Qua nhà thấy người, qua người thấy nhà

Viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền, nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ. Lõi của nó là chuyện người. Đất, nhà và người suy cho cùng là một, là cái tựu lại thành văn hóa Việt.

“Nhà nào người đó, người nào nhà đó"

“Là họa sĩ, tôi đã làm nhiều triển lãm, rồi sau này làm thêm nghề giám tuyển cho các nghệ sĩ khác, cũng đã làm khoảng hơn 20 cuốn sách cho bạn bè từ khâu cơ bản như bản thảo, đến thiết kế… Nhưng khổ nhất là làm cho mình, vì thú thật ngại vô cùng. Sau nhiều lần định làm rồi lại thôi, tôi quyết định gói ghém chuyện viết lách của mình. Thế là tập tản văn ra đời, chung quy vẫn là niềm yêu, say mê dành cho văn hóa Việt”.

"Nhà & người" tập hợp gần 60 bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương trong hơn 20 năm qua

"Nhà & người" tập hợp gần 60 bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương trong hơn 20 năm qua

Họa sĩ Lê Thiết Cương bộc bạch như vậy trong buổi ra mắt sách Nhà & người sáng 8.8. Cuốn sách là ấn phẩm đầu tay của Lê Thiết Cương, được lựa chọn, chắt lọc từ các bài viết của ông trong hơn hai chục năm qua, trên một số tạp chí về kiến trúc nội thất. Họa sĩ cho biết, dù yêu thích nhưng chuyện thiết kế và trang trí nhà cửa ông không rành. Ông cũng không có ý định bình bàn những gì chẳng phải nghề của mình. Có điều, như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa, ông muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi gia mỗi cảnh, qua nhà thấy người, qua người thấy nhà. Bởi “chỉ có nết người mới tạo ra được nếp nhà. Thêm nữa, chuyện nhà chuyện người cũng là chuyện của một thời. Một bộ bàn ghế, một bức tranh, một kiểu nhà hoặc cách bày biện trong nhà của người ấy đều có dấu ấn của thời gian. Mỗi thời mỗi khác”.

Suốt mấy chục năm qua, đi tới nhiều vùng miền, đến nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, Lê Thiết Cương nhận ra, chuyện đất cũng là chuyện người. Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Lạt, Sapa, Hà Nội - nơi ông sinh ra, một vài làng cổ ở Bắc Bộ, một ngôi chùa, một nhà thờ ngoài đê sông Hồng… nơi đâu cũng thấm đẫm những nếp văn hóa riêng có. Họa sĩ lý giải quy luật “nhà nào người đó, người nào nhà đó, đất nào người đó, người nào đất đó” thông qua cách quan sát không gian kiến trúc, dáng dấp các công trình..., thông qua cả những giá trị vô hình nằm trong tâm thức mỗi người.

Như Hà Nội với đặc điểm “phố - làng”, chất “chợ - sông”, vốn ồn ào, náo nhiệt, xô bồ, cởi mở, là những đặc thù mà người ta có thể xem, nghe, ngửi, sờ thấy. Nhưng Hà Nội còn có đặc điểm khác, nằm trong nỗi nhớ của kẻ tha hương khi “nhớ nhà cũng chỉ giản dị là thèm một chén trà bỏng lưỡi ngồi xổm đêm khuya mùa đông vỉa hè hiu hắt…”.

Hay Hải Phòng - một thành phố nhỏ, dung chứa những công trình kiến trúc đặc sắc như nhà ga, bưu điện trung tâm, tháp nước, trường Ngô Quyền, nhiều nhà thờ, nhà cổ... Với Lê Thiết Cương, “Hải Phòng giống như một cậu bé đi chơi trong rừng và bị lạc. Nhiều chục năm sau, cậu ấy trở về, cuộc sống đã đổi thay, đã mới nhưng cậu ấy vẫn cũ, cũ nhưng đẹp. Bởi vì qua cậu ấy, những người hôm nay mới có cơ hội để được nhìn thấy quá khứ của mình, lịch sử của mình, gặp lại được mình…”.

