Quả ngọt từ nỗ lực nghiên cứu của thầy trò vùng ven
Nằm ở vùng ven với những khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập, thế nhưng nhiều năm qua thầy trò Trường THPT Giai Xuân, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) có nhiều nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm KHKT.
Đặc biệt, năm 2021, đề tài “Nghiên cứu sử dụng cây chùm ngây” của thầy và trò đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng thành phố.
Đa dạng sản phẩm từ chùm ngây
Mới đây 4 học sinh Trường THPT Giai Xuân, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) là Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Quách Gia Kỳ, Nguyễn Trần Yến Vy và Nguyễn Huỳnh Phương Uyên đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh Thiếu niên, Nhi đồng TP Cần Thơ lần thứ 10, năm 2021 với đề tài “Nghiên cứu sử dụng cây chùm ngây (moringa oleifera L.) để làm trong nước sông, diệt khuẩn và làm trà thảo dược”.
Thầy Nguyễn Văn Vũ, Tổ trưởng bộ môn Sinh học của trường cho biết: Để thúc đẩy đam mê, nghiên cứu sáng tạo khoa học, trong quá trình giảng dạy, thầy cô luôn tạo điều kiện cho học sinh được áp dụng kiến thức vào đời sống, trải nghiệm trồng cây quanh trường. Qua đó, các em phát hiện vấn đề và nghĩ đến việc đa dạng hóa sản phẩm cho cây, trái vườn nhà, đặc biệt là cây chùm ngây.
“Khu vực sống của chúng em có khá nhiều kênh rạch, vườn tược nên cây chùm ngây mọc nhiều và thường bị chặt bỏ hoặc bỏ hoang. Thấy vậy chúng em đã nhờ sự giúp đỡ từ thầy cô giáo để tìm hiểu, nghiên cứu các công dụng cũng như ứng dụng của cây vào thực tiễn cuộc sống. Nhờ sự hỗ trợ của thầy cô mà ý tưởng của chúng em bước đầu thực hiện và cho ra 2 sản phẩm đầu tiên là túi lọc nước và trà thảo dược”, em Nguyễn Trần Yến Vy chia sẻ.
Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm ghi nhận đặc tính keo tụ của hạt chùm ngây, cùng với tính kháng khuẩn, nhất là với vi khuẩn E.coli. Hạt chùm ngây sau khi trái đã khô mang tách vỏ, phơi thật khô, gỡ bỏ lớp màng và đem xay nhuyễn thành bột. Bột hạt chùm ngây được cho vào túi lọc, khoảng 50gr/túi.
Đơn giản như vậy, bột hạt chùm ngây đã thành nguyên liệu làm trong nước sông. Một túi lọc 50gr bột hạt chùm ngây dùng để diệt khuẩn và làm trong khoảng 20 lít nước sông. Em Quách Gia Kỳ cho biết: “Chỉ cần cho túi lọc vào thùng nước, khuấy đều và đợi 20-30 phút, nước sông sẽ trong, phù sa, bụi bẩn sẽ lắng dưới đáy thùng”.
Bên cạnh đó, ngoài công dụng dùng lá chùm ngây để nấu canh, nhóm đã nghiên cứu cách chế biến trà thảo dược. Theo em Nguyễn Thị Ngọc Diễm, sau khi thử nghiệm nhiều lần, nhóm nhận thấy lá chùm ngây ở độ vừa thích hợp để làm trà. Lá chùm ngây sau khi thu hoạch, phơi khô rồi đem xay nhuyễn. Ở phạm vi gia đình, có thể sử dụng máy xay đa năng gia dụng để xay. Bột lá chùm ngây sẽ được cho vào túi lọc như một loại trà thông thường, dùng pha trà để uống.
Trong quá trình chế biến và thử nghiệm, nhóm thấy nếu chỉ dùng lá chùm ngây để làm trà thì có vị hăng nên kết hợp thêm lá dứa để tạo mùi. Nhờ vậy mà sản phẩm trà lá chùm ngây do các em làm ra có vị thơm nhẹ, dễ uống và sau khi giới thiệu được gia đình cũng như người thân dùng thử, đã nhận được lời khen.
Quả ngọt từ gian khó
Bà Nguyễn Ngọc Tiên, người dân xã Giai Xuân, huyện Phong Điền thường tận dụng nước từ sông rạch để sử dụng trong sinh hoạt và dùng phèn chua hoặc một số hóa chất lắng lọc để làm trong nước, nhưng lo ngại tác dụng phụ của hóa chất. Với bột hạt chùm ngây, bà rất an tâm và có thể tự chế biến để sử dụng.
Các sản phẩm sáng tạo từ cây chùm ngây để làm trong nước sông, diệt khuẩn và làm trà thảo dược của nhóm học sinh Trường THPT Giai Xuân đã góp phần giải quyết được những vấn đề môi trường và xã hội ở vùng quê. Nhóm tác giả cho biết sẽ giới thiệu rộng rãi sản phẩm nghiên cứu để ai cũng có thể sử dụng, vừa không tốn tiền mà lại tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, việc ứng dụng sản phẩm tạo thêm thu nhập cho người dân nơi đây.
Trước đề tài nghiên cứu về chùm ngây, Trường THPT Giai Xuân từng đã có khá nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác khá thành công. Thầy Nguyễn Hồng Bảo – Hiệu trưởng cho biết: Nhà trường đã chỉ đạo các tổ bộ môn thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Năm 2015, học sinh trường giành giải Nhì cấp thành phố và giải Ba cấp quốc gia về sáng tạo khoa học kỹ thuật, từ đó nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này.
“Chất lượng đầu vào tương đối thấp, vì thế đội ngũ thầy cô giáo không ngừng quyết tâm dạy tốt cũng như truyền cảm hứng cho học sinh nghiên cứu khoa học. Nhà trường đưa vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng để động viên khích lệ tinh thần thầy cô giáo hướng dẫn học sinh, thường xuyên quan tâm, theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ các em phát huy thế mạnh của mình trong các lĩnh vực nghiên cứu”, thầy Bảo chia sẻ.
Từ năm học 2013 – 2014 đến nay, năm nào trường cũng có sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật, mặc dù số lượng không tăng nhưng chất lượng có bước phát triển. Trường học vùng ven, điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị nghiên cứu còn thiếu thốn nhưng nhờ sự nỗ lực của thầy cô và sự cần cù, tìm tòi sáng tạo của học sinh, những sản phẩm sáng tạo thiết thực. Quả ngọt từ nghiên cứu đã và đang góp phần cho cuộc sống vùng ven tốt đẹp hơn. - Thầy Nguyễn Hồng Bảo