'Quả ngọt' từ chương trình OCOP ở Đắk Lắk
Sau nhiều năm triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang cho những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, hình thành nhiều nông sản thế mạnh, nâng cao đời sống cho người dân.
Đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 110 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao (16 sản phẩm đạt 4 sao, 94 sản phẩm đạt 3 sao) của gần 50 xã, phường, với các chủ thể là HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh. Dù không vượt trội về số lượng, nhưng chất lượng các sản phẩm lại nổi bật.
Những bước tiến vượt bậc
Cụ thể, theo đánh giá của chuyên gia, số lượng sản phẩm OCOP 4 sao trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chiếm tỷ lệ khá cao so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, đồng thời dư địa phát triển còn rất lớn và đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ thời gian tới.
Krông Pắc đang là một trong những địa phương gây ấn tượng nhất trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn huyện có 9 sản phẩm được gắn sao OCOP cấp tỉnh. Đây là những sản phẩm có tiềm năng phát triển của tỉnh như cà phê, trà mãng cầu, đông trùng hạ thảo...
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNN huyện Krông Pắc, Chương trình OCOP là "sân chơi" rất rộng, mang tính chủ lực của từng địa phương, giúp các HTX, người dân tạo được giá trị gia tăng cho sản phẩm. Để sản phẩm OCOP mang lại kinh tế ngay lập tức cho người dân thì chưa, nhưng về lâu dài, các sản phẩm OCOP sẽ mang lại thu nhập ổn định và bền vững cho người dân.
Trên bình diện chung, thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch được những vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm thế mạnh.
Các sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.
Ấn tượng chủ thể HTX
Đắk Lắk hiện đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có của các sản phẩm chủ lực, như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca... Đồng thời, tỉnh cũng hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP tại Đắk Lắk, các HTX đang thể hiện vai trò chủ thể quan trọng. Như ở huyện Krông Bông, hàng loạt HTX ra đời trở thành điểm tựa cho nông dân trong quá trình sản xuất.
Điển hình HTX nông nghiệp tổng hợp Thăng Bình, xã Cư Kty. Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ban đầu quy mô 50 ha, đến nay cùng với sự đồng hành của HTX Thăng Bình, mô hình đã lan tỏa đến nông dân các xã Hòa Lễ, Hòa Tân, Yang Reh bắt tay cùng HTX sản xuất giống lúa ST24, ST25, Đài Thơm 8 trên 200 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cánh đồng lớn đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín với sự liên kết của “4 nhà”, giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tạo được sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm với chi phí sản xuất thấp.
Hiện nay, HTX đã và đang chú trọng đến việc xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, định hướng đầu tư xây dựng nhà máy phơi sấy, chế biến, đóng gói và cung ứng thị trường gạo sạch HTB. Đây là loại gạo được sản xuất từ giống lúa ST24 và ST25.
Hay như tại Krông Pắc có HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmat là nhân tố quan trọng giúp xã Hòa Đông hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới như hình thức tổ chức sản xuất và kinh tế nông thôn, môi trường, giảm nghèo, an ninh-trật tự…
Bà H’Oanh Niê Kdăm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmat cho biết, sản phẩm cà phê bột của đơn vị vừa được gắn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển và thương mại sản phẩm cà phê bột của mình trên thị trường tốt hơn. Bởi sau khi đạt chứng nhận OCOP thì giá trị của sản phẩm sẽ được nâng cao rất nhiều.
Vẫn cần những “cú hích”
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, đến nay có thể khẳng định, Chương trình OCOP rất phù hợp với định hướng phát huy thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của các địa phương. Đặc biệt là những địa phương còn nhiều khó khăn về phát triển sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung, nhưng lại có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và văn hóa đặc trưng…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại của Chương trình OCOP sau nhiều năm triển khai. Các chủ thể tham gia chương trình vẫn đang gặp những khó khăn mang tính chất chủ quan như: quy mô, năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, việc lập hồ sơ OCOP còn gặp khó khăn.
Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại tuy được triển khai, nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), cho hay dòng sản phẩm cà phê đặc sản của HTX vừa được xét nâng hạng 4 sao OCOP là động lực để đơn vị tự tin tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trên thực tế sản phẩm OCOP vẫn chưa phát huy hết giá trị như kỳ vọng. Vì vậy, ngoài việc khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP thì các cấp, các ngành cũng cần quan tâm đến việc nâng cao sự nhận diện, giá trị của thương hiệu để khi nhắc đến những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thì mọi người sẽ tự nhận biết đây là sản vật vùng miền, có giá trị, có thương hiệu...
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, để nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP, tỉnh cần đẩy mạnh hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia vào OCOP thực hiện các quy trình kiểm tra về cơ sở, dây chuyền sản xuất, thiết kế bao bì, thực hiện đăng ký mã vạch, mã QR, từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục coi việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn là một giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đẩy mạnh Chương trình OCOP để giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng.