Quà nào bằng quà gia đình sum họp, tết nào vui hơn Tết đoàn viên
Khi nắng thu tắm vàng trái bưởi, nhuộm đỏ trái hồng, ánh trăng tỏ rạng khắp cõi nhân gian cũng là lúc trẻ em trên khắp dải đất hình chữ S này háo hức, rộn ràng vui hội trăng rằm, đón Tết trung thu hay còn gọi là Tết trông trăng, Tết đoàn viên.
Các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau thưởng trăng, phá cỗ, trò truyện là điều làm nên ý nghĩa sâu sắc của ngày Tết trung thu. (Tranh minh họa)
Những chiếc đèn ông sao với đủ hình dạng, màu sắc thỏa sức phô diễn vẻ đẹp trong sự phấn khích, tinh nghịch của đám trẻ. Được tham gia phá cỗ trăng rằm, nhấm nháp hương vị của chiếc bánh nướng, bánh dẻo là kỷ niệm ấu thơ trong trẻo, ngọt lành mà mỗi đứa trẻ mang theo trong suốt hành trình khôn lớn, trưởng thành.
Nhưng có lẽ, điều mà mỗi đứa trẻ cảm thấy vui thích nhất chính là được hòa mình vào đoàn người đi rước đèn qua khắp xóm, làng, những con phố. Đoàn múa lân huyên náo, rộn ràng tiến bước tới đâu, tiếng cười lanh lảnh, giòn tan của trẻ nhỏ vang lên tới đó. Chúng tíu tít bên cạnh ông địa bụng bự, má đỏ hây hây, tay phe phẩy quạt.
“Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình/Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh”…
Chỉ một câu hát như thế mà đủ sức vun vén, khuấy động cả bầu trời tuổi thơ của nhiều thế hệ.
Trung thu năm này khác hẳn. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa sẽ không tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu tại cơ quan, đơn vị, trường học, cộng đồng dân cư, khu vực tập trung đông người, khu vực công cộng. Người lớn nhìn đám con trẻ mà thương, lòng trộm nghĩ: “Bóng ma dịch bệnh đáng sợ đến thế. Nó không chỉ cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người, làm “chao đảo” nền kinh tế, đảo lộn đời sống thường ngày mà còn nhẫn tâm tước đoạt đi niềm vui thích nhỏ nhỏ, bình dị của con trẻ”.
Vắng bóng đoàn diễu hành, rước đèn, thiếu đi những không gian, hoạt động vui chơi liệu đêm Rằm tháng Tám có còn ai ngóng đợi? Câu trả lời chắc chắn là có.
Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID - 19, tỉnh Thanh Hóa không tổ chức các hoạt động vui Trung thu tại cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, nên nhiều gia đình tạo niềm vui cho con bằng cách cùng con làm bánh, tự chế đèn chơi trung thu tại nhà.
Chẳng biết xuất phát tự bao giờ, nguồn gốc từ đâu nhưng ở Việt Nam cho đến ngày nay, việc đón Tết Trung thu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, in sâu vào tiềm thức. Trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều sự tích hay liên quan tới ngày lễ đặc biệt này.
Ngược dòng thời gian, lần theo lịch sử, văn hóa truyền thống để hiểu biết một cách sâu sắc, rộng mở hơn về sức sống của Rằm tháng Tám trong tâm thức người dân nước Việt.
Từ những năm đầu thế kỉ XX, Phan Kế Bính từng có những ghi chép tỉ mỉ về sinh hoạt của người dân nước ta trong ngày lễ đặc biệt này: “Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi..." (Việt Nam phong tục).
Trang trọng, tỉ mỉ, chu đáo là thế! Sự xuất hiện của mâm cỗ cúng gia tiên vào ngày rằm tháng tám trong gia đình người Việt xưa khiến mỗi người trong chúng ta nghĩ suy, trăn trở, thấm thía nhiều hơn về ý nghĩa, giá trị của ngày lễ đặc biệt ấy. Chẳng cần mâm cao cỗ đầy, chẳng phải cầu kì, kiểu cách, việc gia đình quây quần, cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ cũng gia tiên vào ngày Tết Trung thu là cách con cháu thể hiện tình cảm, lòng thành kính, trân trọng, tưởng nhớ đến những người thân đã khuất. Càng có ý nghĩa hơn khi cả nhà cùng ngồi lại với nhau trước hiên nhà thưởng trăng, phá cỗ, chuyện trò rôm rả…
Bởi lẽ đó, ngoài những hoạt động rước đèn, phá cỗ, hơn tất thảy, ngày Rằm tháng Tám - Tết Trung thu còn mang một tên gọi khác đầy thân thương, xúc động: Tết đoàn viên.
Ánh trăng rằm chính là duyên cớ tốt lành, đong đầy yêu thương đến với mọi người, mọi nhà. Đó mới là điều làm nên giá trị cốt lõi, vĩnh hằng của ngày Tết Trung thu trong tâm thức người Việt.