Quá tải ở cơ sở cai nghiện gây ra việc đánh nhau, bỏ trốn...

'Có học viên cầm đầu kích động, vượt trại nhưng khi bị bắt lại thì chỉ cách ly riêng biệt 3-4 ngày, có người lo cơm nước, có người bảo vệ...'.

Chiều 25-6, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) đã tiếp tục tổ chức hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS, tại Nhà khách Quốc hội TP.HCM.

Tại đây, một số đại biểu đến từ các tỉnh phía Nam đã chia sẻ khó khăn trong quá trình giáo dục, điều trị cho người nghiện trong các cơ sở cai nghiện.

Đại diện Sở LĐ–TB&XH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay cơ sở cai nghiện bắt buộc nhiều lúc bị quá tải. Ảnh: L.THOA

Đại diện Sở LĐ–TB&XH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay cơ sở cai nghiện bắt buộc nhiều lúc bị quá tải. Ảnh: L.THOA

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Sở LĐ–TB &XH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết hiện nay, người nghiện ma túy nếu không có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

“Hơn 90% người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người không có nơi cư trú ổn định... Điều này nhiều lúc đã gây quá tải cho cơ sở cai nghiện, dễ dẫn đến tình trạng bạo loạn, đánh nhau, trốn trại tập thể” – bà Hương nói.

Còn ông Lý Hoàng Chiêu, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Tiền Giang thông tin: Cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh xuống cấp, quy mô không đảm bảo để quản lý đối tượng cai nghiện, không có khu riêng để tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy tuổi vị thành niên, thiếu nhân lực,…

Hiện cơ sở cai nghiện của tỉnh Tiền Giang chỉ có sức chứa là 230 người nhưng hiện có tới trên 650 người nghiện.

Ông Lý Hoàng Chiêu, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Tiền Gian phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

Ông Lý Hoàng Chiêu, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Tiền Gian phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

Điều này đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, chữa bệnh, dạy nghề và ổn định tư tưởng, tâm lý cho người cai nghiện.

Thậm chí một số lần, cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh Tiền Giang có một số học viên đứng ra cầm đầu kích động, tụ tập phe nhóm gây rối làm mất ổn định nề nếp, nội quy của trại. Tỉnh này cũng có cả tình trạng đánh nhau, đánh cả cán bộ và trốn trại.

Ông Chiêu cho biết năm 2019, Tiền Giang đã hai lần xảy ra tình trạng học viên trốn trại. Những tháng đầu năm 2020 không có tình trạng trốn trại nhưng vẫn còn học viên kích động, xúi giục, đánh nhau, gây rối trật tự, tích trữ hung khí từ các dụng cụ lao động …

Tuy nhiên theo ông Chiêu, việc xử lý các vi phạm hành chính tại cơ sở cai nghiện lại chưa nghiêm. Công an từng lập hồ sơ gửi cơ quan tòa án nhưng không được xử lý vì người nghiện được xem là người bệnh.

“Mấy lần làm việc với người gây rối, có học viên rất am hiểu luật, nói rằng đây không phải là nơi công cộng nên không bị xử lý. Có học viên dù cầm đầu, kích động, vượt trại nhưng khi bị bắt lại thì chỉ cách ly riêng biệt 3-4 ngày, có người lo cơm nước, có người bảo vệ, khỏi lao động thì quá sung sướng” – ông Chiêu phân tích.

Từ đó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Tiền Giang đề nghị các cơ quan chức năng phải nghiên cứu, có biện pháp xử lý tình trạng này.

Cả nước có 230.000 người nghiện nhưng chỉ chứa 50.000 người

Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó Trưởng phòng 2, C04, Bộ Công an đề nghị ưu tiên cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, điều trị bằng thuốc thay thế. Sau đó nếu vẫn vi phạm thì mới đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bởi hiện nay 97 cơ sở cai nghiện trên cả nước chỉ chứa được khoảng 50.000 người, nên không thể đưa tất cả người nghiện trên 18 tuổi vào.

Trong khi đó hiện cả nước có đến hơn 230.000 người nghiện ma túy, một ngày một người nghiện dùng ít nhất 100.000 đồng.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/qua-tai-o-co-so-cai-nghien-gay-ra-viec-danh-nhau-bo-tron-920556.html