Quá tải giải quyết hồ sơ hành chính: Cán bộ thêm việc, người dân thêm giờ chờ

LTS: Việc TP HCM giảm gần 2.300 cán bộ không chuyên trách đang khiến hàng loạt phường, xã, thị trấn gặp khó khăn trong giải quyết hồ sơ hành chính. Vấn đề này nếu không sớm giải quyết sẽ phát sinh nhiều hệ lụy

12 giờ ngày 10-3, dù đã quá thời gian làm việc nhưng tại phòng tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP HCM) vẫn còn gần 20 người đang chờ giải quyết thủ tục hành chính

Uống vội ly nước để tiếp tục công việc, chị Nguyễn Thị Như An, cán bộ tư pháp, hộ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết do là xã có lượng người nhập cư đông nên lượng hồ sơ sao y chứng thực, tư pháp hộ tịch hoặc đất đai, xây dựng luôn nhiều hơn các xã khác. "Từ đầu năm đến nay, sau khi xã tinh giản cán bộ không chuyên trách, tại khối ủy ban - bộ phận giải quyết hồ sơ hành chính chỉ còn 5 người thay vì 35 người như trước. Tôi và các đồng nghiệp còn lại mỗi người phải tăng gấp 2 - 3 lần đầu việc" - chị Như An nói.

Khắp nơi đều quá sức

Theo chị An, mấy tháng qua, ngày nào chị cũng về nhà sau 19 giờ, kể cả thứ bảy dù quy định chỉ làm nửa ngày nhưng chị vẫn ở lại cơ quan làm đến 16 - 17 giờ.

Chỉ cần nhìn 6 quầy tiếp nhận hồ sơ với 6 cán bộ luôn tay đóng dấu, trả lời thắc mắc, hướng dẫn cho người dân hoàn tất thủ tục khi đồng hồ chỉ 12 giờ 20 phút cũng đủ thấy công việc quá tải đến nhường nào. Lúc này, chị Nguyễn Thị Kim Như - cán bộ phụ trách thuế của UBND xã Vĩnh Lộc A, phải chạy đến quầy sao y chứng thực để hỗ trợ cho đồng nghiệp. Còn chị Duyên - cán bộ địa chính, xây dựng phải hỗ trợ thu phí cho cán bộ tư pháp. Gần 12 giờ 30 phút, hồ sơ buổi sáng mới cơ bản giải quyết xong cũng là lúc 6 cán bộ của UBND xã Vĩnh Lộc A ăn vội cơm hộp và ngả lưng tại chỗ, chuẩn bị 13 giờ 15 phút quay lại công việc.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, mới 13 giờ đã có hơn chục người chờ sẵn đợi đến giờ lấy số thứ tự. Ðến 13 giờ 30 phút, gần 40 lượt người đến UBND xã làm hồ sơ hành chính, 5 hàng ghế trong phòng tiếp nhận hồ sơ chen kín người, bên ngoài phòng tiếp nhận hồ sơ 2 dãy ghế đá cũng không còn chỗ trống.

Ở phường Bình Trị Ðông, quận Bình Tân (TP HCM), tình trạng cán bộ làm quên ăn, quên ngủ cũng diễn ra tương tự. 12 giờ 30 phút ngày 9-4, đang tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Tấn Thành, cán bộ phụ trách kinh tế phường Bình Trị Ðông, đành xin phép gián đoạn, do phải trao đổi công việc để chiều tham gia đoàn kiểm tra môi trường của quận. "Lúc trước, mảng kinh tế tôi đang phụ trách có 4 người nay chỉ còn mình tôi" - anh Nguyễn Tấn Thành nói. Anh Thành cho biết đang phải làm 19 đầu việc. "Nói thật, việc nhiều đến mức nằm mơ cũng thấy đang xử lý" - anh Thành chia sẻ.

