QUÁ TẢI GIẢI QUYẾT HỒ SƠ HÀNH CHÍNH (*): Hàng loạt kiến nghị
Ngoài việc người dân bức xúc vì tăng thời gian chờ đợi, thực trạng quá tải hồ sơ hành chính còn khiến cán bộ phường, xã không có thời gian đi địa bàn, dẫn đến nạn xả thải, dự án ma, xây dựng trái phép, vỉa hè bị lấn chiếm... được dịp lén lút diễn ra
Những ngày này, đi dọc các con kênh trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM, ngoài những thông tin về xây dựng không phép, chúng tôi còn nghe không ít lời than phiền của người dân liên quan đến hàng loạt cơ sở sản xuất nhỏ lẻ từ nội thành di dời ra lén lút xả thải gây ô nhiễm. "Ở đây, hầu như tuần nào cũng có người bức xúc, điện thoại phản ánh về nạn xả thải đầu độc kênh rạch từ các cơ sở tái chế nhựa" - ông Nguyễn Văn Thành, một người dân ở xã Vĩnh Lộc B, nói.
Những hệ lụy dễ thấy
Theo ông Thành, bản thân ông và nhiều người trong xã Vĩnh Lộc B đề cập việc trên không phải là để trách chính quyền địa phương không làm hết trách nhiệm, mà là để nói lên một thực trạng: Địa bàn rộng, cán bộ ít thì chắc chắn không thể quản xuể.
Ðúng như chia sẻ của ông Thành, qua tìm hiểu của chúng tôi, để công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường có hiệu quả, giải tỏa bức xúc cho người dân, UBND huyện Bình Chánh yêu cầu các xã, thị trấn xử lý các vi phạm đất đai song song với vi phạm môi trường. Qua đó, các vi phạm sẽ chia làm 4 nhóm, trong đó nhóm cơ sở nào xây dựng nhà xưởng không phép, không phù hợp quy hoạch sẽ buộc cưỡng chế tháo dỡ. Thế nhưng, việc thực hiện tốt chỉ đạo là vô cùng khó, vì muốn làm được thì cán bộ phải thường xuyên đeo bám địa bàn.
Ngoài những cơ sở tái chế nhựa, ở xã Vĩnh Lộc B còn có hơn 30 cơ sở giặt ủi nằm xen cài khu dân cư, thường xuyên gây ô nhiễm khói bụi, nước thải đổ thẳng ra kênh rạch khiến người dân bức xúc, khiếu nại. Nói về nguyên nhân chậm cưỡng chế, lãnh đạo địa phương cho hay xã muốn làm nhưng phải cần bổ sung nhân lực. Bởi lẽ, quy trình cưỡng chế 1 công trình, nhất là công trình lớn như nhà xưởng, tốn rất nhiều thời gian, nhân sự và phải qua nhiều bước như lập phương án tháo dỡ, dự toán kinh phí… Nếu tập trung xử lý cưỡng chế các nhà xưởng này sẽ đình trệ rất nhiều đầu việc khác bởi hiện nay, 1 công chức phải xử lý cả chục đầu việc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ gánh chịu nạn ô nhiễm môi trường, xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B còn đang từng ngày từng giờ đối diện tình trạng xả rác bừa bãi, phân lô bán nền trái phép. Thực trạng này cũng xảy ra ở nhiều quận, huyện vùng ven đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ như quận 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, TP Thủ Ðức… Ở đây, ngoài xây dựng không phép, các dự án "ma" cứ lén lút hoành hành gây nhiều hệ lụy nhưng cán bộ phụ trách lĩnh vực thì hằng ngày gồng mình ở trụ sở làm việc, không thể rời ghế để ghi nhận. Trong khi đó, camera an ninh chỉ phát huy được một phần nhỏ. Vì vậy mà lĩnh vực xây dựng, môi trường khó quản tốt.
Nếu tình trạng ô nhiễm, xây dựng không phép nhức nhối ở vùng ven thì ở nội thành, việc thiếu công chức, viên chức cấp phường đã ít nhiều là nguyên nhân khiến bộ mặt đô thị bị bôi bẩn, điển hình là việc vỉa hè liên tục bị tái chiếm. Không cần phải điều tra, chỉ cần đi qua hàng loạt tuyến đường ở các quận 1, 3, 10, 5, Bình Thạnh, Gò Vấp…, ai cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh đủ loại hàng quán cơi nới mái hiên, che bạt, dựng bảng hiệu, kê bàn ghế, đậu xe kín vỉa hè. Thậm chí, có những nơi còn chiếm vỉa hè và cả lòng đường phía dưới.
Cần thêm người, tăng chế độ
Bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 - cho biết cán bộ, công chức ở vị trí nào cũng thiếu nhưng thiếu nhiều nhất là lực lượng trật tự đô thị.
Theo Nghị quyết 24 của HÐND TP HCM, 1 phường ở quận 1 được một công chức và 5 cộng tác viên trật tự đô thị. Tuy nhiên, quận 1 là quận trung tâm TP nên số lượng người dân nơi khác đến làm việc, vui chơi, học tập rất nhiều. Chưa kể tại quận 1, những sự kiện lớn vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm thường xuyên được tổ chức nên nhân viên trật tự đô thị đã quá tải càng thêm quá tải.
