Qua miền di sản Việt Bắc
Tới nay, chương trình 'Qua những miền di sản Việt Bắc' sau 15 năm tổ chức đã cho thấy những hiệu quả bất ngờ.
Diễn ra lần đầu tiên tại tỉnh Hà Giang vào năm 2009, Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” qua 14 năm luân phiên tổ chức tại các tỉnh trong khu vực đã tạo nên thương hiệu du lịch riêng, đặc sắc của 6 tỉnh Việt Bắc - điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Thực tế, trước đó đã có nhiều hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, tuy nhiên hiệu quả đạt được quá khiêm tốn. Yếu điểm làm du lịch theo kiểu “mạnh ai nấy làm” chưa được khắc phục, khiến cho việc kết nối tour tuyến còn rời rạc, việc hình thành, tạo ra các sản phẩm du lịch mới còn nhạt nhòa. Mỗi địa phương đều có những “đặc sản” rất riêng, cả về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán... Tuy nhiên, lại thiếu một sự kết nối để tạo ra một kết quả hấp dẫn, thu hút khách du lịch tìm đến.
Tuy nhiên, “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức tại tỉnh Hà Giang đã phần nào đã khai thông điểm nghẽn trong phát triển du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc. Minh chứng rõ nét nhất chính là tổng mức đầu tư vào lĩnh vực du lịch từ các nguồn vốn ước đạt trên 20 nghìn tỷ đồng (giai đoạn 2009 - 2015). Cũng chỉ sau 5 năm khi “Qua những miền di sản Việt Bắc” khởi động, tổng lượng khách đến với các tỉnh Việt Bắc đạt trên 6,5 triệu lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 4.500 tỷ đồng; trên địa bàn 6 tỉnh có gần 1.100 cơ sở lưu trú, trong đó có 250 cơ sở đạt tiêu chuẩn từ 1 - 4 sao...
Đặc biệt năm 2022, lần đầu tiên 3 tour du lịch liên tuyến của 6 tỉnh Việt Bắc được ra mắt trong chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Đó là “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”; “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc” và tour du lịch “Từ chiến khu Cách mạng Tân Trào đến Mặt trận biên giới Vị Xuyên”.
Tại chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 15, vừa diễn ra ngày 8/7, những cú bắt tay để liên kết phát triển du lịch tiếp tục mang đến nhiều triển vọng. Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An cho biết, thành phố Đà Nẵng và 6 tỉnh Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng và lợi thế để liên kết phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch đặc sắc và có chiều sâu giá trị văn hóa, lịch sử. Chương trình sẽ tạo cơ hội kết nối, đẩy mạnh khai thác các nguồn khách nội địa đi và đến các địa phương, đồng thời tăng cường giao lưu hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới.
Còn ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, các tỉnh sẽ có các phương án để tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực trong lĩnh vực du lịch lữ hành nhằm đi đầu trong phát triển các tour cố định để hút khách ở thị trường miền Trung, TPHCM đến với Việt Bắc. “Việt Bắc là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi có phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Vì vậy chúng tôi phải nắm bắt để phục vụ du khách, phát triển ngành du lịch hơn nữa” - ông Hưng cho biết.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/qua-mien-di-san-viet-bac-10285199.html