Quà tặng của nhân gian tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Với mong muốn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống làng nghề Việt Nam và tôn vinh sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày 'Quà tặng của nhân gian'.
Trưng bày giới thiệu những nghệ nhân là tinh hoa của các địa phương cùng những sáng tạo độc đáo của họ, các sản phẩm thủ công của 7 làng nghề: Dệt đũi Nam Cao - Thái Bình; Dệt cói Kim Sơn - Ninh Bình; Dệt thổ cẩm A Lưới - Thừa Thiên Huế; Dệt thổ cẩm bằng sợi tơ tằm Huyện Lắk - Đắk Lắk; Đan lát Kon Chênh - Kon PLông, Kontum; Cà phê Măng Đen; Lụa Vietnam Silk House (Bảo Lộc).
Nghệ nhân Đỗ Văn Tấn có mặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ rất sớm. Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Tấn cho biết, Kim Sơn (Ninh Bình) nổi tiếng với nghề trồng cói và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cói. Những người nghệ nhân nơi đây đã luôn bền bỉ theo đuổi nghề của cha ông để lại suốt hơn 200 năm nay.
Sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Ninh Bình đã có những chính sách cụ thể để huy động các nguồn lực, quan tâm đúng mức và tôn vinh tài năng các nghệ nhân làng nghề cói, đặc biệt là những nghệ nhân đã và đang dệt chiếu.
Không dừng lại ở đồ thủ công mỹ nghệ, nghệ nhân Đỗ Văn Tấn đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm sinh động từ cói, đặc biệt là nón.
"Nhiều người nghĩ Kim Sơn chỉ làm đồ thủ công mỹ nghệ và chiếu cói nhưng nón cói cũng là sản phẩm mà chúng tôi làm rất kỳ công, được nhiều người ưa chuộng, nhất là khách nước ngoài. Đan nón cói khác với nón làng Chuông, người làm phải đan từ dưới lên chóp, rất tỉ mỉ, cả ngày chỉ làm được 1 chiếc, giá bán tầm 200 nghìn đồng", ông Tấn chia sẻ.
Đến với không gian trưng bày, du khách cũng có cơ hội chiêm ngưỡng những sản phẩm làm từ đũi từ làng đũi Nam Cao (Thái Bình). Hiếm có vùng đất nào trên đất nước ta có nghề dệt đũi được bảo tồn, phát triển đến ngày nay như tại xã Nam Cao, nghề kéo đũi, dệt cửi tại đây có từ năm 1584. Trải qua hơn 400 năm hình thành, người dân làng Nam Cao vẫn kiên định gìn giữ tinh hoa đất nghề của cha ông để lại.
Một vài hình ảnh tại sự kiện: