Quá khứ phức tạp của Itaewon
Với vị trí đặc biệt ở Seoul, Itaewon là khu vực giải trí nhộn nhịp hàng đầu Hàn Quốc, được ví như 'nồi lẩu văn hóa' khi thu hút người nước ngoài tới vui chơi và sinh sống.
Từ lâu, Itaewon đã chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử thủ đô Seoul, khi tọa lạc gần căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Từ Hooker Hill tới những con hẻm ngoằn ngoèo, nơi có các quán bar cùng khách sạn Hamilton, Itaewon trở thành biểu tượng cho cuộc sống về đêm tự do ở thủ đô của Hàn Quốc suốt nhiều thập niên.
Cùng với Gangnam, Hongdae và Jamsil, Itaewon là một trong những điểm vui chơi nổi tiếng hàng đầu Seoul. Tuy nhiên, Itaewon có thêm một điểm thú vị: Không gian đa văn hóa ở Seoul, khiến một số người còn gọi đây là “nồi lẩu văn hóa”.
Tuy vậy, thảm kịch vào đêm Halloween cướp đi sinh mạng của ít nhất 156 người có thể làm gián đoạn sự hồi sinh mạnh mẽ của khu vui chơi giải trí nhộn nhịp bậc nhất xứ sở kim chi, vốn đã điêu đứng sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, những ký ức kinh hoàng về lễ Halloween hôm 29/10 cũng gợi nhớ đến các sự kiện đen tối gắn liền với khu vực này, theo Korea Times.
Nơi để trải nghiệm văn hóa toàn cầu mà "không cần hộ chiếu"
Ngược về lịch sử, khu vực Yongsan kiểm soát bởi người Nhật, sau đó là lính Mỹ. Chính phủ Hàn Quốc chấp nhận viện trợ quân sự từ Mỹ, giữa lúc ảnh hưởng văn hóa của Washington cũng gia tăng mạnh mẽ. Theo Korea Times, Yongsan Garrison và Itaewon phát triển thành “Little America in Seoul” (tạm dịch: Nước Mỹ thu nhỏ trong lòng Seoul).
Lính Mỹ đã ở tại Yongsan Garrison - căn cứ quân sự gần Itaewon - cho đến năm 2017, trước khi chuyển đến Humphreys Camp ở tỉnh Gyeonggi. Thường xuyên có lính Mỹ qua lại, Itaewon là khu thương mại nói tiếng Anh ngay bên ngoài căn cứ cũng như một điểm giải trí.
Trong quá khứ, Itaewon chứng kiến một số sự cố lớn.
Theo Reuters, một vụ án có tên “Vụ giết người ở Itaewon” cùng nhiều tội ác khác diễn ra vào cuối những năm 1990 đã “vẽ” nên hình ảnh không mấy tốt đẹp về khu vực này.
Korea Times đưa tin năm 1997, hai thanh niên Mỹ gốc Hàn đã cấu kết và đâm chết một sinh viên đại học Hàn Quốc trong phòng vệ sinh nhà hàng Burger King ở Itaewon. Các nghi phạm khi đó là Arthur Patterson (17 tuổi) và Edward Lee (18). Năm 2017, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã tuyên án 20 năm tù với Patterson - người đâm nạn nhân. Người này đã bỏ trốn sang Mỹ, trước khi bị dẫn độ về Seoul.
Cũng trong khoảng những năm 1990 và đầu 2000, khu phố này được biết đến với các mặt hàng nhái, cũng như khu phố đèn đỏ, theo Washington Post.
Từ đầu thập niên, Itaewon trở thành địa điểm cho người sành ăn, nơi để mọi người trải nghiệm hàng loạt nền văn hóa mà không cần tới hộ chiếu, theo Reuters. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, những người hay lui tới Itaewon chuyển dần sang người dân bản địa. Sự chuyển mình nhanh chóng hơn nữa khi người nổi tiếng tới và mở nhà hàng tại đây.
Trước ngày 11/9/2001, "Itaewon chỉ toàn người Mỹ", một người nói.
Do đó, trong tổng số 10 đơn vị đồn trú, căn cứ không quân và trại của lính Mỹ trên khắp Hàn Quốc - với mỗi nơi đều có khu thương mại và giải trí gần đó, Itaewon nổi tiếng không chỉ với lính Mỹ mà còn cả với người dân bản địa và du khách bất kể quốc tịch.
Theo Washington Post, ở Itaewon có các sảnh chờ, quán bar và cà phê thời thượng mô phỏng theo các địa điểm từ Mỹ, châu Âu cho tới châu Á. Itaewon gần như sáng đèn cả đêm, đón khách bất kể ngày thường hay cuối tuần.
Những quan điểm xã hội tự do hơn cũng xuất hiện ở Itaewon, đặc biệt liên quan tới tình dục. Khu vực lân cận có nhiều câu lạc bộ đồng tính. Bộ phim truyền hình nổi tiếng “Tầng lớp Itaewon” có xuất hiện nhân vật da đen và chuyển giới, thể hiện sự đa dạng về chủng tộc và linh hoạt về giới mà hầu như không xuất hiện trong nền giải trí Hàn Quốc.
“Đối với người dân Seoul, Itaewon như một điểm du lịch”, một người họ Woo cho hay. “Rất nhiều người Hàn tới Itaewon chơi để hòa nhập với cộng đồng quốc tế, và bằng cách nào đó loại bỏ ‘phần’ Hàn Quốc trong họ. Tôi cho rằng có nhiều thanh niên có mặt đêm hôm đó (hôm xảy ra thảm kịch) không phải đến từ Seoul”.
Điểm thu hút của Itaewon có thể ví như Quảng trường Thời đại của Mỹ. Ước tính có tới khoảng 100.000 người đã đổ xô tới Itaewon để ăn mừng lễ Halloween hôm 29/10.
Theo Korea Times, một trong những lý do khiến Itaewon nổi tiếng là việc khu vực này có vị trí dễ dàng tiếp cận.
“Itaewon nằm ngay trung tâm Seoul, có 3 ga tàu điện ngầm khắp Itaewon để du khách có thể thuận tiện đến và đi. Nơi này không giống bất cứ khu vui chơi giải trí nào gần các địa điểm có nhiều lính Mỹ trong nước”, Im Ji-won, quan chức phòng PR từ văn phòng quận Yongsan, nói.
Một lý do khác là công dân nước ngoài ở quận Yongsan rất đông. Khu vực kinh doanh chính của Itaewon, nằm trong khu Itaewon-dong, có lượng cư dân nước ngoài cao thứ hai sau Hannam-dong - nơi có nhiều đại sứ quán và lãnh sự quán.
Bên cạnh đó, theo Kim Chun-soo - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Yongsan, lý do lớn nhất giúp Itaewon nổi tiếng lâu dài như vậy là ý nghĩa lịch sử sâu xa của khu vực này đối với đất nước. Ông dẫn tới tận Triều đại Joseon (1392-1910).
Nằm cách cổng Sungnyemun - một trong bốn cổng lớn bảo vệ các cung điện hoàng gia ở trung tâm Seoul từ bốn hướng khác nhau trong suốt giai đoạn này - vài km về phía nam, Itaewon kết nối du khách, thương gia, quan chức chính phủ và sứ thần nước ngoài từ Sungnyemun đến sông Hàn.
Theo lời ông Kim, Itaewon giống như một cơ sở của chính phủ, một lữ quán trong thời kỳ đó, phục vụ những vị khách ghé ngang khu vực.
“Với lưu lượng người bùng nổ, khu vực Itaewon dần trở thành cộng đồng, nơi mọi người sinh sống, ăn, uống và ở”, ông Kim cho hay. “Đến sau Chiến tranh Nga - Nhật năm 1904, Nhật Bản giành được quyền kiểm soát Bán đảo Triều Tiên, quân đội nước này đóng tại một phần khu vực Itaewon. Sau Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên, các binh sĩ Mỹ thay người Nhật. Những người lính và thương nhân Hàn Quốc trao đổi văn hóa. Phong tục đó tiếp diễn cho tới ngày nay”.
Ông Kim cho rằng tính truyền thống lâu đời của Itaewon không nhất thiết sẽ lu mờ bởi hình ảnh về một khu thương mại hiện đại và giải trí. Bugundang - ngôi đền cổ trên ngọn đồi phía bắc con đường chính của Itaewon, xây dựng vào năm 1619 để thờ vị thần bảo vệ khu vực hồi đó - phản ánh truyền thống đã ăn sâu vào khu vực này ra sao.
Cú đòn với Itaewon
Sau thảm kịch đêm Halloween, Lee Sang-yoon - người điều hành quán rượu trong con hẻm cạnh Hamilton - cho biết vụ việc có thể sẽ giáng một đòn tàn khốc với những người kinh doanh tại đây.
“Điều này xảy ra đúng vào thời điểm chúng tôi chuẩn bị hồi phục sau khi bị Covid-19 tấn công. Chúng tôi có thể ‘sống sót’ qua đại dịch vì chúng tôi đã sở hữu nơi này. Tuy nhiên, hầu hết người xung quanh phải trả tiền thuê nhà đã đóng cửa hàng và rời đi”, ông Lee - người đã kinh doanh tại Itaewon suốt 3 thập kỷ - chia sẻ.
Trong đại dịch, Itaewon từng là tâm điểm chú ý khi vào năm 2020 xuất hiện một chùm ca nhiễm ở đây. Tháng 5/2020, bệnh nhân thứ 66 của Hàn Quốc đã tới 5 câu lạc bộ và quán bar trong khu vực, dẫn tới 15 ca mắc mới. 3 ngày sau, chính quyền thủ đô Seoul ra lệnh cấm tất cả câu lạc bộ trong thành phố mở cửa.
Với Park Geun-ho - chủ sở hữu của Havana Lounge & Pub, thảm kịch hôm 29/10 có thể là thách thức lớn nhất mà khu vực này từng chứng kiến. “Sau những chuyện này, liệu mọi người có còn tới Itaewon vào lúc này không? Tôi tin là không”, ông Park - người đã kinh doanh ở đây suốt 30 năm - nói.
Kim Kyung-mo - người làm việc tại một cửa hàng tiện lợi gần con hẻm nơi xảy ra vụ việc - cho biết: “Tháng này là tháng tốt với Lễ hội Làng Toàn cầu, Halloween,... Nhưng rồi vụ việc này xảy ra. Tôi đã gặp và trò chuyện với sếp sáng nay, và rõ ràng trông anh ấy không ổn lắm”.
Trong khi đó, với tư cách là nhà sử học, ông Kim mong đợi vụ việc mới nhất tại Itaewon sẽ không buộc khu vực này phải thay đổi các đặc điểm truyền thống lâu đời một lần nữa.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/qua-khu-phuc-tap-cua-itaewon-post1370681.html