiến số lượng nam giới vượt xa số lượng nữ giới. Các chuyên gia nhận định 'quả bom hẹn giờ' nhân khẩu học của Hàn Quốc sắp phát nổ.
Theo kênh CNA, sẽ có khoảng 700.000 đến 800.000 đàn ông Hàn Quốc sinh từ giữa những năm 1980 có thể không tìm được phụ nữ Hàn Quốc để kết hôn.
Ông Dudley L Poston Jr - Giáo sư Xã hội học tại Đại học Texas A&M, chuyên gia nhân khẩu học có 4 thập kỷ nghiên cứu sâu rộng về dân số Đông Á - cho biết số lượng nam giới Hàn Quốc ngày càng tăng sẽ có tác động to lớn đến toàn xã hội Hàn Quốc. Thật trùng hợp, xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Ở hầu hết các quốc gia, số bé trai được sinh ra nhiều hơn bé gái - khoảng 105 - 107 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ giới tính khi sinh (SRB) này gần như không đổi. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính có thể xảy ra khi con người thích nghi với thực tế sinh học là phụ nữ sống lâu hơn nam giới. Theo các nghiên cứu, nam giới thường có tỷ lệ tử vong cao hơn nữ giới. Do đó, SRB từ 105 – 107 bé trai/100 bé gái cho phép số lượng nam và nữ gần bằng nhau khi hai nhóm đến độ tuổi sinh đẻ.
SRB ở Mỹ năm 1950 là 105 bé trai/100 bé gái và vẫn duy trì ở mức này vào năm 2021. Trên thực tế, tỷ lệ này ổn định ở Mỹ kể từ khi dữ liệu SRB được thu thập. Ngược lại, ở Hàn Quốc, SRB chỉ ở mức bình thường từ năm 1950 đến khoảng năm 1980, và tăng lên 110 vào năm 1985 và đạt mức 115 vào năm 1990.
Sau khi dao động ở mức cao trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, SRB đã trở lại mức bình thường về mặt sinh học vào năm 2010. Năm 2022, SRB của Hàn Quốc là 105 bé trai/100 bé gái - nằm trong mức bình thường. Nhưng ở thời điểm đó, mầm mống của sự mất cân bằng ngày nay đã hình thành.
Có một số lý do khiến tỷ số giới tính khi sinh của Hàn Quốc mất cân bằng suốt 30 năm qua.
Hàn Quốc đã trải qua tình trạng suy giảm mức sinh nhanh chóng trong khoảng thời gian 20 đến 30 năm bắt đầu từ những năm 1960. Từ 6 con/phụ nữ vào năm 1960, mức sinh giảm xuống còn 4 con/phụ nữ vào năm 1972, sau đó xuống còn 2 con vào năm 1984. Đến năm 2022, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống còn 0,82 con/phụ nữ - tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và thấp hơn nhiều so với 2,1 con/phụ nữ - mức cần thiết duy trì mức sinh thay thế thế.
Tuy nhiên, tâm lý “ưa thích con trai” lâu đời của Hàn Quốc không thay đổi khi tỷ lệ sinh giảm. Theo văn hóa Hàn Quốc, có ít nhất một con trai là mong muốn của nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là trong những năm đầu thế kỷ 21.
Và tỷ lệ sinh giảm đã đặt ra một vấn đề. Khi phụ nữ sinh nhiều con thì khả năng có ít nhất một đứa là con trai là rất cao. Với trường hợp sinh 2 con, xác suất không sinh con trai chỉ ở khoảng 25% và khi phụ nữ chỉ có một con, tỷ lệ này là dưới 50%.
Để sinh con trai, nhiều người Hàn Quốc đã sử dụng các phương pháp có sẵn để lựa chọn giới tính của thai nhi, chẳng hạn sàng lọc trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Thậm chí, phá thai, được coi là hợp pháp và xã hội chấp nhận ở Hàn Quốc, cũng thường được sử dụng để gia đình lựa chọn giới tính của con họ.
Ở Hàn Quốc, bắt đầu từ khoảng năm 1980 đến khoảng năm 2010, số lượng bé trai được sinh ra nhiều hơn số lượng bé gái. Và khi những bé trai này đến tuổi trưởng thành và bắt đầu tìm kiếm các cô gái Hàn Quốc để kết hôn, nhiều người sẽ không tìm được bạn đời.
Những cậu bé sinh vào những năm 1980 và 1990 hiện đã đến tuổi kết hôn và nhiều người muốn kết hôn và lập gia đình. Trong hai thập kỷ tới, số lượng nam giới đến tuổi kết hôn sẽ tăng mạnh. Song do tỷ số giới tính khi sinh bị mất cân bằng ở Hàn Quốc trong khoảng thời gian từ 1980 đến 2010, các nhà nhân khẩu học ước tính sẽ có khoảng 700.000 đến 800.000 đàn ông không tìm được vợ để kết hôn.
Điều này đã chắc hẳn sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội vốn coi trọng việc kết hôn và hôn nhân gần như phổ biến. Nghiên cứu gần đây của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết vào năm 2023, chỉ có khoảng 36% người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 đến 34 có ý định kết hôn. Đây là mức giảm mạnh so với mức trên 56% vào năm 2012.
Cô dâu nước ngoài có thể giúp giải quyết tình trạng mất cân bằng này. Nghiên cứu của các nhà nhân khẩu học Guy Abel và Nayoung Heo đã chỉ ra rằng Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ việc nhập cư cho phụ nữ từ vùng đông bắc Trung Quốc và phụ nữ nước ngoài từ một số quốc gia như Việt Nam, Philippines, cùng với một số quốc gia Đông Âu khác.
Nếu những chàng trai độc thân ở Hàn Quốc không kết hôn với phụ nữ nước ngoài, họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự phát triển cuộc sống và kế sinh nhai. Một số người có thể định cư tại các “khu ổ chuột dành cho người độc thân” ở Seoul và ở các thành phố lớn khác của Hàn Quốc như Busan và Daegu, nơi các cửa hàng mại dâm phổ biến hơn. Những “khu ổ chuột” đã mọc lên ở các thành phố châu Á khác, nơi nam giới đông hơn nữ giới, chẳng hạn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu ở Trung Quốc.
Hậu quả đối với xã hội Hàn Quốc khi tỷ số giới tính khi sinh cao hơn mức bình thường về mặt sinh học là do chính quốc gia này gây ra. Vào giữa thế kỷ 20, tỷ lệ sinh cao của Hàn Quốc đã kìm hãm nền kinh tế của đất nước này. Sau đó, chương trình giảm tỷ lệ sinh gần 6 con trên một phụ nữ đã thành công rực rỡ. Nhưng sự thành công này sau đó đã kéo theo nhiều hệ lụy.
Tốc độ chuyển đổi mức sinh của Hàn Quốc - quá trình tiến tới cấu trúc quy chuẩn gia đình hiện đại hơn, nghĩa là mỗi gia đình có khoảng hai con và ít ưu tiên con trai hơn - đã bị tụt lại phía sau.
Ngày nay, tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh dường như đã là chuyện quá khứ. Phụ nữ ở Hàn Quốc đã có cơ hội tiếp cận tốt hơn với giáo dục và việc làm, đồng thời nam giới chịu ít áp lực hơn khi phải là người kiếm tiền duy nhất.
Cùng với những nỗ lực của chính phủ nhằm giảm lựa chọn giới tính bắt đầu từ cuối những năm 1980, mức chênh lệch giữa nam và nữ ở Hàn Quốc đã giảm xuống.
Tuy nhiên, dù tâm lý ưa thích con trai không còn phổ biến, các vấn đề xã hội lâu dài liên quan đến mất cân bằng giới tính, đặc biệt là liên quan đến thị trường hôn nhân, vẫn sẽ tồn tại ở Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ tới.