Đằng sau con chữ…

Là họa sĩ, Lê Thiết Cương có điều kiện và cơ hội giao lưu với nhiều người trong giới văn nghệ sĩ. Những cuộc gặp mặt bạn bè tại nhà riêng ở các vùng đất khác nhau là chất liệu để ông viết. Nhiều ngôi nhà của văn nghệ sĩ như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Phú Quang, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Đào Trọng Khánh… hiện diện qua ngòi bút của Lê Thiết Cương với vẻ đẹp đầy tính phát hiện. Nói như Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, “Lê Thiết Cương đã phát hiện ra “nhà” là phát hiện ra “người” và ngược lại. Những vẻ đẹp của “nhà” và “người” đã làm nên vẻ đẹp của văn hóa Việt. Tôi nhận thấy chúng ta đã đánh mất quá nhiều vẻ đẹp văn hóa Việt dù đang sống trong chính những vẻ đẹp đó”.

Bản thân Lê Thiết Cương thừa nhận, trong các bài viết của mình, ông không bao giờ viết theo kiểu “2 cộng 2 bằng 4”, đương nhiên càng không phải “2 cộng 2 bằng 10”, mà đi giữa ranh giới “nửa tỉnh nửa say”. Bất kể viết về vùng đất nào, về ngôi nhà nào, về con người nào thì cũng nằm trong một mạch cảm xuyên suốt của ý tưởng nhà là người, người là nhà và đẩy cao hơn là nhà và người là một.

Viết về ngôi nhà của Nguyễn Quang Thiều, một ngôi nhà ở Hà Đông và một ngôi nhà ở xóm Chùa, huyện Mỹ Đức, gần chùa Hương, Hà Nội, ông bảo, một ngôi nhà bốn tầng ở Hà Đông là nhà mà cũng không phải là nhà. Ngôi nhà ba gian hai chái ở quê Thiều trong làng Chùa cổ kính ven đê sông Đáy mới chính là Thiều. “Ở đây, tôi muốn nói về chuyện khác, là chuyện gốc rễ, cội nguồn. Cái không gian sống nào làm cho tâm hồn mình cảm thấy gắn bó mới là ngôi nhà thực sự, nơi chốn đi về của mình. Và làng Chùa, một làng điển hình của nông thôn miền Bắc đã đẻ ra Nguyễn Quang Thiều, trở thành cuống nhau để nuôi dưỡng đời sống tinh thần, sinh ra những xúc cảm thi ca, hội họa Nguyễn Quang Thiều…”, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Chính vì mạch cảm xúc xuyên suốt ấy đã giúp họa sĩ nhìn ra những giá trị ngầm ẩn mang chất văn hóa Việt. Nhà cửa, đất cát, thủy thổ nào thì sẽ sinh ra tính tình, phong hóa, phong tục đó. Nói rộng ra thì chuyện thủy thổ cũng là chuyện đất, chuyện nước, chuyện đất nước, chuyện văn hóa, chuyện bờ cõi, chuyện dân tộc, chuyện đất Việt, chuyện người Việt. Có thể soi chiếu với hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Không phải là không có những văn nhân sinh ra ở đây, cha sinh mẹ dưỡng, nhưng cái chất thủy thổ của Hà Nội có xu hướng dưỡng (chất âm) nhiều hơn sinh (chất dương). Còn TP. Hồ Chí Minh là tạng tính thủy - động, chuyển động, thay đổi, cởi mở, mở lòng, rộng lòng nên Sài Gòn nhận được nhiều, dung dưỡng được nhiều… Chính điều này đã tạo nên một bản đồ văn hóa đa văn hóa.

Trưởng Ban Biên tập, NXB Hội Nhà văn, Trần Đình Ba nhận định, những trang viết của Lê Thiết Cương không đơn thuần nói về kiến trúc, trang trí nhà cửa hay phong cảnh vùng miền… Qua chất văn chương, ta thấy lấp ló trong những câu chuyện về nhà, về đất, về người là chiều sâu tư tưởng, là suy ngẫm về văn hóa. “Tính khắt khe của Lê Thiết Cương từ trước đến giờ đã thành thương hiệu của anh rồi nhưng sự thú vị về cách quan sát, cách cảm làm cho tản văn Nhà & Người càng trở nên đáng đọc. Đằng sau con chữ là giá trị văn hóa, giá trị người”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/qua-nha-thay-nguoi-qua-nguoi-thay-nha-i383715/