Quả ngọt từ lòng bao dung

Chị có đủ lí do để chia tay anh, thế nhưng chị lại không làm thế khi nhìn anh nằm bất động trên giường bệnh chẳng khác nào cái xác vô hồn.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Chị và anh nên duyên khi cả hai cùng làm việc trong một xưởng gỗ ở cuối huyện. Cũng vì gia cảnh đôi bên nghèo khó, cả anh và chị đều chỉ học xong cấp 3 rồi nghỉ, vì phải mưu sinh đỡ đần cha mẹ. Quen nhau, đồng cảm, thấu hiểu hoàn cảnh, dần dần, tình yêu như hơi thở, như cơm ăn áo mặc thường ngày cứ thế nảy nở giữa anh và chị tự khi nào.

Sau ba năm yêu, anh chị về chung một nhà. Đám cưới nhà nghèo dẫu đơn sơ, đạm bạc nhưng ăm ắp tình yêu thương cùng rất nhiều những lời chúc phúc tốt đẹp từ người thân, họ hàng, bạn bè. Ngày cưới, anh nắm chặt tay chị, hứa sẽ làm điểm tựa, cùng chị chăm chỉ làm ăn, nuôi nấng con cái sau này.

Lời hứa của anh ngày nào vẫn còn văng vẳng bên tai chị, có ngờ đâu lại chỉ là chót lưỡi đầu môi. Khi mới sinh thằng cu Nhân, chị ở nhà nghỉ thai sản, chăm con, mình anh “cày cuốc” nuôi cả nhà. Chẳng hiểu sao, anh đâm ra đổi tính, chiều nào đi làm về cũng “mượn rượu” than phiền, trách móc chị. Sau đó, chị biết được, anh kết giao với một số người “ăn không ngồi rồi” trong làng, bị họ tiêm nhiễm, khích bác, rồi bao nhiêu lời ra tiếng vào, thêm dầu vào lửa… khiến anh suy nghĩ lệch lạc, mất niềm tin vào gia đình, bản thân, vợ con. Anh bỏ việc, trở nên lười biếng, tối ngày chỉ làm bạn với rượu.

Dù lay chuyển xoay vần thế nào, anh vẫn không hề thay đổi. Thằng cu Nhân chưa tròn 6 tháng tuổi, chị đã phải gửi nó về nhà ngoại rồi vào xưởng gỗ xin đi làm lại. Ông chủ xưởng cám cảnh và thương cho hoàn cảnh của chị nên cũng miễn cưỡng đồng ý, sắp xếp công việc nhẹ nhàng. Giờ thì người trụ cột gia đình lại chính là chị. Trong thâm tâm, chị luôn tin rằng, anh sẽ thay đổi, anh sẽ trở về với nguyên bản ban đầu khi chị gặp.

Chỉ có điều, hơn một năm trôi qua, anh vẫn say khướt tối ngày. Có tiền, anh tụ tập hội bạn ở ngoài đầu làng từ sớm bửng tới đêm khuya. Hết tiền chìa tay xin chị 10 ngàn mua rượu. Chị không có cho, anh chửi rủa, đập phá đồ đạc trong nhà. Có khi, anh còn giật tóc, thẳng tay phang cú tát giáng trời xuống má chị khiến chị xây xẩm, ngã nhào. Mặc cho thằng cu Nhân hãy còn nhỏ dại, vì bị ma men điều khiển, anh nhẫn tâm đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà giữa đêm Đông rét như cắt da, cắt thịt.

Những ngày chị cố gắng làm tăng ca với hi vọng sẽ có thêm chút tiền mua sữa, mua đồ cho con. Thế nhưng, bao nhiêu tiền chị thắt lưng buộc bụng dành dụm, anh đều vét sạch để đi bù khú, bao bạn nhậu thâu đêm suốt sáng. Nhớ hôm chị đi làm tăng ca về khuya, gặp lúc mưa to, lại ngang qua cánh đồng, chẳng may bị ngã, xe hư hỏng nặng, người bê bết máu. Chị gọi cho anh cầu cứu những mong anh đến giúp. Điện thoại của anh đổ chuông một lúc lâu, rồi anh cũng bắt máy. Nhưng anh không nói điều gì, chỉ nghe tiếng lè bè, cụng ly chát chúa, chúc tụng ồn ào của những ma men.

Cũng may, chị được người qua đường giúp, đưa tới bệnh viện. Nằm viện điều trị hơn mười ngày, dù trong người vẫn còn chưa đỡ hẳn, chị vẫn gắng gượng xuất viện để đi làm. Còn anh thì vẫn vô tâm, chứng nào tật ấy. Những ngày cuối bộn bề công việc, chị được người ta báo tin anh bị tai nạn giao thông đang trong cơn nguy kịch. Nguyên nhân của tai nạn là do anh điều khiển xe máy khi trong người có nồng độ cồn cao. Chị tá hỏa bỏ hết công việc, nhờ mẹ ruột chăm con, một mình xuống viện chăm anh gần cả tháng ròng. Bao nhiêu tiền bạc trong nhà, chị đều vắt kiệt, còn phải chạy vạy vay tạm khắp nơi để lo cho anh.

Anh xuất viện trở về, sức khỏe cũng dần ổn. Lúc này, anh mới biết, trong giờ phút sinh tử nhất, chị luôn ở bên anh chăm sóc, lo lắng, quan tâm. Giờ anh thực sự mới nhận ra lâu nay mình đã đối xử bạc với mẹ con chị. Anh cảm thấy tội lỗi và hối hận vô cùng.

Về phần chị, họ hàng, làng xóm một hai khuyên chị nên ly dị để cuộc sống của mẹ con chị bớt khổ. Chị hiểu, ai cũng muốn tốt cho chị, nhưng mọi người không ở trong hoàn cảnh của chị, sẽ không thể hiểu được chị và anh, dù “một ngày cũng nghĩa vợ chồng”. Rồi con của chị cũng cần có cha, cũng cần một tổ ấm, một gia đình trọn vẹn và cần được cha mẹ yêu thương như bao đứa trẻ khác. Chị nỡ nào, vì sự ích kỉ của bản thân mà “tước” đi quyền được hạnh phúc của con trẻ?

Chị cũng đã từng có ý nghĩ muốn bỏ anh. Vì sự vô tâm, vô trách nhiệm của anh đã khiến chị cảm thấy giữa anh và chị đã không còn sự kết nối, sự thấu hiểu, yêu thương nữa. Chị cũng muốn để anh nhận ra, anh đã sai khi sống thiếu trách nhiệm với gia đình, với mẹ con chị. Nhưng ý nghĩ bỏ anh hiện tại đã không còn nữa. Quan trọng vì: Chị vẫn còn rất thương anh.

Hôm nay, đi làm về, chị thấy mâm cơm được anh bày biện tươm tất. Rất lâu rồi, chị mới lại được nhìn thấy sự ấm áp trong tổ ấm nhỏ của mình. Anh mỉm cười nhìn chị trìu mến: “Em ra rửa mặt mũi chân tay rồi vào ăn cơm kẻo đói!”. Miệng nói, tay anh bưng chén cơm, chạy theo thằng cu Nhân khắp nhà để đút cơm cho con. Thấy hai bố con quấn quýt, vui đùa, lòng chị rưng rưng xúc động.

Sau bữa cơm chiều muộn, anh thủ thỉ với chị: “Anh đã xin ông chủ xưởng gỗ rồi. Ngày mai, anh sẽ đi làm lại! Anh hứa từ nay sẽ thay đổi, sẽ không bao giờ khiến em và con phải buồn nữa”. Anh nắm chặt bàn tay thô ráp của chị trong tay mình, mắt nhìn chị như muốn nói rất nhiều điều. Chị khẽ gật đầu, tựa vào bờ vai anh, nước mắt trực trào hạnh phúc.

Lê Thị Xuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/qua-ngot-tu-long-bao-dung-post691518.html