Quả sa nhân tím giảm giá, người dân sáng tạo trong bảo quản
Giá quả sa nhân tím liên tục 'lao dốc' do gặp khó khăn trong xuất khẩu. Trước tình hình đó, nhiều hộ đã xây dựng lò sấy sa nhân để bảo quản được lâu, chờ thời điểm sa nhân tăng giá.
Giá sa nhân tím 50.000 - 60.000 đồng/kg
Hộ ông Tẩn Sài Tình, thôn Sùng Bang, xã Phìn Ngan (Bát Xát) trồng gần 2,8 ha sa nhân tím. Năm 2018, cây sa nhân tím được mùa, được giá, gia đình ông Tình thu về khoảng 1,5 tấn quả tươi, bán được hơn 300 triệu đồng. Ông Tình cho biết: Cây sa nhân tím dễ trồng, chịu được thời tiết khắc nghiệt tốt hơn cây thảo quả nên vài năm trước đây được người dân trồng khá nhiều. Không chỉ bán quả, xã Phìn Ngan từng được coi là đầu mối phân phối cây sa nhân giống cho nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Giá cây sa nhân tím dao động khoảng 5.000 - 6.000 đồng/cây…
Tuy nhiên, những lợi nhuận mà cây sa nhân tím mang lại dần tan biến trong khoảng 3 năm trở lại đây. Do ảnh hưởng của mưa tuyết, sương muối nên một diện tích lớn cây sa nhân tím trên địa bàn tỉnh bị chết hoặc còi cọc, kéo theo sản lượng quả giảm mạnh. Ông Lý Vần Híu ở thôn Cán Tỷ, xã Bản Xèo (Bát Xát) chia sẻ: Những năm được mùa, được giá, gia đình tôi thu gần 200 triệu đồng từ 2 ha sa nhân tím nhưng những năm gần đây chỉ thu được 50 - 60 triệu đồng/năm. Thu nhập từ bán cây giống gần như không có vì người dân ở các địa phương khác không còn mặn mà với sa nhân tím.
Huyện Bát Xát hiện có khoảng 310 ha sa nhân tím, tập trung chủ yếu ở các xã Phìn Ngan, Bản Qua, Mường Vi, Tòng Sành… với 734 hộ trồng. Cây sa nhân tím đã có thời gian mang lại thu nhập cao và giúp nhiều hộ làm giàu hoặc thoát nghèo nhưng giờ đang là nỗi lo của nhiều hộ.
Huyện Mường Khương có diện tích cây sa nhân tím lớn nhất tỉnh, khoảng 1.367 ha, trong số này có khoảng 838 ha đã cho thu hoạch. Cây sa nhân tím được trồng nhiều ở các xã: Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Thanh Bình, Lùng Vai và thị trấn Mường Khương. Anh Trịnh Văn Minh, thôn Chợ Chậu, xã Lùng Vai cho biết: Cách đây 3 năm gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích đồi trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây sa nhân tím. Năm nay, một phần diện tích cây sa nhân cho thu hoạch được hơn 2 tạ quả, nhưng giá bán thấp nên chỉ thu về hơn chục triệu đồng.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Do đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giá bấp bênh nên thời gian qua, huyện Mường Khương không khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây sa nhân tím.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.100 ha sa nhân tím, tập trung ở các huyện Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn, thị xã Sa Pa… Trước đây, giá sa nhân tím thường từ 150 đến 250 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên gần 300 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá sa nhân tím chỉ khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg. Không chỉ người trồng, mà những thương lái thu mua sa nhân tím cũng như “ngồi trên đống lửa” khi chưa tìm được cách xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Sa nhân là cây cần độ che của tán cây rừng, nếu trồng dưới tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của rừng. Đây là thời điểm thích hợp để các cấp, ngành tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng diện tích cây sa nhân tím, đồng thời nghiên cứu, khảo sát những cây trồng phù hợp, hiệu quả hơn để tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Giải pháp sáng tạo bảo quản sa nhân tím
Thời điểm này, xã Phìn Ngan (Bát Xát) như một xưởng sơ chế quy mô lớn, đi đến đâu cũng thoang thoảng mùi sa nhân tỏa ra từ những chiếc lò sấy đang đỏ lửa.
Vụ sa nhân năm 2020 có thể ví như một “nốt lặng” đối với người trồng và kinh doanh loại dược liệu này. Do ảnh hưởng của dịch, việc giao thương với các đối tác phía Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính - bị gián đoạn, giá sa nhân tươi xuống thấp kỷ lục. Cũng vào thời điểm đó, các tư thương chuyên thu mua đã sấy khô sa nhân để bảo quản, đợi thời điểm thuận lợi hơn mới xuất bán.
Anh Chảo Láo Xì, người trồng sa nhân và cũng là tiểu thương kinh doanh loại dược liệu này tại thôn Van Hồ cho biết: Năm 2020, quả sa nhân tươi không thể xuất bán, tôi phải thuê lò sấy công nghiệp tại thành phố Lào Cai, mỗi lần thuê mất 10 triệu đồng. Sa nhân sấy khô bảo quản được lâu, giữ được phẩm cấp tốt. Năm nay, tôi cùng 3 hộ trong thôn góp vốn đầu tư xây lò sấy trị giá 23,5 triệu đồng, công suất mỗi lần sấy 5 tấn sa nhân tươi. Lò được đầu tư kiên cố, hết vụ sa nhân có thể dùng để sấy các loại nông sản khác như ngô, lúa, sắn…
Anh Tẩn Láo San, tiểu thương có 4 năm kinh nghiệm kinh doanh sa nhân, những ngày này cũng đang gấp rút hoàn thiện việc xây dựng lò sấy và nhà kho. Năm 2020, anh San là một trong những người đầu tiên đầu tư xây lò sấy khô sa nhân. Lò xây từ năm trước chỉ có công suất 1 tấn/lần sấy nên năm nay, anh mạnh xây lại lò có công suất 5 tấn/lần. Anh San cho biết: Năm 2020, sa nhân tươi không xuất bán được, bạn hàng phía Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm sấy khô sa nhân nên tôi đầu tư sấy khô.
Xã Phìn Ngan là “cái nôi” của cây sa nhân tại Lào Cai. Diện tích sa nhân toàn xã khoảng 180 ha, sản lượng khoảng 200 tấn/năm, là nơi cung ứng giống chính cho toàn tỉnh và là “điểm trung chuyển” khi gần như toàn bộ sản lượng sa nhân của tỉnh được tập kết bởi các tư thương về Phìn Ngan, sau đó sơ chế rồi xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Từ đầu vụ, đã có hơn 100 tấn sa nhân tươi được tập kết về Phìn Ngan để sơ chế, sấy khô, bảo quản, chờ xuất bán.
Sấy khô sa nhân thay vì bán tươi sẽ giảm áp lực về thời gian tiêu thụ, giảm sự phụ thuộc vào đối tác thu mua, khiến sa nhân tươi tiêu thụ thuận lợi hơn, giá cũng tăng: Đầu vụ, giá sa nhân tươi dao động ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Anh Vàng Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan đánh giá: Cách làm sáng tạo này được người dân Phìn Ngan ứng dụng từ năm 2020 và quy mô lan rộng trong năm 2021. Hiện nay, 40 lò sấy tại xã trở thành đầu mối thu mua sa nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang… Năm nay, dự kiến các lò sấy tại xã sẽ tiêu thụ được khoảng 1.000 tấn sa nhân tươi. Đây là mô hình mới, thể hiện rõ hiệu quả kinh tế, bởi lợi nhuận từ bán sa nhân sấy khô cao hơn rất nhiều so với bán tươi.