'Quả bom nổ chậm' ở nền kinh tế số một thế giới
Ngày càng nhiều người Mỹ coi tỷ lệ sinh giảm là 'chuẩn mực' văn hóa mới, làm dấy lên những lo ngại về tác động kinh tế - xã hội.
Một cuộc thăm dò gần đây của Wall Street Journal/NORC cho thấy kể từ năm 2019, tỷ lệ người Mỹ cho rằng việc có con rất quan trọng với họ đã giảm từ 43% xuống còn 30%.
Điều này phù hợp với dữ liệu cho thấy từ năm 2007, tổng tỷ suất sinh ở Mỹ đã giảm từ 2,1 - “tỷ lệ thay thế” cần thiết để duy trì dân số ổn định - xuống chỉ còn 1,64 vào năm 2020.
Nền kinh tế Mỹ đang mất đi lợi thế mà động lực dân số mạnh mẽ từng mang lại cho nước này so với các quốc gia và khu vực có tỷ lệ sinh thấp, như Nhật Bản hay Tây Âu.
Mỹ cũng phải đối mặt với những cơn “đau đầu kinh niên” về nguồn cung lao động, cùng “tỷ lệ phụ thuộc” bất lợi giữa người lao động và người về hưu, theo Washington Post.
Trong bối cảnh đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về thời gian và mức độ thay đổi lớn về nhân khẩu học tại Mỹ. Chuyện gì đã xảy ra vào năm 2007?
Tư tưởng văn hóa mới
Những hạn chế tài chính đối với việc thành lập gia đình được cho là nguyên nhân tiềm ẩn.
Cuộc thăm dò của Wall Street Journal phát hiện ra 78% người lớn không tin thế hệ trẻ em sẽ được hưởng cuộc sống tốt hơn thế hệ hiện tại.
Cụ thể, họ "không cảm thấy tự tin" khi được hỏi liệu họ có nghĩ rằng cuộc sống của thế hệ con cái họ sẽ "tốt hơn so với trước đây hay không".
Dù vậy, một phân tích gần đây của giáo sư Melissa S. Kearney tại Đại học Maryland và giáo sư Phillip B. Levine ở Cao đẳng Wellesley xác định rằng “ngoài những tác động tạm thời của cuộc Đại suy thoái, không có sự thay đổi kinh tế hay chính sách nào dẫn đến việc giảm tỷ lệ sinh của Mỹ kể từ năm 2007”.
Nghiên cứu của họ đã tính đến các yếu tố như chi phí chăm sóc trẻ em cao, khoản nợ sinh viên và nhà ở, cũng như độ phủ của bảo hiểm Medicaid cùng vấn đề tránh thai. Tuy nhiên, họ “không thành công trong việc tìm kiếm bằng chứng” cho thấy có bất cứ điều gì trong số này mang tính quyết định.
Thay vào đó, Kearney và Levine suy đoán rằng câu trả lời nằm ở hệ tư tưởng văn hóa của thời đại - “sự thay đổi ưu tiên giữa các nhóm thanh niên”.
Họ đề xuất một khả năng đáng được xem xét là những người trẻ tuổi giờ đây không còn muốn đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực để nuôi dạy con cái theo cách “lấy trẻ làm trung tâm" như thế hệ trước.
Nó xung đột với các mục tiêu nghề nghiệp và giải trí của họ.
Câu hỏi về việc những thái độ như vậy đã hình thành và lan rộng như thế nào kể từ năm 2007 vẫn còn đó.
Nhưng theo cây bút Charles Lane, nó gợi nhớ đến những sự kiện khác, như khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên - khoảnh khắc văn hóa mang tính cách mạng. Hay khi Facebook tuyên bố bất cứ ai trên 13 tuổi được phép đăng ký tài khoản vào năm 2006 - làm thay đổi mãi mãi cách con người liên lạc với nhau.
Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ năm 2001 đã đánh giá tác động đối với tỷ lệ sinh khi truyền hình xuất hiện ở các xã hội khác nhau.
Nghiên cứu tập trung vào các nước đang phát triển như Brazil, gợi ý rằng phương tiện truyền thông mới ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh con một cách gián tiếp thông qua “hiệu ứng cạnh tranh thời gian”. Cụ thể, nhiều người có thể dành hàng giờ xem truyền hình, thay vì tập trung để hình thành các mối quan hệ lãng mạn.
Yếu tố tác động
Theo đánh giá vào năm 2021 về dữ liệu khảo sát đối với thanh thiếu niên ở Mỹ và các quốc gia khác, những năm 2009-2018 chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong hoạt động tình dục.
Vì vậy, một lần nữa, một số người đưa ra giả thuyết rằng con người bị phân tâm khỏi việc tìm kiếm bạn đời, trong khi “tăng cường sử dụng trò chơi máy tính và mạng xã hội”.
Ngoài ra, những thông điệp mà các phương tiện truyền thông mới tuyên truyền, đôi khi cũng có thể gây ảnh hưởng theo cách không ngờ.
Hai nghiên cứu do Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ tài trợ phát hiện ra rằng vào cuối thế kỷ 20, tỷ lệ sinh của Brazil giảm sau khi những phụ nữ xem phim truyền hình dài tập mô tả gia đình ít người hơn tìm cách bắt chước bằng cách sinh ít con hơn.
Tuy nhiên, số ca sinh ở Mỹ đã tăng khoảng 51.000 ca từ năm 2020 đến năm 2021. Hiện tượng này gọi là “sự bùng nổ trẻ em” sau Covid-19. Những chính sách hỗ trợ hào phóng liên quan đến đại dịch cùng cơ hội làm việc tại nhà đã giúp chính phủ trong bài toán dân số khó khăn.
Để hiểu rõ hơn, trong một nghiên cứu vào năm 2022, các nhà kinh tế học Martha J. Bailey, Janet Currie và Hannes Schwandt đã phân tích dữ liệu về xu hướng sinh và tìm thấy sự khác biệt lớn theo độ tuổi, chủng tộc và các yếu tố nhân khẩu học khác. Ví dụ, có một sự phân chia lớn về mặt kinh tế xã hội ở Mỹ.
“Phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn là những người sinh nhiều con hơn”, bà Bailey cho biết. “Với những phụ nữ có trình độ học vấn dưới đại học, chúng tôi không chỉ thấy tỷ lệ sinh của họ giảm xuống mà còn hầu như không phục hồi theo xu hướng vào cuối năm 2021”.
Tại sao lại như vậy? Phụ nữ có bằng cử nhân có nhiều khả năng được tuyển dụng vào các công việc văn phòng có thể làm từ xa. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Mỹ, tính đến giữa năm 2021, khoảng 2/3 phụ nữ trẻ đi làm có trình độ đại học, làm việc tại nhà ít nhất một khoảng thời gian. Con số này cao hơn gấp đôi so với những phụ nữ chỉ tốt nghiệp trung học.
Việc sắp xếp công việc linh hoạt, không phải đi lại có thể khiến phụ nữ có thời gian và không gian để phát triển gia đình.
Nhiều gia đình ở Mỹ cho biết sự linh hoạt mới tìm thấy ở nơi làm việc do ảnh hưởng của Covid-19 đã góp phần vào quyết định mang thai (hoặc mang thai ngoài dự kiến) của họ.
Tóm lại, những điều này đã giúp Mỹ nâng tổng tỷ suất sinh lên 1,66. Nhưng sẽ cần nhiều hơn và lớn hơn nữa những vụ “bùng nổ” như vậy để xóa bỏ xu hướng tỷ lệ sinh giảm rõ rệt sau năm 2007.
Dù vậy, triển vọng đó khó có thể xảy ra ngay cả khi Mỹ trao tiền thưởng cho các bậc phụ huynh và trợ cấp chăm sóc trẻ em trong nỗ lực tăng tỷ lệ sinh.
Kearney và Levine lưu ý rằng biện pháp trên đã được thử nghiệm ở các nước phát triển khác nhưng chỉ đạt được mức thành công khiêm tốn. Washington Post đánh giá đây có thể là vấn đề mà chính sách khuyến khích dường như cũng không đủ để ảnh hưởng hành vi.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/qua-bom-no-cham-o-nen-kinh-te-so-mot-the-gioi-post1417287.html