Quà Tết

Trong hồi ức mờ tỏ của tôi còn chấp chới món quà Tết thời thơ bé. Đó là chiếc phong bao lì xì đựng tờ một hào hồng tươi mà bà và mẹ trao cho tôi vào buổi sáng đầu tiên của năm âm lịch.

Món quà bé nhỏ ấy mang trong nó giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, đẹp như lời chúc năm mới tốt lành. Tôi nghĩ, với người Việt, quà Tết mang ý nghĩa tượng trưng, biểu hiện tình cảm của con người.

Có lẽ, Tết là dịp tốt nhất để chúng ta thể hiện tình cảm của mình với người khác thông qua những món quà. Ông bà, bố mẹ tặng quà cho con cháu. Và ngược lại, cháu con cũng thể hiện lòng thành kính, biết ơn của mình với các bậc bề trên trong gia đình thông qua những món quà đầu xuân. Ai dám nói rằng, khi giã từ năm cũ bâng khuâng, vợ chồng dành tặng nhau món quà gì đó là chuyện vẽ vời, sến súa. Với những ai đang yêu nhau, thì món quà xuân chính là dư vị ngọt ngào nhất của cuộc sống. Trò biếu quà Tết thầy cô cũng là cách tôn sư trọng đạo hợp nhẽ. Giữa ngày xuân lâng lâng, anh chị em, bạn bè thân thiết tặng quà cho nhau đâu phải là cái khách khí, bày đặt. Người khá giả cảm thông chia sẻ với kẻ nghèo khó vào dịp Tết trong cái nghĩa thương người như thể thương thân đáng trân trọng lắm chứ. Rồi, những món quà ân tình gửi đồng bào, chiến sĩ biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa sẽ làm cho Tết Việt thêm ý nghĩa. Tết yêu thương, Tết đùm bọc, Tết thơm thảo mới là sự mong mỏi, hướng tới của muôn nhà, muôn người. Những món quà trong sáng làm đẹp đẽ hơn, ấm áp thêm hương vị ngày Tết cổ truyền, tôi tin chắc rằng ai cũng nghĩ như thế. Nếu có điều kiện hãy dành tặng nhau những món quà Tết ý nghĩa. Những món quà không định lượng bằng sự cao thấp của số tiền bỏ ra mua nó mà được đo bằng tấm lòng trong sáng.

Tuy nhiên, có điều đáng buồn và cũng đáng bàn là nhiều món quà Tết thời nay không còn thuần khiết trẻo trong như xưa nữa. Trong nhiều gói quà Tết, tính thực dụng, vụ lợi không còn là điều xa lạ. Đơn giản nhất là túi lì xì dành cho trẻ em cũng có các đồng tiền mang mệnh giá khác nhau. Có vẻ như người ta lì xì vì ông bà, bố mẹ bọn trẻ hơn là chúc phúc cho các cháu. Xã hội quan tâm nhiều và quan tâm nhất đến chuyện cấp dưới tặng quà Tết cấp trên. Tặng sếp quà gì, tặng vào lúc nào, tặng bao nhiêu... đã trở thành mối quan tâm, cũng là mối lo của không ít người. Dù Tết nào cũng có chỉ thị nghiêm cấm cấp trên nhận quà biếu của cấp dưới nhưng hình như cái chuyện khó nói này vẫn còn khó nói lắm. Tặng quà và nhận quà cũng muôn hình vạn trạng, cũng biến hóa khôn lường, khó kiểm soát được. Gói quà Tết không còn đơn thuần là gói quà Tết nữa mà nó đã được gắn vào những “nhiệm vụ” khác nhau. Khẳng định mối quan hệ trên-dưới, là sự trả ơn, tỏ rõ lòng trung hay gửi gắm một “mật ngôn” nào đó... Đồng tiền, thông qua những món quà Tết có khi đã làm xiêu vẹo liêm sỉ, khí phách của người đang nắm giữ quyền chức. Đấy là điều tai hại khó lường của quà Tết không trong sáng. Khi có quà Tết không trong sáng thì cũng có người trong sáng (thực tài đức) bị lãng quên, bỏ rơi vì “chẳng biết điều” với cấp trên. Có đi có lại mới toại lòng nhau; sự đời lắm khi chan chát, vênh vao thế đó.

Ôi, mong làm sao, đất nước ta ngày càng nhiều hơn các vị quyền chức biết và dám nói không với quà Tết, để Tết Việt trở lại với sự thuần phác, trong trẻo, hồn hậu như ngày nào. Giữa ngày xuân, ta trao và nhận những món quà mang ý nghĩa nhân văn về cuộc sống như nhà thơ cách mạng Tố Hữu từng khao khát: Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau. Vâng, khi đã sống để yêu nhau thì quà tặng vào dịp nào cũng bắt đầu từ một tấm lòng trong sáng, chân thành.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/qua-tet-607345