Quả ngọt, trái lành, thấm đẫm tình đất, tình người Can Lộc
Hòa mình trong cảnh sắc quê hương yên bình, thơ mộng và lắng nghe những câu chuyện về truyền thống quê hương, về sự chịu thương chịu khó của người dân Can Lộc (Hà Tĩnh) anh hùng, càng trân quý hơn những quả ngọt, trái lành thấm đẫm tình đất, tình người nơi đây.
Can Lộc là vùng quê được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều tiềm năng, lợi thế (Trong ảnh: Chùa Hương Tích được mệnh danh là hoan châu đệ nhất danh lam).
Chủ tịch UBND huyện Đặng Trần Phong tự hào: “Can Lộc là vùng quê được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều tiềm năng, lợi thế. Không chỉ có nguồn lực đất đai dồi dào, sản vật phong phú, huyện còn có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng.
Đây là nền tảng và động lực để huyện xác định đưa du lịch trở thành mũi đột phá trong phát triển kinh tế. Việc khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng miền gắn với phát triển du lịch sinh thái được xem là một trong những chiến lược phát triển của huyện xuyên suốt nhiệm kỳ”.
Khu du lịch sinh thái Cửa Thờ - Trại Tiểu (Mỹ Lộc) được xem là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn du khách
Trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch của huyện, thời gian qua, vùng trà sơn Can Lộc đã và đang tập trung thu hút đầu tư, phối hợp với các đơn vị lữ hành để thực hiện mục tiêu hình thành tuyến du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái hấp dẫn. Cùng với đó là tập trung phát huy giá trị các di tích và danh thắng như: Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; Khu du lịch sinh thái Cửa Thờ - Trại Tiểu...
Điều đáng phấn khởi là chủ trương đánh thức tiềm năng kinh tế gắn kết với phát triển du lịch sinh thái vùng thượng Can Lộc đã được thấm sâu trong suy nghĩ của người dân. Đã có nhiều chủ trang trại ở các xã: Mỹ Lộc, Thượng Lộc, Phú Lộc, Thường Nga… mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế theo hướng đa dạng hóa sản phẩm như: trồng cây ăn quả, nuôi cá, gà cỏ, lợn nít… gắn với phát triển du lịch trải nghiệm.
Hệ thống chính sách của huyện trong khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết như: hợp tác xã, tổ hợp tác gắn sản xuất với bảo quản, chế biến… cũng đã tạo động lực cho nông dân vùng thượng xây dựng thương hiệu sản phẩm bằng việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng sản phẩm OCOP…
Cam Thượng Lộc - một trong những đặc sản nổi tiếng của quê hương Can Lộc.
Chủ trương phát huy lợi thế về du lịch, dịch vụ để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng được thể hiện bằng việc quảng bá thị trường thông qua hình thức tham gia các hội chợ, tổ chức các gian hàng tại điểm du lịch.
Theo đó, những sản phẩm: cam Thượng Lộc, viên nghệ mật ong, mật ong Trà Sơn, dưa lưới… đã trở thành đặc sản theo chân du khách về khắp mọi miền, có mặt tại nhiều siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện đang triển khai quy hoạch 2,5 ha ở thị trấn Đồng Lộc với nguồn đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng điểm dừng chân cho du khách.
Dưa lưới Đồng Uyên xã Thượng Lộc, Can Lộc đã được công nhận sản phẩm OCOP (ảnh tư liệu)
Trong không khí vui tươi của những ngày cận tết, dẫn chúng tôi đến với danh thắng chùa Hương Tích vừa được tôn tạo, nâng cấp, ông Đặng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc phấn khởi cho biết: “Được sự chỉ đạo của huyện, năm nay, xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Chủ trương xây dựng mô hình du lịch sinh thái được xã khởi động bằng việc hoàn thành quy hoạch vùng đất rộng 5 ha sản xuất sâm Bố Chính, liên kết sản xuất cây đinh lăng, hình thành các cánh đồng trồng cây dược liệu và sắp tới, ý tưởng quy hoạch cánh đồng hoa, cây ăn quả cũng sẽ được xúc tiến khi tuyến đường Thiên Lộc - chùa Hương Tích được cải tạo”.
Sản phẩm nông nghiệp Can Lộc đang từng bước trở thành đặc sản theo chân du khách đến với những miền quê
Chính sách kích cầu của huyện trong việc kêu gọi sự vào cuộc của Hiệp hội Du lịch, việc “trải thảm” đón các nhà đầu tư và trong tương lai không xa, khi dự án đường Can Lộc - Lộc Hà - Cửa Hội hoàn thành…, sẽ là những điều kiện thuận lợi trong kết nối tour, tuyến, thu hút khách du lịch về với vùng đất giàu trầm tích văn hóa, thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, con người chất phác, kiên trung.