'Quà Giáng sinh' của Kim Jong Un sẽ là đòn giáng mạnh vào ông Trump
Mỹ đang theo dõi sát sao nhất cử nhất động của Triều Tiên, với một vụ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa có thể sẽ chính là 'món quà Giáng sinh' mà chính quyền Kim Jong Un tuyên bố sẽ dành cho Tổng thống Donald Trump.
Đến nay, chưa rõ quà Giáng sinh mà Triều Tiên dành cho ông Trump là gì nhưng nếu đúng như nhận định trên thì nó sẽ chấm dứt lệnh ngừng thử vũ khí mà Bình Nhưỡng tự áp đặt và sẽ làm căng thẳng trong khu vực leo thang.
Theo các chuyên gia, món quà đó sẽ là đòn giáng mạnh xuống một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại then chốt của Tổng thống Trump – đó là lôi kéo Triều Tiên vào đối thoại nhằm giải giáp kho hạt nhân của nước này.
Đầu tháng 12, Triều Tiên đã thực hiện một vụ thử mà Mỹ khẳng định là thử động cơ. Các nhà chức trách lo ngại đó có thể là tín hiệu Triều Tiên sẽ phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong những những ngày tới.
Chủ tịch Kim Jong Un đã đặt cho Mỹ thời hạn chót hết năm 2019 để đưa ra những nhượng bộ mới trong đàm phán phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng còn tuyên bố tùy thuộc Washington quyết định sẽ nhận "món quà Giáng sinh" nào.
Đến nay, lãnh đạo hai nước đã có ba cuộc gặp lịch sử trong vòng 2 năm nhưng vẫn không đạt được đột phá. Mặc dù họ đã đạt cam kết cùng "làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên" nhưng các cuộc đàm phán song phương đã rơi vào bế tắc sau khi Washington từ chối các yêu sách của Bình Nhưỡng là Mỹ phải nới lỏng cấm vận để đổi lấy Triều Tiên từ bỏ một phần năng lực hạt nhân.
Theo Victor Cha, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Các nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, một đánh giá về các địa điểm phóng thử có thể ở Triều Tiên cho thấy chúng "về cơ bản đã sẵn sàng để phóng". Ông nhận định, có thể chính quyền Kim Jong Un sẽ thử một tên lửa đạn đạo từ biển hoặc tên lửa nhiên liệu rắn như một lời cảnh báo nhẹ và cho Mỹ hoặc các nước khác có thêm thời gian chuẩn bị.
Trong tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố ông biết rõ những bàn tán về khả năng Bình Nhưỡng thực hiện một vụ phóng thử tới đây.
"Tôi đã quan sát Bán đảo Triều Tiên một phần tư thế kỷ qua. Tôi đã quá quen với các chiến thuật của họ, với sự ầm ĩ của họ", ông nói. "Chúng ta cần nghiêm túc ngồi lại và thảo luận về một thỏa thuận chính trị phi hạt nhân hóa Bán đảo. Đó là cách tốt nhất tiến về phía trước và là cách duy nhất nếu chúng ta sắp làm điều gì đó mang tính xây dựng", ông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, khẳng định: "Chúng tôi nhận thức đầy đủ về tiềm năng mạnh mẽ để Triều Tiên tiến hành một cuộc khiêu khích lớn trong những ngày tới. Có thể nói, một hành động như vậy sẽ vô ích trong việc đạt tới hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên".