Quá muộn màng

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản đính chính quyết định phê duyệt dự án khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải. Văn bản đính chính này được đưa ra sau 4 năm 9 tháng quyết định ban hành và đi vào thực tế. Nó cũng chỉ được ban hành sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành kiểm tra, xử lý liên quan đến dự án.

Cụ thể, quyết định quy hoạch hơn 4 năm trước đưa ra cao độ nền của dự án là 17,65m, trong khi vùng bán ngập của hồ mực nước dâng bình thường là 21,50m. Văn bản đính chính cho rằng nguyên nhân sai sót là do sơ suất trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản. Đến lúc văn bản đính chính cao độ tối thiểu phải 21,50m được ban hành, quả đồi bên hồ Đại Lải - một hồ du lịch sinh thái nổi tiếng, cũng là một trong 3 hồ nước ngọt vệ tinh cách Hà Nội chỉ 50km, đã bị hạ độ cao và san lấp ra tận lòng hồ đến vài chục héc ta.

Việc cố ý hay sơ suất và có ai phải chịu trách nhiệm hay không, rồi thời gian và cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời. Nhưng chỉ bằng những hiểu biết tối thiểu của một người bình thường cũng có thể nhìn thấy những điều bất thường trong sự “sơ suất” này.

Thứ nhất, 17,65m và 21,50m, khó có thể nhầm lẫn. Trên bàn phím máy tính, 21 và 17 khó có thể gõ lộn, 65 và 50 cũng như thế. San một quả đồi để còn cao độ 17,65m hay 21,50m cũng không thể nhầm lẫn. Với các chuyên gia, với những người làm lãnh đạo, từ cơ quan chức năng tham mưu đến lãnh đạo tỉnh, càng không thể có sự nhầm lẫn như thế, bởi hệ lụy nó để lại quá lớn.

Thứ hai, việc san lấp, hạ cốt nền này không phải là dự án công ích hay công trình bảo vệ hồ, mà là dự án để xây dựng khu biệt thự nghỉ dưỡng. Và sự sơ suất ấy sẽ mang lại hàng trăm, thậm chí cả ngàn tỷ đồng cho nhà đầu tư dự án.

Thứ ba, nhân dân phản ánh đã lâu, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng. Chỉ đến khi Trung ương vào cuộc thì mới có… đính chính văn bản.

Dẫu không muốn nghĩ xấu cho những người liên quan, nhưng bất cứ ai cũng đều khó có thể thuyết phục bản thân được rằng, trường hợp này đơn thuần nguyên nhân sai sót chỉ là do sơ suất trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản. Và người xưa có câu: “Miệng nhà quan có gang có thép” với hàm ý rằng lời nói của quan ghê gớm lắm, ỷ mình có chức có quyền muốn nói gì thì nói, bắt mọi người phải nghe, phải phục tùng.

Thực tế có không ít cán bộ, lãnh đạo ở các địa phương như những câu thành ngữ người xưa để lại. Họ là những cán bộ thoái hóa biến chất, nhưng đội lốt dưới vẻ bề ngoài hào nhoáng và che đậy bằng cả hình thức bên ngoài tỏ ra tận tâm, lẫn thủ đoạn bên trong đầy nham hiểm. Khi chân tướng có dấu hiệu bị lộ hay có vấn đề ảnh hưởng, họ bất chấp thủ đoạn và sẵn sàng chạy chọt bằng được để bảo vệ mình hoặc chạy chọt bằng được để leo cao hơn, đục khoét được nhiều hơn…

Có lẽ, chỉ đến khi bị đưa vào lò chống tham nhũng, lò chống tiêu cực và lửa cháy trong lò phừng phừng, những trường hợp ấy mới chịu đầu hàng. Khi đó, lại bài ca cũ xin lỗi đồng chí, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, nhân dân… Trong cao điểm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm của Đảng và Nhà nước ta, những việc như thế không thể nào che giấu được và lời xin lỗi hay đính chính ấy quá muộn màng.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/qua-muon-mang-32418