Quá nhiều quan ngại, Nam Á và Đông Nam Á hết thời 'phấn khích' với BRI?

Trang mạng eurasiareview.com ngày 15/11 có bài viết phân tích về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với một số nước Nam Á và Đông Nam Á cũng như bài học cho Indonesia.

Tại Indonesia và những nơi khác ở Nam Á và Đông Nam Á, sự phấn khích về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã được cảm nhận từ năm 2017, khi Indonesia tham gia Hội nghị Thượng đỉnh BRI lần thứ nhất tại Bắc Kinh cùng nhiều quốc gia thành viên SAARC và ASEAN. Lúc đó có dự báo rằng quốc gia nghìn đảo sẽ tiếp nhận đầu tư “khủng” từ Trung Quốc để hỗ trợ một số dự án cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo các thỏa thuận trị giá khoảng 64 tỷ USD được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh BRI lần 2 tại Bắc Kinh vào tháng 4/2019 với sự tham dự của gần 40 nhà lãnh đạo trên thế giới. (Nguồn: EP)

Năm nay, các cuộc tranh luận về BRI một lần nữa trở nên nổi bật sau khi Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải Luhut Binsar Panjaitan đại diện cho Indonesia ký kết 28 dự án BRI hồi tháng 4/2019. Vẫn là mối quan ngại ngày một gia tăng về bản chất thực sự của BRI. Liệu BRI là sáng kiến phát triển của Trung Quốc hay quân bài địa chính trị trong đó sử dụng “bẫy nợ” như một công cụ nhằm buộc các nước trong mục tiêu tham gia các điều khoản mà Trung Quốc mong muốn?

Trải nghiệm "đau thương" của Sri Lanka

Trong khi hiện thực hóa BRI, Trung Quốc đặt mục tiêu chi 4,4 nghìn tỷ USD cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại 65 quốc gia. Tuy nhiên, việc thực thi BRI gây ra nhiều tranh cãi, một trong số đó liên quan đến những lo sợ về “bẫy nợ”.

Sri Lanka là một trong những nước tham gia BRI phải từ bỏ giữa chừng vì khoản nợ với Trung Quốc. Dự án sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa tại Sri Lanka trị giá 190 triệu USD với lãi suất 6,3% không hề thu lại lợi nhuận gì sau khi sân bay được đưa vào vận hành. Kết quả là chính phủ Sri Lanka bị thất thu và không thể trả nợ cho Trung Quốc.

Việc không thể trả lãi cho Trung Quốc khiến quốc gia Nam Á này phải ký kết thỏa thuận với Trung Quốc theo hình thức cho thuê cảng chiến lược Hambantota trong vòng 99 năm.

Sri Lanka phải "ngậm ngùi" cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong vòng 99 năm. (Nguồn: AFP)

Theo GS. Brahma Chellaney - nhà phân tích chiến lược nổi tiếng tại Ấn Độ, điều mà Trung Quốc đang làm thông qua BRI đó là tiến hành nỗ lực ngoại giao “bẫy nợ”, trong đó quan hệ song phương được dựa trên cơ sở “vay nợ”.

Trong chiến lược ngoại giao này, nước chủ nợ sẽ cung cấp khoản tín dụng lớn cho nước vay nợ. Nếu nước vay nợ không thể hoàn trả, nước chủ nợ sẽ tạm thời “nhắm mắt cho qua” để tìm cách can thiệp các điều kiện kinh tế và chính trị ở nước vay nợ.

Nhận thức được điều này, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hồi tháng 8/2018 cho biết Malaysia sẽ ngừng các dự án được Trung Quốc tài trợ, bao gồm dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD, bởi có khả năng rằng nước này sẽ bị rơi vào bẫy nợ khổng lồ.

Bài học cho Indonesia

Mối quan ngại này cũng đang ngày một phổ biến tại Indonesia, trong bối cảnh chính phủ Jakarta dường như vẫn rất tham vọng tiếp tục tham gia BRI trong lúc phải đối mặt với nhiều vấn đề. Điều quan trọng cần ghi nhớ là hiện khoản nợ nước ngoài của Indonesia đã lên đến 387,6 tỷ USD trong quý I/2019.

Mặc dù tỷ lệ nợ nước ngoài của Indonesia so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn ở mức tương đối an toàn (36,9%) và tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P vừa nâng hạng tín nhiệm của Indonesia từ BBB- lên BBB, nhưng nền tảng kinh tế của Indonesia vẫn rất “mong manh”.

Hiện cũng có quan ngại rằng các dự án BRI - thay vì mang về lợi nhuận cho Indonesia - đang đẩy quốc gia này vào thế bất lợi. Một ví dụ là dự án đường sắt LRT Palembang - với tiềm năng tương tự như sân bay tại Sri Lanka - đang vắng bóng khách qua lại. Trên thực tế, dự án này của Indonesia đang thua lỗ khoảng 618.545 USD/tháng.

Dự án đường sắt LRT Palembang trong khuôn khổ BRI đang thua lỗ hàng tháng hơn 600.000 USD. (Nguồn: RTS)

Trước thực tế rằng các dự án cơ sở hạ tầng không thể giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế và thu hẹp sự bất bình đẳng - đặc biệt ở miền Đông - cũng như các tranh cãi khác, quyết định ký kết quá nhiều dự án BRI của chính phủ Indonesia chắc chắn sẽ bị đặt nghi vấn.

Một điều đáng mỉa mai khác là việc thực thi dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Indonesia hứng chịu nhiều tổn thất từ hành vi tham nhũng công khai tại đây. Thay vì nhằm mục tiêu phát triển xã hội, các dự án cơ sở hạ tầng thường trở thành lĩnh vực quan tâm của các nhóm lợi ích. Tựu trung lại, có khả năng Indonesia sẽ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc nếu không cẩn trọng, điều sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế Indonesia.

Chính phủ Indonesia cần đảm bảo rằng việc tham gia BRI sẽ không dẫn tới tổn thất. Như những gì Malaysia đã làm, Jakarta cần đàm phán lại với Trung Quốc về các điều khoản và điều kiện của các dự án đó. Indonesia phải nhận ra rằng Trung Quốc cần họ hơn là họ cần Trung Quốc bởi tuyến hàng hải của BRI theo kế hoạch sẽ không được hiện thực hóa nếu không có Indonesia.

Trường hợp Malaysia cho thấy việc đàm phán với Trung Quốc là khả thi. Nếu không thể làm được như vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu những gì đã xảy ra ở Sri Lanka sẽ lặp lại ở Indonesia.

(theo Eurasia Review)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/qua-nhieu-quan-ngai-nam-a-va-dong-nam-a-het-thoi-phan-khich-voi-bri-104622.html