Quá tốt cũng... không tốt
Trước khi bạn lan tỏa quá nhiều tình yêu thương và lòng tốt, hãy xem xét những lý do dưới đây:
Bất kể tính cách bạn thế nào, điều quan trọng nhất trong các mối quan hệ là phải biết khi nào nên hào phóng lòng tốt và khi nào nên... lạnh lùng.
Điều mà hầu hết mọi người không nhận ra là việc trở nên quá tử tế thực sự có thể có tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và các mối quan hệ.
Vì vậy, trước khi bạn lan tỏa quá nhiều tình yêu thương và lòng tốt, hãy xem xét những lý do dưới đây:
Mọi người sẽ lợi dụng lòng tốt của bạn
Bạn có mệt mỏi khi một người bạn nào đó luôn hỏi vay tiền nhưng không bao giờ trả lại? Hoặc một đồng nghiệp luôn nhờ bạn giúp đỡ trong công việc nhưng không bao giờ cảm ơn?
Nếu thường xuyên rơi vào tình cảnh này, đã đến lúc bạn phải tỉnh táo và nhận ra rằng bạn đang bị lợi dụng vì lòng tốt của chính mình.
Dĩ nhiên, bạn muốn trở thành người tử tế, nhưng hãy thành thật với cảm xúc của bạn. Khi bạn quá tử tế và dễ tin người, những kẻ xấu tính sẽ tìm cách lợi dụng bạn bất cứ khi nào có thể.
Vì vậy, bạn cần nghiêm khắc hơn thay vì lúc nào cũng tỏ ra mình là một người dễ dãi. Đôi khi, quá tử tế có thể là công thức dẫn đến thảm họa.
Bạn sẽ bỏ bê nhu cầu và mong muốn của chính mình
Nếu bạn luôn đặt nhu cầu và mong muốn của người khác lên trên nhu cầu và mong muốn của mình, bạn đang tự đặt mình vào một thế giới đầy tổn thương.
Khi bạn quá tử tế và luôn cho đi, mọi người bắt đầu nghĩ rằng họ có thể lấn át bạn. Cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy bực bội và không thỏa mãn.
Thế nên, đừng bao giờ quên nguyên tắc chăm sóc bản thân và đảm bảo rằng nhu cầu cũng như mong muốn của bản thân nên được đáp ứng trước tiên.
Không được tôn trọng
Đây là một lý do quan trọng khác khiến bạn không nên quá tử tế. Khi lòng tốt được ban phát vô tội vạ, mọi người không những không tôn trọng bạn mà còn có thể bắt đầu lợi dụng lòng tốt của bạn.
Và điều tồi tệ nhất là, dù đã nhận thức được sự việc nhưng bạn vẫn tiếp tục cố gắng vì sợ bị coi là kẻ xấu tính. Thực tế là, được tôn trọng còn quan trọng hơn việc bị lợi dụng. Và trở thành kẻ dễ bị lợi dụng sẽ không giúp bạn có được sự tôn trọng đó. Tốt nhất bạn nên đặt ra một số ranh giới và đứng lên bảo vệ chính mình.
Bạn sẽ trở nên kiệt sức vì liên tục giúp đỡ người khác
Trở thành người giúp đỡ là một mục đích cao cả, nhưng bạn đừng đi quá xa. Quá nhiều điều tốt đẹp có thể gây cảm giác nhàm chán. Trước khi bạn nhận ra điều đó, bạn đã trở thành một người mệt mỏi, gắt gỏng và làm việc quá sức.
Nghiêm trọng hơn, bạn không chỉ kiệt sức mà còn bị hút cạn sự sống. Vì vậy, hãy lùi lại một bước và nhớ rằng, bạn có thể tử tế và giúp đỡ người khác, nhưng đừng quên đặt bản thân lên hàng đầu và vạch sẵn một số ranh giới, nếu không, bạn mới chính là người cần giúp đỡ.
Bạn sẽ gặp khó khăn khi đưa ra quyết định
Việc đưa ra quyết định có thể thực sự là một vấn đề đau đầu, đặc biệt khi bạn quen đóng vai người giải quyết vấn đề cho mọi người. Cảm giác này giống như một nhà tiên tri vừa đi vừa nói nhưng không có quả cầu pha lê trên tay.
Mọi người đến với bạn, mong đợi bạn vẫy chiếc đũa thần và khiến mọi vấn đề của họ biến mất. Nhưng hãy đối mặt với sự thật, đôi khi bạn không có đủ thông tin cũng như nguồn lực để thực hiện một quyết định chắc chắn.
Hơn nữa, quá tử tế với người khác có thể khiến bạn khó đưa ra quyết định tốt nhất cho mình bởi vì bạn quá tập trung vào việc làm hài lòng người khác.
Bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội khẳng định bản thân
Khi bạn luôn tỏ ra an toàn và chọn con đường dễ dàng, bạn sẽ bỏ lỡ một số cơ hội quan trọng để cho cả thế giới thấy khả năng của mình.
Bởi vì nếu bạn liên tục đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình, về cơ bản bạn đang trao cho họ chìa khóa cuộc sống của bạn và để họ cầm lái. Đó là con đường một chiều dẫn đến sự nhàm chán và không thỏa mãn.
Đôi khi bạn chỉ cần làm những gì tốt nhất cho chính bạn, không phải những gì người khác muốn. Vì vậy, đừng ngại nói “không” khi cần thiết. Hãy kiểm soát cuộc sống của bạn thay vì để người khác quyết định.
Theo ideapod.com
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/qua-tot-cung-khong-tot-post684913.html