Quá tải, siêu thị xin nới giờ bán hàng, tăng thêm giấy đi đường
Nhiều kênh phân phối tại TP.HCM vẫn đang gặp khó khi hàng hóa chậm luân chuyển tới tay người dân. Để giải quyết vấn đề, một số giải pháp được đề cập như, siêu thị có thể đóng muộn hơn và tạo điều kiện lưu thông cho nhóm vận hành.
“Tôi ở nhà được 3 tháng rồi, ở thêm 1-2 tuần nữa cho chắc. Anh em nào khó quá thì mới buộc ra chạy để xoay sở”, tài xế công nghệ Phan Văn Lâm nói khi nghe tin chính quyền TP.HCM cho phép đội ngũ shipper ở các “vùng đỏ” được lưu thông trở lại từ ngày 30/8.
Cũng giống như anh Lâm, nhiều shipper tại TP đang mang tâm lý không muốn ra đường vì lo ngại dịch bệnh Covid-19. Họ “tắt app”, bất chấp kinh tế gia đình bị sụt giảm. Bên cạnh đó, đại diện một số đơn vị như Gojek, Ahamove thông tin, lượng tài xế được cơ quan chức năng cấp giấy đi đường rất ít so với trước đây. Đó là nguyên nhân khiến đối ngũ giao hàng chuyên nghiệp này đang bị hụt so với nhu cầu thực tế.
Báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi thị sát ngày 1/9, đại diện Aeon Việt Nam cho biết, một số thời điểm, đơn hàng quá tải tại siêu thị Aeon Tân Phú. Lý do là bởi nhu cầu của người dân thời gian này rất lớn, nhưng số lượng shipper giao hàng hạn chế, không có shipper để nhận đơn. Việc tìm shipper trên các ứng dụng có thể mất nhiều thời gian.
Theo đại diện hệ thống VinMart/VinMart+, Sở Công Thương và Công an TP.HCM đã cấp giấy đi đường cho khoảng 30% nhân viên của đơn vị phân phối này. Đồng thời, việc phối hợp với Grab đã giúp nâng cao khả năng xử lý đơn hàng online. Tuy nhiên, lực lượng giao hàng này vẫn còn nhỏ để giải quyết các đơn hàng tồn đọng cũng như đáp ứng các đơn hàng mới liên tục gia tăng.
TGĐ Mekong Capital, bà Nguyễn Thị Minh Giang - người hỗ trợ Sở Công Thương TP.HCM điều phối chương trình bình ổn giá - nhận định, thời gian yêu cầu các siêu thị đóng cửa 18h là không cần thiết lúc này vì người dân đâu thể ra ngoài mua hàng.
Do vậy, nên cho các hệ thống phân phối nới giờ, mở cửa tới 22h để nhân viên siêu thị có thêm thời gian xử lý, sắp xếp, soạn các đơn hàng. Ngoài ra, các đơn vị nên bán hàng theo combo đa dạng có sẵn thay vì chấp nhận bán theo yêu cầu của khách, việc này tiết kiệm thời gian “đi chợ hộ”.
Cũng theo bà Giang, siêu thị thiếu giấy ra đường cho nhân viên nên không đủ người phân chia hàng hóa, các đơn vị vận tải không có giấy nên vận chuyển hàng bị hạn chế. Lúc này, cần đúng người đúng việc, đội ngũ shipper chuyên nghiệp giao hàng chắc chắn năng suất hơn lực lượng bộ đội hay các đơn vị hỗ trợ tại địa bàn.
Giải pháp được đại diện Mekong Capital đưa ra là xử lý các quy định đi đường đồng bộ từ trên xuống dưới. Phần lớn quá trình phân phối vẫn cần dựa vào năng lực của đội giao nhận của các đơn vị logistics đã có kinh nghiệm và hệ thống vận hành quy mô lớn. Vì thế, nên tăng cường thêm và tạo điều kiện cho nhóm này vận hành.
Sau khi TP.HCM cho phép lực lượng giao hàng hoạt động từ ngày 30/8, ghi nhận lượng đơn đặt hàng online tại hệ thống VinMart/VinMart+ tăng cao so với thời điểm trước đó. Đơn vị đã thí điểm dịch vụ giao hàng kết hợp cùng Grab tại một số cửa hàng VinMart+ thuộc quận 7 để đáp ứng các đơn hàng mới, cũng như giải quyết các đơn hàng cũ đang còn tồn. Ghi nhận sơ bộ, dịch vụ thu được kết quả khả quan trong những ngày đầu triển khai.
Đại diện VinMart/VinMart+ đề xuất các cơ quan chức năng của TP tiếp tục cấp bổ sung giấy đi đường cho nhân viên các siêu thị để phục vụ kịp thời nhu cầu hàng hóa của nhân dân TP, góp phần giảm áp lực cho các địa phương.
Bà Đoàn Kim Hương, Trưởng phòng Vận hành Aeon Việt Nam, cho biết, đơn vị đã mở lại kênh online trên các ứng dụng Grabmart và Shopee Food tại một số điểm và giao hàng nội quận. Việc mở kênh online trên ứng dụng công nghệ không chỉ giúp duy trì chuỗi cung ứng mà hơn hết sẽ thêm hình thức mua sắm “chia lửa”, gỡ khó cho các địa phương trong việc phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân giai đoạn này.
MM Mega Market cũng mở bán online tại hai địa điểm nhưng hạn chế nhận đơn do số lượng nhân viên còn ít. Trong bối cảnh eo hẹp shipper hiện tại, siêu thị tự chủ động giao hàng bằng đội ngũ vận chuyển riêng.
Ngày 2/9, TP.HCM không có đơn hàng “đi chợ hộ” tồn
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin số hộ nhận hàng trong ngày 2/9 là 115.130 hộ, số hộ đăng ký đi chợ thay là 100.745 hộ. Trong ngày 2/9 đã chuyển hết số lượng hàng tồn của lũy kế của những ngày trước đó.
Trong hai ngày 1/9 và 2/9, số lượng các hộ được nhận hàng trong ngày đã vượt số lượng các hộ đăng ký mới. Đồng thời, số lượng đơn hàng đăng ký “đi chợ hộ” trong ngày 31/8 giảm tới hơn 75.000 đơn so với ngày 30/8. Các số liệu trên cho thấy đóng góp không nhỏ của lực lượng shipper khi được chính quyền TP cho phép tham gia lưu thông nội quận từ ngày 30/8, người dân thay vì dồn toàn lực đăng ký “đi chợ hộ” thì đã chuyển lựa chọn sang kênh online để mua hàng do đội ngũ shipper vận chuyển, giảm tải áp lực cho chính quyền địa phương.
Từ khi triển khai hình thức “đi chợ hộ” đến nay, ngày 23/8 là ngày đầu tiên áp dụng nên có số hộ đăng ký thấp nhất: 51.188 hộ. Số hộ dân đăng ký cao nhất là ngày 30/8 với 176.907 hộ. Thống kê từ Sở Công thương TP cho thấy, tỷ lệ (số hộ nhận hàng/số hộ đăng ký) qua 11 ngày áp dụng đều ở mức trên 70%.
Chỉ tính riêng trong ngày 1/9, với 10.782 shipper được ra đường, số đơn hàng được vận chuyển là 196.635 đơn hàng. Con số này cao hơn nhiều so với lượng đơn hàng trong tất cả các ngày mà đội ngũ “đi chợ hộ” tại địa phương giao được đến tay người dân, số đơn hàng “đi chợ hộ” được giao nhiều nhất chỉ là 130.777 đơn vào ngày 30/8.