Theo anh Thành, do quá nhiều việc nên thời gian gần đây, không ít đầu việc anh không thể hoàn thành đúng tiến độ dù đã làm quên ăn, quên ngủ. Anh Nguyễn Bá Lộc, cán bộ văn hóa thông tin, khẳng định giờ ở UBND phường Bình Trị Ðông ai cũng quá tải công việc. "Chỉ cần nói đến các đầu việc tôi đang làm là bạn bè hết dám rủ cà phê hay ăn trưa tán gẫu" - anh Lộc gượng cười kể.

Nếu so sánh độ quá tải công việc thì cán bộ đang công tác ở phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) phải xếp đầu bảng. Chiều 10-4, dù là thứ bảy (theo quy định được nghỉ - PV) nhưng chị Trần Kim Hoàng, cán bộ phụ trách kinh tế phường Bình Hưng Hòa A vẫn tất bật với công việc. Nhìn vào bản mô tả công việc của chị Hoàng, chúng tôi không khỏi giật mình. Công việc được liệt kê hơn 1 trang rưỡi giấy với hơn 20 đầu việc. Nào là thực hiện công tác liên quan đến việc di dời, giải tỏa trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cấp các tuyến đường; tham mưu đề xuất giải quyết cấp phép, bốc mộ trên địa bàn; thực hiện tham mưu quản lý nhà nước các vấn đề liên quan đến các công trình dự án đầu tư hạ tầng xã hội (trường học, nhà trẻ, bệnh viện, nhà văn hóa, văn phòng khu phố, công viên cây xanh)… cho đến việc kiểm tra báo cáo công tác quản lý các bến đỗ xe trên địa bàn phường. "Giờ đối với tôi được ngủ đủ giấc, thẳng giấc là ước mơ" - chị Hoàng vừa nói vừa giải quyết công việc.

Ngoại thành, vùng ven quá tải, nội thành cũng không ngoại lệ, việc quá tải công việc xuất hiện đều khắp ở các phường thuộc quận 1, 5, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình... Ngày 7-4, chúng tôi có mặt ở UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, dù đã gần 11 giờ nhưng vẫn còn rất đông người dân đến công chứng, làm thủ tục. Cán bộ tại bộ phận một cửa vẫn tất bật trả, nhận hồ sơ cho người dân. Những cán bộ ở bộ phận một cửa cho rằng 4 năm nay không thực hiện được việc thi tuyển công chức cấp phường, xã, thị trấn, cộng thêm do thực hiện Nghị quyết 34 của Chính phủ, Nghị quyết 06 của HÐND TP nên cán bộ không chuyên trách ở phường chỉ còn 14 người, vì vậy việc quá tải là điều khó tránh khỏi.

Ðã hơn 12 giờ trưa nhưng 6 quầy tiếp nhận hồ sơ ở UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM vẫn hoạt động hết công suất. Ảnh: THU HỒNG

Ðã hơn 12 giờ trưa nhưng 6 quầy tiếp nhận hồ sơ ở UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM vẫn hoạt động hết công suất. Ảnh: THU HỒNG

Sốt ruột và bực bội

Trở lại câu chuyện ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh vào trưa 10-3, trong khi 6 cán bộ xã đang luôn tay giải quyết công việc thì không ít người ngồi chờ đã tỏ ra sốt ruột vì chờ quá lâu. Nhìn đồng hồ đã quá giờ trưa không kịp lo cơm nước cho con trai đi học, chị Trần Thị Thúy bực bội nói chỉ sao y chứng thực CMND mà đã mất 2 giờ chờ đợi, lần nào đến đây cũng vậy, tuần trước chị sao y chứng thực giấy khai sinh cho con cũng phải chờ hơn 2 giờ. "Tuy thấy cán bộ làm việc luôn tay nhưng không có nghĩa như vậy là chúng tôi không được quyền bức xúc" - chị Thúy nói. Chị đề nghị các cấp chính quyền phải sớm tính cách giải quyết sao cho trọn đôi đường, bởi cứ như bây giờ thì ảnh hưởng rất lớn đến người dân.

