Qua Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ VII
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ VII (2018-2019) do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Sở KH và CN, LĐLĐ tỉnh và Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân khuyến khích, thúc đẩy việc nghiên cứu áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ VII (2018-2019) do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, Sở KH và CN, LĐLĐ tỉnh và Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân khuyến khích, thúc đẩy việc nghiên cứu áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Sau 2 năm phát động, các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh đã đem đến 94 giải pháp tham dự ở cả 6 lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y dược; Giáo dục. Qua đánh giá, tuyển chọn đã có 35 giải pháp xuất sắc ở tất cả các lĩnh vực được trao giải.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp tuyên truyền, triển khai giữa các đơn vị liên quan, Ban tổ chức đã phát động Hội thi sâu rộng đến tất cả các tổ chức công đoàn và Đoàn Thanh niên để đông đảo cán bộ, công chức, viên chức lao động, đoàn viên, thanh niên biết, tích cực tham gia. LĐLĐ các huyện, thành phố đã phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở động viên các đoàn viên có sáng kiến tham dự, đồng thời hướng dẫn hỗ trợ viết thuyết minh đề tài sáng kiến và hoàn tất thủ tục hồ sơ tham dự Hội thi. So với các hội thi trước, Hội thi năm nay vẫn giữ được sự đồng đều về số lượng tác giả tham dự. Tuy nhiên năm nay số lượng tác giả tham gia nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục tăng cao, còn các lĩnh vực công nghệ thông tin và năng lượng mới, vật liệu mới lại giảm. Điều này cũng phần nào thể hiện được bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, một vùng đất có thế mạnh về nông nghiệp và giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó là sự đa dạng của các đối tượng tham gia, bao gồm cả công chức, viên chức, công nhân, lãnh đạo doanh nghiệp; trong đó đa số có trình độ đại học, 4 người có học vị tiến sĩ. Điều đó cho thấy hội thi đã nhận được sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tại Hội thi lần này, nhiều giải pháp đã thể hiện ý tưởng sáng tạo độc đáo như các giải pháp: “Thiết kế cao trình đáy ao phù hợp để thu gom chất thải của tôm bằng dụng cụ siphong đáy, giảm ô nhiễm nguồn nước, cải thiện chất lượng nước nuôi tôm tại Giao Long (Giao Thủy)” của nhóm tác giả Trần Thị Hải Bình và Đỗ Văn Tiến, Sở NN và PTNT, đạt giải Nhất lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; “Giáo dục lòng yêu nước, tự hào về lịch sử địa phương khi tiếp cận hào khí Đông A trong văn học Lý - Trần” của tác giả Trần Thị Xuân Nhiệm, Trường THPT Nam Trực, đạt giải Nhất lĩnh vực Giáo dục; “Máy chà nhám gỗ” của tác giả Phạm Hải Đăng, Công ty TNHH Đình Mộc, đạt giải Nhì lĩnh vực Cơ khí tự động, xây dựng, giao thông; “Điều trị, dự phòng loét tỳ đè bằng đệm hơi cải tiến” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Thị Thanh Nga, Dương Hồng Quân - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đạt giải Nhì lĩnh vực Y dược; “Quản lý đón trả học sinh trong trường mầm non” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Thế Vinh, Trần Văn Long, Trường Mầm non Phượng Hồng (thành phố Nam Định), đạt giải Ba lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông… Trong đó, giải pháp “Thiết kế cao trình đáy ao phù hợp để thu gom chất thải của tôm bằng dụng cụ siphong đáy, giảm ô nhiễm nguồn nước, cải thiện chất lượng nước nuôi tôm tại Giao Long (Giao Thủy)” sử dụng hệ thống lọc nước ngược tiên tiến xử lý môi trường ao nuôi khiến cho chất lượng nguồn nước cấp toàn vùng được đảm bảo, hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát tại khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Về kinh tế, áp dụng giải pháp này cho lãi mỗi năm 15 tỷ đồng/ha. Giải pháp “Quản lý đón trả học sinh trong trường mầm non” ứng dụng công nghệ RFID (nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) đã giải quyết những bất cập về quản lý hoạt động đưa đón học sinh bằng phương pháp thủ công; cung cấp cho Nhà trường 1 phần mềm quản lý học sinh trong lớp học, thời gian và định danh người đón trẻ, thông báo kịp thời cho phụ huynh học sinh thời gian đón trả thông qua thư điện tử; lập được bảng thống kê danh sách học sinh đi học trong tuần, trong tháng. Giao diện quản lý trực quan giúp giáo viên nắm được sĩ số học sinh trong suốt quá trình học tập. Hiện, giải pháp đang tiếp tục được tích hợp thêm các nội dung quản lý về chế độ dinh dưỡng và kế hoạch học tập từng ngày để thông báo đến từng phụ huynh học sinh. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII còn những tồn tại, hạn chế. Có 4/6 lĩnh vực không phủ kín giải; lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông không có giải cao (Nhất, Nhì); lĩnh vực Vật liệu, hóa chất, năng lượng chỉ có 1 giải Khuyến khích. Có 34/94 giải pháp gửi tham dự bị hội đồng sơ khảo loại do không phù hợp. Ngoài một số giải pháp có chất lượng nổi trội đảm bảo cả chất lượng, tính ứng dụng và hồ sơ thuyết minh, vẫn còn những giải pháp dự thi chưa được đầu tư thỏa đáng, dự thi mang tính chất phong trào. Một số lĩnh vực có ít giải pháp dự thi do công tác tuyên truyền trong ngành, lĩnh vực còn hạn chế, do e ngại lộ thông tin ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh thực sự đã trở thành một phong trào rộng rãi, thu hút đông đảo các tập thể, cá nhân tham gia, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; đặc biệt là tạo sự thu hút quan tâm tới những tác động, hiệu quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với đời sống xã hội, việc làm hiện đại để có sự chuẩn bị, đáp ứng phù hợp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để kết quả cao hơn trong những năm sau, Ban tổ chức cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức về Hội thi tới các doanh nghiệp, trường học, sở, ban, ngành, các nhà khoa học và cộng đồng nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống của nhân dân./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh