'Quả đấm thép' của 'ông trùm' ngành thép

Có tổng vốn đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng, siêu dự án Dung Quất 2 không chỉ là mắt xích quan trọng của Hòa Phát mà còn là 'quả đấm thép' ngành.

Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, công ty con của Tập đoàn Hòa Phát, mới đây đã khai lò thổi 300 tấn thép tại Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Đây không chỉ là bước tiến quan trọng trong quá trình vận hành thử nghiệm của dự án khổng lồ này mà còn là minh chứng rõ nét cho những kỳ vọng lớn mà Tập đoàn Hòa Phát đặt ra cho tương lai ngành thép Việt Nam.

Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: Hoàng Anh

Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: Hoàng Anh

Quả đấm thép...

Không có cái tên nào trong nền công nghiệp thép Việt Nam hiện có sức ảnh hưởng lớn hơn Hòa Phát và Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. Đây được xem là "mắt xích" quan trọng không chỉ đối với Hòa Phát mà còn cho cả ngành thép.

Hiện nay, hàng trăm nhà thầu quốc tế và trong nước đang tham gia vào công trường, đẩy nhanh tiến độ thi công và lắp đặt thiết bị cho các hạng mục của khu liên hợp.

Trải rộng trên diện tích 280ha và với công suất thiết kế lên tới 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) mỗi năm, Dung Quất 2 không chỉ góp phần vào sự phát triển của Hòa Phát, mà còn đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường trong nước và quốc tế.

Theo kế hoạch, phân kỳ đầu tiên của dự án sẽ đi vào hoạt động vào đầu quý I năm 2025, và phân kỳ tiếp theo sẽ hoàn thiện vào quý IV năm 2025. Đây là một chiến lược rõ ràng nhằm tăng cường sản xuất thép chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô, xây dựng và vận tải biển.

Trước Dung Quất 2, tổ hợp Dung Quất 1, cũng của Hòa Phát, đã đi vào hoạt động đồng bộ từ năm 2021, công suất 6 triệu tấn/năm, gồm 3 triệu tấn HRC và 3 triệu tấn thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao. Dung Quất 2 đang được triển khai có quy mô 5,6 triệu tấn HRC chất lượng cao mỗi năm khi hoạt động tối đa công suất.

Hiện tại, Việt Nam mới có hai doanh nghiệp sản xuất HRC là Hòa Phát và Formosa với công suất thiết kế lần lượt là khoảng 3 triệu tấn/năm và 5 triệu tấn/năm. Như vậy sản lượng tối đa hiện tại khoảng 8 triệu tấn HRC/năm.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu HRC tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm, gấp rưỡi tổng công suất sản xuất hiện tại và vẫn tăng đều qua các năm. Phần thiếu hụt sẽ buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ các nước khác, chủ yếu là từ Trung Quốc.

Dự kiến, khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 14,5 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC, góp phần giúp ngành công nghiệp cơ khí chế tạo tự chủ được nguồn nguyên liệu ngay tại thị trường trong nước.

Đồng thời, Hòa Phát sẽ duy trì ổn định sản lượng thép xây dựng và đẩy mạnh sản xuất HRC, đưa Hòa Phát vượt qua Formusa trở thành nhà sản xuất HRC lớn nhất Việt Nam.

Với dư địa thị trường còn lớn, Dự án Dung Quất 2 được kỳ vọng sẽ giúp Hòa Phát trở thành một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, với doanh thu ước tính tăng lên 80.000-100.000 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo ra hơn 8.000 cơ hội việc làm.

Để có đủ nguồn vốn thực hiện siêu dự án Dung Quất 2, bên cạnh nguồn lực được “tích góp” sau nhiều năm tăng trưởng, Hòa Phát cũng đẩy mạnh đi vay, chủ yếu từ các ngân hàng lớn trong nước.

