Quá tải sĩ số học sinh: Bài toán khó có lời giải

Nhiều năm qua Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiên trì thực hiện chủ trương giảm sĩ số học sinh (HS)/lớp, giảm số HS trái tuyến. Nhưng với số lượng học sinh gia tăng chóng mặt mỗi năm, đây vẫn là bài toán khó với ngành giáo dục Thủ đô.

Nhiều trường tại Hà Nội có sĩ số vượt xa quy định 35 học sinh/lớp.

Nhiều trường tại Hà Nội có sĩ số vượt xa quy định 35 học sinh/lớp.

Chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng

Theo quy định tại Điều lệ Trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành, mỗi lớp học ở cấp THCS, THPT chỉ được không quá 45 em và ở tiểu học là không quá 35 em.

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Sở GDĐT Hà Nội cho thấy, hiện tỷ lệ bình quân HS/lớp ở cấp tiểu học là 39,3; cấp THCS là 39,1 và ở cấp THPT là 40,7; với mỗi địa bàn, tỷ lệ HS/lớp có sự khác biệt. Một số quận có tỷ lệ bình quân HS/lớp ở cấp tiểu học cao hơn mức trung bình của toàn TP như: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân…

Đơn cử, các trường tiểu học công lập ở quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy có tỷ lệ bình quân hơn 50 HS/lớp.

Bà Nguyễn Thanh Hằng (Trường tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cô thường xuyên được phân công đón trẻ vào lớp 1. Ở lứa tuổi mầm non vừa lên, các con chưa quen với nền nếp ở trường tiểu học, nhiều con hiếu động thời gian đầu vẫn hồn nhiên đi lại trong lớp vào giờ học như hồi ở mẫu giáo… khiến giáo viên liên tục phải nhắc nhở, uốn nắn.

Từ tư thế ngồi học, cầm bút đến từng nét chữ cô cũng phải cầm tay các con hướng dẫn cụ thể nên lớp học đông quá, giáo viên sẽ rất vất vả để đồng hành cùng HS.

“Năm trước học trực tuyến, lớp đông, mỗi buổi chỉ có thể cố gắng gọi các con trả lời được 1 lần bài học. Khó có thể quan tâm đến từng HS khi lớp đông là đương nhiên, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến tiến độ bài học bởi đơn cử, riêng việc chờ hơn 50 HS lấy bảng con và cất bảng con thì cô đã mất thời gian hơn nhiều so với lớp học chuẩn chỉ 35 HS” - bà Hằng chia sẻ.

Tình trạng giáo viên vừa giảng bài, vừa gọi học sinh phát biểu, vừa nhắc nhở những em còn lại giữ trật tự không phải là hiếm ở những lớp đông HS. Rồi bàn ghế kê sát vào nhau chiếm gần hết lối đi khiến cô trò đều đi lại khó khăn.

Bà Phạm Kim Anh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) cho rằng, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện nhà trường phải rất cố gắng để đáp ứng bởi sĩ số chung của các lớp học ở Hà Nội hiện nay đang rất đông. Thậm chí, ngay ở nhiều trường ngoại thành của Hà Nội, việc duy trì sĩ số theo đúng quy định là 35-45 HS/lớp (tùy cấp học tiểu học, THCS) cũng là điều khó khăn.

Đơn cử như tại Trường tiểu học Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) mặc dù đã được xây mới trong năm học vừa qua nhưng do số lượng dân cư ở các khu đô thị trên địa bàn chuyển về quá đông nên nhiều lớp học vẫn có sĩ số hơn 50 em. Một trường tiểu học nữa của huyện Thanh Trì được xây mới và tuyển sinh từ 4 năm trở lại đây là Trường tiểu học Ngô Sĩ Kiện cũng có số học sinh gần 50 HS/lớp và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhiều khu đô thị mới đang được xây dựng, dân cư tiếp tục về ở mới trong khi trường học mới chưa có.

Quyết liệt giải pháp

Phải nhìn thẳng vào một thực tế đó là trong cơn lốc đô thị hóa, vấn đề giảm sĩ số HS/lớp của Hà Nội năm nào cũng được đặt ra song thực tế giải quyết chưa được bao nhiêu. Thống kê riêng với lớp 1, khối lớp mong muốn giảm sĩ số nhất để có thể quan tâm tới từng HS, nhưng thống kê năm học vừa rồi, toàn Hà Nội có khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 HS/lớp và khoảng 2.000 lớp có sĩ số khoảng 50 HS/lớp.

Theo Sở GDĐT Hà Nội, quy hoạch mạng lưới trường học đang được cập nhật vào Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, trường mầm non, tiểu học, THCS đã được phân bố đủ 597 xã, phường, thị trấn.

Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, hàng năm, công tác xây dựng, cải tạo, mở rộng trường, lớp học đều được triển khai, song do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, nên ở nhiều trường có hiện tượng quá tải. Phương án “tách trường” đối với các quận nội thành là không khả thi do không có quỹ đất.

