Quả thanh long đúng là 'siêu thực phẩm nhiệt đới'
Có lẽ những cái bánh mì thanh long màu hồng của ông Kao Siêu Lực ở TP. Hồ Chí Minh đã khơi nguồn cảm hứng dồi dào cho rất nhiều người sản xuất khác. Liên tiếp các sản phẩm độc đáo từ thanh long ra đời, làm dư luận ngạc nhiên, thú vị.
Quả thanh long đúng là
Công ty thực phẩm Cam Ranh (Carafoods) vừa dùng thanh long ruột đỏ để sản xuất thành công chả cá 2 da phủ thanh long. Món chả cá này vừa ngon, ngọt, dai, giòn, có vị bùi, béo, giờ lại phủ thêm màu sắc đẹp tự nhiên, nên được khách hàng ưa chuộng.
Cơ sở Pizza Home lại dùng thịt quả thanh long ruột đỏ trộn cùng với bột làm thành những chiếc bánh pizza có vị thanh ngọt tự nhiên và màu hồng bắt mắt. Giá mỗi chiếc pizza thanh long là 55.000 đồng.
Một phụ nữ chủ cửa hàng bánh cuốn ở Hà Nội lại dùng thanh long ruột đỏ tạo ra hương vị và màu sắc khác lạ cho món bánh cuốn truyền thống của mình. Bằng cách pha bột với nước ép thanh long ruột đỏ, món bánh cuốn thanh long vừa ra lò có sắc hồng bắt mắt, hương vị thơm ngọt mát của thanh long, nhân thịt đầy đặn, ăn càng nóng càng ngon, ngày nào cũng có cả trăm khách đặt mua, giá 35.000 đồng/suất.
Một doanh nghiệp ở Củ Chi thì chế biến ra bánh tráng thanh long. Quả thanh long ruột trắng sẽ cho ra bánh tráng màu trắng, điểm những hạt thanh long đen li ti như hạt mè. Quả thanh long ruột đỏ cho ra bánh tráng màu đỏ hồng tự nhiên, hương vị thơm ngon, lạ miệng. Nghe nói có người đang thử nghiệm làm bánh phở thanh long, bún thanh long...
Với thành phần dinh dưỡng dồi dào vitamin và khoáng chất, quả thanh long đã được mệnh danh là “siêu thực phẩm nhiệt đới” với rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Người Việt ta có câu “trong cái khó ló cái khôn”, chắc chắn rằng sẽ còn xuất hiện nhiều sản phẩm độc đáo nữa làm từ thanh long. Trước đây, người Bình Thuận và cả nước đã được thưởng thức các sản phẩm như: rượu vang thanh long, nước ép thanh long, kẹo dẻo thanh long, siro thanh long, mứt thanh long, thanh long sấy dẻo, sấy giòn...
Hiện thanh long là trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với diện tích trên 50.000 ha, sản lượng thu hoạch trên một triệu tấn quả mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD, chiếm một nửa trong kim ngạch xuất khẩu trái cây của cả nước. Tuy nhiên do chuỗi chế biến sau thu hoạch còn rất yếu, nên 80% sản lượng thanh long xuất khẩu trái tươi. Đặc biệt việc liên kết thành một chuỗi giá trị thanh long vẫn còn bỏ ngỏ, nên giá cả “đầu ra” liên tục biến động, bấp bênh, không ổn định.
Tại hội nghị về phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp vào cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh:đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi là rất cần thiết, nhưng chế biến sâu càng quan trọng hơn, nhằm gia tăng giá trị, tạo điều kiện mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước, hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá.
Bình Thuận có hơn 30.000 ha thanh long, sản lượng trên 600.000 tấn quả mỗi năm. Ước mơ của nông dân Bình Thuận là có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư nhà máy chế biến quy mô, hiện đại ngay trên vùng nguyên liệu, góp phần giải quyết “đầu ra” thanh long và giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho con em nông dân.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Nafoods (chuyên sản xuất - chế biến rau quả) để thúc đẩy việc đầu tư nhà máy chế biến thanh long tại Bình Thuận, theo một thỏa thuận đã ký kết với tập đoàn này hồi tháng 3 năm ngoái.