Cụ thể, ngày 17/3/2022, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng tín dụng với tám ngân hàng lớn của Việt Nam. Trong đó, Vietcombank giữ vai trò đầu mối thu xếp khoản hợp vốn tín dụng lên tới 35.000 tỷ đồng cho dự án Dung Quất 2.

Đến cuối quý III/2024, ông lớn ngành thép đã rót gần 52.500 tỷ đồng vào dự án Dung Quất 2, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với quý trước, tương đương chiếm một phần tư tổng tài sản của công ty.

Để đảm bảo nguồn vốn cho dự án, nợ tài chính của Hòa Phát đã tăng lên mức kỷ lục gần 79.000 tỷ đồng vào cuối quý III, với mức tăng chủ yếu đến từ vay nợ tài chính dài hạn khi tăng hơn 14.000 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 24.517 tỷ đồng. Đây cũng là mức dư nợ vay dài hạn cao nhất lịch sử hoạt động của Hòa Phát.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính quý III cũng ghi nhận Hòa Phát giảm mạnh tiền mặt nắm giữ. Tại thời điểm cuối quý III/2024, tiền và tương đương tiền là 8.500 tỷ đồng, giảm 30,6% so với số đầu năm; tiền gửi có kỳ hạn 16.387 tỷ đồng, cũng giảm hơn 26%, và là mức thấp nhất của Hòa Phát trong 15 quý kể từ đầu năm 2021.

Theo cập nhật mới nhất từ bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc tài chính Hòa Phát, công ty đã giải ngân khoảng 70.000 tỷ đồng vốn cố định cho dự án Dung Quất 2.

Để thấy rõ hơn về tầm quan trọng của dự án Dung Quất 2 đối với tương lai Hòa Phát, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã khẳng định rõ tại Đại hội đồng cổ đông năm ngoái rằng “chúng tôi đang dồn toàn lực vào quả đấm thép trên 3 tỷ USD. Dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả”.

... và chiến lược "Phát" của ông trùm

Hòa Phát đã xây dựng hệ thống sản xuất HRC chất lượng cao, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mà còn thay thế hàng nhập khẩu, đặc biệt là trong các phân khúc khó như thép cuộn dùng cho sản xuất lốp ô tô.

Ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Phòng Công nghệ của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, chia sẻ: "Những dòng thép kỹ thuật khó này không chỉ giúp tăng khả năng cạnh tranh của Hòa Phát mà còn góp phần vào việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu."

Thực tế cho thấy, một phân khúc thị trường thép cuộn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang bỏ ngỏ, trong nước chưa có đơn vị nào sản xuất và dư địa thị trường còn nhiều tiềm năng.

Thêm Dung Quất 2, sản lượng thép HRC của Hòa Phát sẽ tăng lên 8,6 triệu tấn. Ảnh: Hoàng Anh.

Thêm Dung Quất 2, sản lượng thép HRC của Hòa Phát sẽ tăng lên 8,6 triệu tấn. Ảnh: Hoàng Anh.

Với dây chuyền sản xuất HRC hiện đại, được thiết kế, thi công bởi Tập đoàn Primetal, Dung Quất 2 sẽ tập trung phát triển các sản phẩm HRC chất lượng cao, phục vụ thép sản xuất ô tô, thép hàm lượng carbon thấp sản xuất các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng, kết cấu thép, HRC cho sản xuất vỏ container cường độ cao, kháng thời tiết… kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp cơ khí và phụ trợ trong nước, đồng thời góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo đề xuất “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Công thương, các chủng loại thép hợp kim sử dụng trong đóng tàu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến việc tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn.