Theo Trưởng phòng GDĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm học 2022 - 2023, quận Thanh Xuân đang tập trung hoàn thành xây mới 1 trường mầm non; xây dựng bổ sung 57 phòng học; 6 dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học…

Ngoài ra, quận đã phê duyệt các dự án đầu tư công giai đoạn 2022 - 2025 cho 15 trường học với tổng kinh phí khoảng 450 tỷ đồng. Việc rà soát, ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học; công tác quản lý chặt chẽ các ô đất đã được quy hoạch cho giáo dục cũng được tăng cường.

Là một quận nội thành từng có số lượng HS lên tới 50-55 HS/lớp ở nhiều trường học, 13 trường tiểu học và 7 trường THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong năm học 2021-2022 đã đạt chuẩn theo quy định về sĩ số lớp.

Bà Vương Hương Giang - Trưởng phòng GDĐT quận Hoàn Kiếm cho rằng, để giảm sĩ số HS/lớp cần phải đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần cân nhắc, tính toán phù hợp với các điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, theo lộ trình hợp lý. Ngoài ra, để tránh quá tải cục bộ ở một số trường “điểm”, cần đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đồng đều ở nhiều trường trên địa bàn quận, để đảm bảo mặt bằng chung về chất lượng; kiên quyết hạn chế nhận HS trái tuyến để tránh hiện tượng “đổ xô” vào một số trường nào đó.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT TP Hà Nội cho biết, Sở đã yêu cầu các phòng GDĐT tổ chức điều tra chính xác số lượng HS trong độ tuổi tuyển sinh, làm cơ sở để tham mưu UBND quận, huyện, thị xã phân tuyến tuyển sinh phù hợp. Đồng thời, quan tâm đầu tư toàn diện để tạo sự đồng đều về quy mô, chất lượng giáo dục giữa các nhà trường.

Đặc biệt, Sở GDĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh đầu cấp; tiếp tục tạo điều kiện để hệ thống trường ngoài công lập ngày càng phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của HS, vừa giảm áp lực cho các trường công lập trong công tác tuyển sinh…

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình GDPT 2018:

Đừng để sĩ số lớp làm trở ngại đổi mới

Trước đây, tôi đã có dịp khảo sát giáo dục tiểu học ở Vương quốc Anh. Tôi thấy, mỗi lớp chỉ có tối đa 25 HS. HS cũng có em khá, em yếu. Nhất là theo quy định, trẻ em ở Anh học theo đúng độ tuổi, không lưu ban. Nhưng ở đây, mỗi lớp có 2 cô giáo. Một cô chuyên kèm nhóm HS yếu.

Ở Việt Nam, mỗi lớp chỉ có một giáo viên dạy học trong khi sĩ số HS có khi đông gần gấp đôi, thậm chí hơn nữa thì cô giáo xoay xở dạy xong bài học trong đúng thời gian quy định là đã khó, thời gian kèm HS yếu kém hơn toàn phải thực hiện vào giờ ra chơi, cuối giờ học cô trò cùng ở lại…

Cần làm sao để sĩ số lớp đúng quy định của Bộ GDĐT với tiểu học là 35 HS/lớp trở xuống, THCS và THPT 45 HS trở xuống. Hiện mỗi lớp 50 HS, thậm chí là 60 thì thầy cô làm sao đổi mới phương pháp được? Nhất là với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều tiết học cần được bố trí theo hình thức làm việc nhóm chứ không bố trí kiểu dàn hàng ngang như hiện nay nhưng lớp học đông, chỗ ngồi phải tính toán hết sức chi li mới vừa đủ thì làm việc nhóm thế nào? Các hoạt động khác như bố trí cho HS ra ngoài hay tham quan bảo tàng cũng rất khó triển khai bởi chỉ lo quản HS… đã hết thời gian.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:

Chia sẻ với giáo viên dạy lớp đông

Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của thầy cô giáo khi tiếp nhận những lớp học đông và quá đông. Phải gồng gánh lớp học đông nên yêu cầu giáo viên phải thấu hiểu người học, phân loại đối tượng người học là cực kỳ khó. Trong khi đó tiền lương giáo viên rất thấp, giáo viên phải lo kiếm sống... Thầy cô vất vả hơn nhưng lương thực tế vẫn không khác gì so với các lớp học chuẩn của nơi khác.

Tôi đề nghị chính quyền địa phương sớm có biện pháp giải quyết những vấn đề này. Trong đó, trước mắt, có thể tăng thêm hỗ trợ cho giáo viên, chẳng hạn trả thù lao vượt giờ…

Về lâu dài, Chính phủ cần ban hành quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, không chỉ về chất lượng giáo dục, mà phải chịu trách nhiệm đảm bảo đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Nơi nào cho xây dựng thêm chung cư, khu đô thị thì phải cam kết có đủ chỗ học cho HS, nếu không người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.

Có như vậy ngân sách đầu tư cho việc tu sửa, xây trường học mới được các địa phương ưu tiên, học sinh và giáo viên sẽ yên tâm dạy và học.

Hàn Minh (ghi)

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/qua-tai-si-so-hoc-sinh-bai-toan-kho-co-loi-giai-5688478.html