Quả na cực tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng ăn được
Quả na chín vừa bổ dưỡng vừa thơm ngon, tuy nhiên với một số người cần hạn chế ăn quả này. Điển hình như những người mắc bệnh đái tháo đường không nên ăn nhiều na vì hàm lượng đường cao.
PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, quả na là nguồn cung cấp viatmin và muối khoáng quan trọng trong chế độ ăn của mỗi người, vì ăn trực tiếp không qua nấu nướng nên quả chín giữ nguyên được hàm lượng vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh sau nên chừng mực khi ăn na.
Những đối tượng cần kiêng na để bảo vệ sức khỏe
Người thừa cân béo phì
Na là loại quả chứa nhiều đường, cung cấp nhiều năng lượng nên người thừa cân béo phì không nên ăn nhiều. Nếu ăn một quả na loại 200 – 250g thì cũng tương đương với 1 bát cơm, cho nên nếu ăn nhiều các loại quả ngọt này thì việc tăng cân là chuyện đương nhiên.
Người bị đái tháo đường
Những người mắc bệnh đái tháo đường không nên ăn nhiều na vì hàm lượng đường cao, cung cấp nhiều năng lượng nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ tăng lượng đường trong máu.
Người bị mụn nhọt
Một số người có cơ địa hay bị mọc mụn nhọt, rôm sảy, hay bị chắp lẹo mắt thì cũng không nên ăn nhiều na vì hàm lượng đường cao trong quả sẽ làm tăng lượng đường trong máu, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, nhất là tụ cầu - nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt, chốc lở.
Người suy thận
Người suy thận cũng không nên ăn nhiều na vì đây là thực phẩm giàu kali, không tốt cho người mắc bệnh cần ăn kiêng.
Ngoài ra, đối với người mắc tiểu đường, đặc biệt là phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh tiểu đường thì cũng không nên ăn bởi na có hàm lượng đường tương đối cao.
Những điều cần chú ý khi ăn na
Mặc dù quả na có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, nhưng nó cũng chứa một lượng nhỏ các chất gây hại. Đó là chất annonacin, một chất độc có thể ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh. Chất này tập trung nhiều nhất ở hạt và vỏ. Vì vậy, để ăn quả na một cách an toàn, bạn nên loại bỏ 2 bộ phận này trước khi ăn.
Trên thực tế, từ những nghiên cứu quan sát được ở khu vực nhiệt đới, việc tiêu thụ nhiều quá na sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson hoặc bệnh thần kinh.
Mặc dù ăn hoa quả trước bữa ăn có nhiều lợi ích nhưng nếu bạn bị viêm ruột, trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày…, cố gắng không ăn hoa quả trước bữa ăn, đặc biệt là những loại quả quá chua hoặc ngọt.
Bác sĩ dinh dưỡng Triệu Cường của Bệnh viện Mackay Memorial Đài Bắc cho hay: "Những loại quả quá ngọt như vải, xoài, na nếu ăn trước bữa ăn sẽ dễ kích thích tiết axit dạ dày, có thể gây ra trào ngược dạ dày thực quản".
Ngoài ra, ăn quả na khi bụng đói sẽ khiến dạ dày hấp thụ nhiều đường và làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, những bệnh nhân có vấn đề về đường huyết hoặc tiểu đường tốt hơn nên ăn hoa quả sau bữa ăn.
Tuy nhiên, bác sĩ Triệu Cường nhắc nhở rằng tần suất ăn hoa quả sau bữa ăn là khác nhau ở mỗi người. Một số loại thuốc tiểu đường có tác dụng ngắn trong khoảng 2-4 giờ, thậm chí tác dụng cực ngắn trong 60 đến 90 phút. Thuốc bắt đầu phát huy tác dụng sau khi tiêm trước bữa ăn. Tuy nhiên, nếu bạn ăn quả na sau bữa ăn vài giờ thì hiệu quả của thuốc sẽ giảm.
Quả na cũng như một số loại trái cây khác, nó không có câu trả lời chính xác tuyệt đối vào một khung giờ cụ thể và còn tùy thuộc vào thể trạng của từng người. Tuy nhiên, đối với người khỏe mạnh thì nên ăn giữa bữa chính như 10 giờ, 11 giờ sáng hoặc 3 giờ, 4 giờ chiều. Vào bữa phụ, ăn hoa quả sẽ cho cảm giác no lâu, tốt cho sức khỏe hơn là bánh ngọt nhiều dầu, nhiều đường.
Điều đáng chú ý là quả na có hàm lượng calo cao gấp đôi táo, gấp 3 lần ổi. Do đó, người lớn chỉ nên ăn 1 quả là đủ dưỡng chất cần cho cơ thể. Đối với những người yêu thích loại trái cây này, để tránh nạp quá nhiều đường vào cơ thể, chuyên gia dinh dưỡng gợi ý rằng "Có thể ăn luân phiên quả na với các loại trái cây khác và nên ăn 3 lần/tuần".