'Quả ngọt' trên đất Hiệp Lực
Vinh dự từng được đón Bác Hồ về thăm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hiệp Lực (Ninh Giang) luôn khắc ghi lời dạy của Người để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Thi đua làm theo lời Bác
Ngày 26.7.1962, Bác Hồ về thăm Hải Dương lần thứ tư. Buổi sáng hôm ấy, Người nói chuyện với cán bộ và nhân dân thị xã Hải Dương tại sân Vọng Cung, sau đó về thăm bà con nông dân các xã Ứng Hòe, Hiệp Lực (cùng ở Ninh Giang).
Tròn 60 năm sau, bà Đào Thị Nghê (81 tuổi) ở thôn Mai Xá vẫn nhớ mãi và tự hào được đứng gần bên Bác. Bà Nghê kể, hôm ấy Bác giản dị trong bộ quần áo màu gụ tươi, đầu đội mũ, quần xắn cao, tươi cười, đôn hậu nhìn về phía bà con đang guồng nước. Bác giơ tay vẫy chào mọi người. "Đi đến guồng của tôi, Bác dừng lại. Tôi xuống guồng để Bác cùng với đồng chí Thứ trưởng Thủy lợi và Bí thư Tỉnh ủy cùng đạp guồng nước với Bác. Bác hỏi tôi: Cháu đã vào Đoàn chưa? Tôi bảo: Cháu mới vào Đoàn ạ. Bác khen: Tốt lắm. Rồi Bác hỏi tiếp: Thế cháu guồng nước có mệt không? Tôi trả lời: Thưa Bác, không mệt ạ. Rồi Bác đọc 2 câu thơ: Trăm năm trong cõi người ta/Chống úng thắng lợi mới là người ngoan. Sau đó, Bác bắt nhịp bài "Kết đoàn", mọi người cùng hát và vỗ tay theo", bà Nghê nhớ lại.
Đứng trước Đài tưởng niệm Bác Hồ ở xã Hiệp Lực, nhiều cán bộ, đảng viên, người dân cùng nhau ôn lại ký ức Người về thăm cách đây tròn 60 năm. Với niềm tự hào và xúc động, đồng chí Vũ Doãn Nhã, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Lực kể nhiều câu chuyện Bác về thăm xã Hiệp Lực năm 1962 cho các thế hệ trẻ cùng lắng nghe, suy ngẫm. Hình ảnh Bác Hồ đạp guồng nước chống úng và lời căn dặn của Người luôn trong tiềm thức của các thế hệ người dân Hiệp Lực, lấy đó là động lực để đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Đổi thay
Ghi nhớ lời dặn của Bác Hồ động viên nhân dân chú trọng phát triển kinh tế, lấy nông nghiệp làm bàn đạp cho sự phát triển, địa phương chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tối đa thế mạnh của các mô hình cây đặc sản, hình thành mô hình chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Ông Bùi Ngọc Điềm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hiệp Lực cho biết: “Cây ổi cho giá trị cao hơn cấy lúa từ 7-10 lần nên chúng tôi định hướng chuyển đổi vùng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các giống ổi có chất lượng tốt. HTX đang hoàn thiện xây dựng sản phẩm OCOP cho cây ổi. Năm 2021, tổng giá trị thu từ trồng ổi đạt trên 30 tỷ đồng, chiếm 50% giá trị trồng trọt toàn xã”.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2021, Đảng ủy xã Hiệp Lực đã thực hiện hiệu quả nhiều công việc đột phá như: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí về nông thôn mới; thực hiện quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên môi trường về đất đai và tài chính công; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội nghị và ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, cán bộ công chức trong các cơ quan, đơn vị; hoàn thiện cơ sở vật chất của Trường THCS xã...
Đời sống nhân dân xã Hiệp Lực hiện nay đã được cải thiện rõ rệt. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5%; 91,1% số gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Xã Hiệp Lực về đích nông thôn mới năm 2016 và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Việc học tập làm theo lời Bác đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, việc làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hiệp Lực. 5 năm qua, xã đã có 16 lượt tập thể, 239 lượt cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua được ghi vào Sổ người tốt, việc tốt.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lam-theo-guong-bac/qua-ngot-tren-dat-hiep-luc-209742