"Từ thực tế này, tôi cho rằng TP HCM cần xem xét, cân đối, tính toán lại đối với các địa bàn trung tâm, đông dân để phân bổ lực lượng trật tự đô thị cho phù hợp" - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình đặt vấn đề.
Chung "hoàn cảnh", ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND phường 2, quận Bình Thạnh - cho hay từ năm 2017 đến nay, phường chỉ được phân công 2 cộng tác viên trật tự đô thị, vừa mỏng vừa yếu. Mặc dù theo Nghị quyết 24 là được 3 nhưng phường không khi nào đủ nhân sự. Lý do là sau khi làm việc ở phường được 2-3 tháng, do áp lực công việc lớn (trong quá trình thực thi nhiệm vụ thì có sự giằng co với người dân buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường, thậm chí có trường hợp chống người thi hành công vụ), trong khi mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên hầu như khó giữ chân được lực lượng này.
Từ các khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Quang kiến nghị TP công nhận chức danh công chức hoặc là cán bộ không chuyên trách; hoặc là cho quận, huyện, phường, xã thi tuyển và ký hợp đồng với nhân viên trật tự đô thị. Về lương, ông kiến nghị được tăng theo niên hạn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngân - Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân - khẳng định công việc của cán bộ địa phương bình thường đã nhiều, nay cắt giảm nhân sự còn 1/2 trong khi công việc thì không giảm nên áp lực rất lớn. "Việc này không thể kéo dài. Do đó, bổ sung cán bộ để bảo đảm công việc được trôi chảy là việc cần thực hiện" - Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A kiến nghị.
Trở lại câu chuyện ở huyện Bình Chánh, ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, cho biết khối ủy ban - trực tiếp giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân - hiện chỉ còn 5 người thay vì 35 người như trước đây. Riêng bộ phận địa chính, xây dựng trước đây có 17 cán bộ không chuyên trách và 3 công chức, sau tinh giản chỉ còn 3 công chức phụ trách 15 ấp.
"Một công chức địa chính hiện nay phải ôm cả chục đầu việc. Họ giải quyết hồ sơ hành chính lẫn công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, lĩnh vực môi trường, kiểm tra thực tế đất đai xây dựng…" - ông Trần Vũ Hữu Duy mô tả. Theo ông, để phục vụ người dân tốt hơn, UBND xã kiến nghị UBND huyện đề xuất UBND TP HCM xem xét tăng cán bộ không chuyên trách tại các địa phương có dân số đông như xã Vĩnh Lộc A. Ðồng thời, kiến nghị UBND huyện tăng mức khoán cho cán bộ xã lên 110 triệu đồng/người/năm (hiện nay khoán 90 triệu đồng/người/năm, gồm lương, văn phòng phẩm, kinh phí hoạt động..., không đủ chi trả). Dựa trên mức khoán này, xã sẽ cân đối hợp đồng thêm cán bộ không chuyên trách hoặc tăng lương khi tăng giờ làm, ngày làm…
Ðồng quan điểm với Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, ông Lê Trường Tồn - Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, quận 12 - cho biết trước ngày 1-1-2021, phường Hiệp Thành có 25 cán bộ, công chức và 43 cán bộ không chuyên trách. Sau khi thực hiện tinh giản, phường chỉ còn 18 cán bộ, công chức và 14 cán bộ không chuyên trách.
"Với quy mô 1 phường gần 100.000 dân thì áp lực công việc đè nặng lên vai những người còn lại là khó tránh khỏi. Anh em tuy cố gắng nhưng nhiều người cũng quá tải, tâm tư bởi mức lương theo Nghị định 34 cán bộ không chuyên trách giảm khoảng 1.300.000 đồng/người/tháng đối với người có bằng đại học" - ông Tồn nói.
Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành kiến nghị TP HCM sớm có cách tính lương cho cán bộ không chuyên trách để phù hợp với tình hình thực tế. Ðồng thời, xem xét tăng số lượng công chức đối với những phường, xã đông dân trên địa bàn TP.
(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 20-4
Kỳ tới: Những việc cần làm ngay
Cần thêm cán bộ biệt phái
Bà Điểm là xã chịu nhiều áp lực với dân số đông nhất, nhì huyện Hóc Môn - khoảng 86.000 người. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Bà Ðiểm, cho biết từ ngày 1-1-2021, xã đã tinh giảm 26 cán bộ không chuyên trách, chỉ còn 14 cán bộ không chuyên trách.
Theo bà Thanh Hà, dù cố gắng chu toàn, bảo đảm giải quyết hồ sơ cho người dân nhưng để các cán bộ không chuyên trách an tâm làm việc, xã đề xuất huyện xem xét cho họ được thi tuyển công chức.
"Ðặc biệt, xã cũng mong UBND huyện cử cán bộ biệt phái xuống các xã đông dân cư để hỗ trợ giải quyết hồ sơ, thủ tục nhà đất cho người dân" - Chủ tịch UBND xã Bà Ðiểm mong mỏi.