Tương tự, cầm trên tay bộ sao y chứng thực CMND và hộ khẩu sau 2 giờ chờ đợi, anh Phạm Chí Vỹ (ngụ xã Vĩnh Lộc A) chán nản nói lấy được hồ sơ thì cũng đã trễ giờ rước con đi học về. "Bà xã tôi tưởng tôi lo bù khú với bạn bè nên trách móc sau khi nhận tin nhắn của tôi với nội dung rước 2 con đi học về" - anh Vỹ nói về chuyện mình bị vợ trách oan. Theo anh, dù cán bộ hướng dẫn nhiệt tình nhưng chỉ có 1 người giải quyết sao y chứng thực trong khi lượng hồ sơ quá nhiều thì đến người dễ tính như anh cũng cảm thấy khó chấp nhận.

Mới đây nhất, ngày 16-4 đến UBND phường Hiệp Thành, quận 12 (TP HCM), mới 13 giờ 30 phút, nhưng 30 chiếc ghế tại phòng tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ không còn chỗ trống. Ðể tránh cái nóng ngoài trời, nhiều người chịu khó đứng chờ bên trong phòng tiếp nhận. Người đông, máy lạnh dù mở hết công suất nhưng không khí vẫn ngột ngạt. 14 giờ 30 phút, cầm trên tay giấy CMND và hộ khẩu chờ đến lượt sao y chứng thực, ông Trần Thanh Tuấn, ngao ngán nói ông đang thất nghiệp, đi xin việc thì các công ty tuyển dụng yêu cầu phải nộp giấy tờ có chứng thực của phường. "Tôi ngồi chờ hơn 1 giờ nhưng vẫn chưa tới lượt. Dò hỏi những người xung quanh thì nhận thấy 10 người đến đây có 4 người sao y chứng thực. Nguyên nhân đã thấy, vậy cớ gì không có cách khắc phục?" - ông Tuấn thắc mắc.

Trả lời câu hỏi trên, ông Lê Trường Tồn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, cho hay mỗi ngày phường tiếp nhận 250 - 300 hồ sơ sao y chứng thực, lãnh đạo phải ký xác nhận khoảng 500 - 600 chữ ký cho số hồ sơ đó. "Ðể giải quyết nhanh, chúng tôi phải túc trực tại phòng tiếp nhận hồ sơ, ký tại chỗ, không chờ cán bộ mang vào phòng như trước. Số hồ sơ người dân đến giải quyết nhiều nhất là sao y chứng thực, tư pháp hộ tịch và đất đai, xây dựng" - chủ tịch UBND phường Hiệp Thành thống kê.

Theo ông Tuấn, ông hoàn toàn thông cảm với các cán bộ phường Hiệp Thành nhưng ông không thể chấp nhận một thủ tục đơn giản mà phải chờ đợi quá lâu, nhất là với những người đang thất nghiệp, sốt ruột tìm công việc để mưu sinh như ông.

Chỉ còn 4.368 cán bộ không chuyên trách

Từ ngày 1-1-2021, TP HCM chính thức cắt giảm 2.299 cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn; từ 6.787 người xuống còn 4.368 người khi thực hiện Nghị quyết số 06/2020 của HÐND TP.

Nghị quyết 06 của HÐND TP ban hành để thực hiện Nghị định 34/2019/NÐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Theo Nghị định 34, số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính sẽ giảm, chỉ còn từ 10 đến 14 người, ứng với phân loại đơn vị phường, xã, thị trấn. Cụ thể, đơn vị loại 1 giảm từ 22 xuống 14 người; đơn vị loại 2 giảm từ 20 xuống 12 người; đơn vị loại 3 giảm từ 19 xuống 10 người.

Kỳ tới: Hàng loạt kiến nghị

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/qua-tai-giai-quyet-ho-so-hanh-chinh-can-bo-them-viec-nguoi-dan-them-gio-cho-20210419215435662.htm