Quả ngọt từ nỗ lực giảm nghèo

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB-XH) tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2016 - 2020, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy - UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết quả giảm nghèo của tỉnh bình quân giảm 1,5%/năm. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh chỉ còn 1,75% hộ nghèo. Có 34/76 xã thoát khỏi chương trình xã khó khăn, trong đó có 14 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tìm lối đi riêng
Tuổi trẻ Cà Mau khởi nghiệp

Đời sống ngày càng nâng cao

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo của Cà Mau có thể ghi nhận rõ nét nhất là ở huyện U Minh. Chỉ vài năm trước, nếu đi theo tuyến đường từ thành phố Cà Mau về U Minh, người đi đường không khỏi thở dài cám cảnh khi bắt gặp những căn nhà lá con con nép cạnh những thân tràm. Cuối năm 2015, toàn huyện có 5.394 hộ nghèo, chiếm 21,59% so với tổng số hộ dân trong huyện, huyện có 8 đơn vị hành chính nhưng đã có 4 xã nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II, 2 xã bãi ngang ven biển và có đến 38 ấp đặc biệt khó khăn, đa số người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, mưu sinh dưới tán rừng.

Quyết tâm thực hiện công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy U Minh đã ban hành nhiều quyết định phân công các ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện phụ trách, giúp đỡ các ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao, hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc gia đình chính sách bằng những việc làm cụ thể. Với hơn 44,5 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trên 900 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với 47 mô hình phát triển sản xuất hiệu quả. Triển khai xây dựng 409 căn nhà cho người nghèo và tạo điều kiện cho gần 2.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo vay 56 tỷ đồng.

Nhờ đó, nhiều người, nhiều gia đình từ không có đất, công cụ sản xuất đã được hỗ trợ, tạo việc làm. Cán bộ khuyến nông, khuyến ngư ngày đêm lăn lộn tại địa phương hướng dẫn người dân cải tạo đất, tìm con giống, cây giống phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất nên hàng năm đều có người xin được thoát nghèo. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo huyện U Minh đã giảm còn 17,85%, bình quân mỗi năm giảm 4,46%.

Thương binh Phạm Văn Tiến, ngụ Ấp 11, xã Khánh Thuận là một trong những điển hình của công tác này. Là thương binh ¾, sau khi xuất ngũ ông Tiến gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tuy nhiên, từ khi chính quyền địa phương cho vay vốn, ông Tiến đã chọn trồng các loại rau ngắn ngày, dễ chăm sóc, nhanh thu hoạch để nhanh quay vòng đồng vốn. Năm 2019, ông Tiến được xét tặng căn nhà tình nghĩa, đời sống ổn định hơn, ông Tiến đã xin thoát nghèo.

Không chịu tụt lại phí sau, huyện Trần Văn Thời cũng là một trong những đơn vị có sự chuyển biến rõ nét trong công tác giảm nghèo, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương này cũng giảm 0,5% (tương đương giảm 239 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,37% (tương đương giảm 180 hộ) so với năm 2020. Bằng giải pháp rà soát, phân loại từng hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ nghèo, huyện Trần Văn Thời đã xây dựng được nhiều biện pháp giúp đỡ cụ thể, thiết thực, người không có nhà ở thì hỗ trợ xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, thiếu nghề thì mở nhiều lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật, chăn nuôi… tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ những vật dụng, nhu yếu phẩm sinh hoạt trong gia đình hàng ngày, vốn thực hiện mô hình để phát triển kinh tế nhằm tạo cuộc sống ổn định và thoát nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LĐ,TB-XH, phấn khởi cho biết: “Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp dân cư và của chính người nghèo. Kết cấu hạ tầng xã, ấp, khóm đặc biệt khó khăn được đầu tư, nâng cấp; hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nước sạch… ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, từ đó góp phần làm giảm 21.838 hộ nghèo, trong đó người dân tộc thiểu số 2.226 hộ, hạn chế số hộ tái nghèo qua các năm, tỷ lệ tái nghèo bình quân 0,3%/năm”.

Người dân Cà Mau tận dụng thế mạnh của mình để thoát nghèo

Để không tái nghèo

Từ 10% tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2016, chỉ sau 5 năm, con số đó đã giảm còn 1,75%. Tốc độ giảm nghèo của tỉnh được ngành chức năng đánh giá là khá nhanh và hiệu quả, tuy nhiên, công tác xóa nghèo không chỉ dừng lại ở việc giảm những con số mà phải làm thế nào để thoát nghèo bền vững và tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với các dịch vụ xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh đã tăng cao. Nhiều hộ trên địa bàn tỉnh dù thoát nghèo, thoát cận nghèo từ những năm trước, nhưng khi áp vào các tiêu chí của giai đoạn mới lại rơi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo số liệu mới nhất, giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh Cà Mau có 9.569 hộ nghèo, chiếm 3,12% so với hộ cận nghèo có 6.933 hộ, chiếm 2,26% so với chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh những thách thức, việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn mới cũng mở ra những cơ hội để các cấp, các ngành nhìn nhận đúng bản chất, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo khó, từ đó có thêm nhiều giải pháp và cách tiếp cận để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ được tiếp cận đầy đủ hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo các cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo, do đa số người nghèo là những người yếu thế, không vốn liếng, không đất đai nên dù có được hỗ trợ nhưng sẽ rất dễ tái nghèo khi gặp biến cố, mà đợt đại dịch Covid -19 vừa qua là một điển hình.

Để triển khai thực hiện chủ trương, hướng dẫn của Trung ương, Sở LĐ,TB-XH tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 11.1.2022 về việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2022, Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 31.3.2022 về triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó, mục tiêu đặt ra là phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hàng năm giảm tối thiểu 0,5%, đến cuối năm 2025 còn không quá 1%. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đồng bộ, thường xuyên giám sát công tác giảm nghèo, đặc biệt phải nâng cao nhận thức của các đối tượng trong chương trình, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân.

Hiền Dung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/qua-ngot-tu-no-luc-giam-ngheo-i298159/