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô và cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là hai ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Trong chiến lược dài hạn này, dự án Dung Quất 2 được đánh giá là “mắt xích” quan trọng cho sự vươn mình của Hòa Phát, ngành thép cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Theo đó, dự án không chỉ là bước ngoặt về sản xuất thép mà còn khẳng định vị thế của Hòa Phát trên bản đồ ngành thép toàn cầu, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp thép Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Trong chiến lược phát triển, ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết, xuất khẩu sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng khi chiếm khoảng 30% doanh thu của Tập đoàn. Khi Dung Quất 2 hoạt động hết công suất, tỷ trọng xuất khẩu vẫn sẽ duy trì ở mức này, trong khi phần lớn sản lượng còn lại sẽ được tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Thêm nữa, để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu đầu ra, Hòa Phát còn phát triển hệ sinh thái nội bộ, bao gồm mở rộng năng lực sản xuất tại các nhà máy ống thép, tôn mạ, thép container và các sản phẩm điện máy, tạo giá trị gia tăng và thúc đẩy sức mạnh cạnh tranh.

Tính đến nay, với chiến lược tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao, Hòa Phát đã bước đầu hái “quả ngọt” từ mảng container. Theo đó, cuối năm ngoái, Hòa Phát đã bàn giao lô vỏ container đầu tiên thuộc dự án đầu tư đóng mới container của Công ty CP Vận tải biển Vinafco (mã cổ phiếu VFC).

Lô hàng này được sản xuất tại Nhà máy sản xuất Container Hòa Phát tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II có tổng công suất 500.000 TEU/năm, qua đó góp phần đưa Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thiết bị container đạt chuẩn ISO lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Mới đây, ngày 29/7, Hòa Phát đã ký hợp đồng cung cấp 2.000 vỏ container cho Hapag-Lloyd, công ty vận tải container lớn nhất nước Đức và thuộc Top 5 công ty vận tải container thế giới. Sự kiện này không chỉ mở ra cơ hội hợp tác chiến lược mà còn khẳng định container "Made in Vietnam" của Hòa Phát đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tại các thị trường khó tính nhất.

"Lô hàng 2.000 container lần này được thiết kế với nhiều tính năng tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của thị trường vận tải biển", ông Vũ Đức Sính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất container Hòa Phát cho biết.

Theo Chủ tịch Trần Đình Long, công ty đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi so với các nhà sản xuất hiện tại của Trung Quốc, đặc biệt về giá thành sản phẩm. Nhà máy sản xuất container đi vào hoạt động đầy đủ sẽ giúp tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn thép/năm từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Bên cạnh mảng container, Hòa Phát cấp hơn 5.000 tấn thép xây dựng chất lượng cao cho dự án khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội sau khi trải qua các bước thẩm định năng lực sản xuất, thử nghiệm theo yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt của Chính phủ Mỹ.

Trước đó, Hòa Phát đã làm chủ công nghệ sản xuất loại thép không qua tôi và xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Mexico, Peru... và nhận được phản hồi rất tích cực từ phía khách hàng. Tại thị trường trong nước, sản phẩm đã cung cấp vào một số dự án như các tuyến Metro tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều dự án trọng điểm khác.

Đầu ra đáng chú ý hơn cả có lẽ đại dự án của cả nước vừa được Quốc hội thông qua - Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng đầu tư 67 tỷ USD.

Chủ tịch Trần Đình Long cùng đội ngũ chuyên gia công nghệ đã trực tiếp đi tìm hiểu thực tế tại nhiều nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu thế giới tại châu Âu.

Ông Long cho biết, theo bảng phân cấp chất lượng, thép làm ổ bi, lò xo van, lò xo hợp kim, thép làm tanh bố lốp ô tô… khó 10 thì làm thép đường ray tàu cao tốc chỉ ở mức 8.

Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Long khẳng định đảm bảo đầu tư thiết bị, chuyển giao công nghệ để sản xuất thép ray tốt nhất, chất lượng cao nhất như châu Âu đang sản xuất.

Xuất khẩu hiện chiếm khoảng 30% doanh thu của Hòa Phát và vẫn sẽ giữ tỷ lệ này sau Dung Quất 2. Ảnh: Hoàng Anh

Xuất khẩu hiện chiếm khoảng 30% doanh thu của Hòa Phát và vẫn sẽ giữ tỷ lệ này sau Dung Quất 2. Ảnh: Hoàng Anh

Thách thức từ thép Trung Quốc

Bên cạnh cơ hội, vẫn còn tồn tại những thách thức cho Hòa Phát khi chuẩn bị khai thác Dung Quất 2 cũng như toàn ngành sản xuất thép nội địa.

Theo dữ liệu hải quan trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 8,8 triệu tấn HRC, tăng 26% so với cùng kỳ 2023 và bằng 171% sản xuất trong nước.

Trong đó, lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 72%, tương đương 6,3 triệu tấn, bỏ xa lượng sản phẩm tiêu thụ của doanh nghiệp sản xuất trong nước - chỉ đạt 5,1 triệu tấn.

Vì vậy, việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, có thời điểm gần gấp đôi sản lượng trong nước, khiến thị phần bán HRC của doanh nghiệp nội địa mất vào tay hàng nhập khẩu.

Thị phần bán HRC của doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát và Formosa đã giảm từ mức 42% năm 2021, xuống 30% vào năm 2023.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông diễn ra hồi đầu năm, Chủ tịch Trần Đình Long đã thẳng thắn chỉ ra việc “không nước nào trên thế giới chấp nhận hàng hóa nhập khẩu tràn vào với số lượng nhiều hơn cả lượng sản xuất trong nước. Trong năm 2023, lượng sản xuất HRC của Hòa Phát và Formosa là 6,7 triệu tấn, thì nhập khẩu là 9,6 triệu tấn. Nhập khẩu ồ ạt sớm muộn sẽ đè bẹp sản xuất trong nước”.

Dù vậy, đối mặt với thách thức từ thép Trung Quốc, theo đánh giá của Công ty chứng khoán BIDV (BSC), nhà máy Dung Quất 2 sẽ tiêu thụ tốt trong năm 2025 nhờ chi phí sản xuất của Hòa Phát (Việt Nam) đã cạnh trạnh được với Trung Quốc.

Theo MySteel, chi phí vận chuyển các nguyên liệu đầu vào chính là quặng sắt từ Úc, Brazil và than cốc từ Indonesia về Việt Nam và về Trung Quốc là gần như tương đương.

Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế lớn đến từ giá cho thuê khu công nghiệp, chi phí nhân công rẻ và đặc biệt, chưa áp dụng các chính sách về môi trường như Trung Quốc (chênh lệch 30 USD/tấn, tương đương 6-8% giá thép hiện tại). Do đó, xét về chi phí sản xuất, BSC tin rằng, thép Hòa Phát sau dự án Dung Quất 1 đã cạnh tranh tương đối so với thép Trung Quốc và đẩy được sản lượng tăng trưởng.

Với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất của Hòa Phát sẽ tiếp tục được tiết giảm nhờ quy mô tăng mạnh.

Ngoài ra, Hòa Phát sở hữu hệ thống phân phối lớn trên thị trường nội địa. Trong nước, Hòa Phát đang chiếm khoảng 35-40% thị phần thép xây dựng, khoảng 50% đối với HRC. Lợi thế về hệ thống đại lý lớn giúp Hòa Phát dễ dàng đẩy sản lượng hơn so với các đối thủ khác.

Thêm nữa, BSC kỳ vọng Bộ Công thương sẽ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với HRC từ Trung Quốc trong quý 2/2025 trên cơ sở các số liệu BSC thu thập được. Theo đó, sản lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 8 – 9 triệu tấn trong thời gian bị điều tra, gấp lần lượt 3,4 lần và 2,6 lần của năm 2021 và 2022.

Bản chất mảng HRC của Việt Nam vẫn đang thiếu cung, do vậy, việc thông qua áp thuế chống bán phá giá HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tạo điều kiện cho việc Hòa Phát lấy thêm được thị phần.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/qua-dam-thep-cua-ong-trum-nganh-thep-d38354.html