Quá trình ông trùm điện thoại một thời ngã ngựa
Chỉ mới vài năm trước, công ty của Phần Lan này còn nằm trong top những ông lớn thống trị thị trường điện thoại di động toàn cầu từ năm 1998 đến năm 2011.
Nếu bạn hỏi một thiếu niên sành điện thoại thời nay xem cậu ta nghĩ gì về Nokia, rất có thể cậu ta sẽ ngây ra rồi đáp: “Ờm... Nokia là gã nào vậy?”.
Chỉ mới vài năm trước, công ty của Phần Lan này còn nằm trong top những ông lớn thống trị thị trường điện thoại di động toàn cầu từ năm 1998 đến năm 2011. Năm 2004, Nokia còn đứng ở vị trí 112 trong bảng xếp hạng 500 công ty lớn nhất thế giới của tạp chí Fortune. Một đất nước nhỏ chỉ khoảng năm triệu dân như Phần Lan chính là cái nôi nuôi dưỡng thương hiệu tiên phong trong một lĩnh vực công nghệ đang trên đà tăng trưởng toàn cầu.
Câu chuyện về Nokia nghe chẳng khác gì kịch bản phim do Hollywood sản xuất. Năm 1865, ở miền Nam Phần Lan, kĩ sư Fredrik Idestam cho xây dựng một nhà máy chế biến bột giấy bên bờ sông Nokianvirta.
Ông đặt tên cho nhà máy của mình là Nokia. 30 năm sau, tức năm 1898, Eduard Polón thành lập Công ty Sản phẩm Cao su Phần Lan, chuyên sản xuất giày cao su và lốp xe. 15 năm sau đó, Arvid Wickström thành lập Công ty Sản phẩm Cáp Phần Lan. Từ năm 1963 trở đi, Công ty Sản phẩm Cáp đã tập trung sản xuất điện thoại không dây dành cho quân đội. Ba công ty công nghiệp này liên thủ chặt chẽ với nhau trong suốt 45 năm để rồi hợp nhất thành tập đoàn công nghệ Nokia vào năm 1967.
Những ngành chủ chốt như: lâm nghiệp, sản xuất cao su, cáp, linh kiện điện tử vẫn được tập đoàn này duy trì cho đến khi họ tìm thấy những cơ hội phát triển mới từ việc giảm kiểm soát thị trường viễn thông châu Âu vào những năm 1980. Với sự ra đời của công ty điện thoại di động Scandinavian NMT (Điện thoại di động Bắc Âu), năm 1982, Nokia cho ra mắt chiếc điện thoại di động được sử dụng trong xe hơi đầu tiên trên thế giới và từ năm 1987, công ty chỉ còn tập trung vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Những lĩnh vực khác như sản xuất cao su, cáp điện và linh kiện điện tử dần được tập đoàn ngưng sản xuất. Tuy vậy, Nokia vẫn chiếm trọn cảm tình của người tiêu dùng nhờ việc liên tục đưa ra những cải tiến công nghệ như “Communicator” (một dạng điện thoại thông minh đời đầu) và phủ sóng thị trường với những chiếc điện thoại di động bền, ở mức giá trung bình.
Năm 2002, cứ 3 chiếc điện thoại được bán ra trên thế giới thì có một chiếc là của Nokia (với thị phần 35,8%), trong 6 chiếc thì có một chiếc là của Motorola (15,3%) và trong 10 chiếc thì mới có một chiếc là của Samsung (9,8%). Trong suốt một thời gian dài, Nokia 1100 trở thành chiếc điện thoại bán chạy nhất của Nokia với số lượng bán ra lên tới 250 triệu chiếc tính đến năm 2013.
Đối với các doanh nghiệp trên thế giới, trụ sở Nokia ở Espoo Phần Lan trông như một pháo đài bất khả chiến bại. Điều không may chính là khi Nokia đứng ở đỉnh cao danh vọng, họ đã bắt đầu tự tin vào sức mạnh vô song của mình. Ngay khi Nokia đạt ngưỡng lợi nhuận khổng lồ, các đối thủ khác cũng lập tức nhảy vào cuộc chơi. Năm 2004, Nokia tung ra thị trường dòng điện thoại nắp gập đầu tiên với kiểu dáng trung thành với thiết kế truyền thống của hãng.
Khi Apple cho ra mắt chiếc điện thoại thông minh với màn hình cảm ứng đầu tiên vào năm 2007, CEO của Nokia bấy giờ là Olli-Pekka Kallsvuo chỉ coi iPhone như một sản phẩm ăn theo. Trên trang bìa tạp chí Forbes tháng mười một cùng năm là bức hình chụp Kallsvuo trông khá tự mãn cùng với câu hỏi: “Với một tỷ người dùng - Liệu ai có thể sánh ngang với ông vua của ngành điện thoại di động?”.
Những nhà hoạch định chính sách và phát triển của Nokia vẫn tiếp tục cho ra đời những ý tưởng mới và những sản phẩm dẫn đầu xu hướng, điển hình là chiếc điện thoại di động có camera đầu tiên (Nokia 7650) hay như máy tính bảng kết nối mạng 770. Thế nhưng bộ máy lãnh đạo của tập đoàn Nokia vẫn quá chậm chạp và cồng kềnh trong việc triển khai những ý tưởng này, có thể một phần cũng bởi những lời khen của cánh báo chí đã làm họ mờ mắt. Không những vậy, nội bộ ban giám đốc cũng nảy sinh mâu thuẫn.
Họ tranh cãi về việc liệu có nên đẩy mạnh phát triển dòng điện thoại thông minh hay trung thành với những thiết kế giá rẻ. Người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Nokia ở Đức mô tả tình trạng lúc bấy giờ trông hệt như một “bức tranh toàn cảnh về bộ máy quan liêu với những công chức sản xuất điện thoại lâu đời”.
Ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng đó, chúng ta có thể hiểu hơn về bản chất của vấn đề bằng việc nhìn vào cách những nhân viên tại một trong những chi nhánh lớn của Nokia ở châu Âu dùng khiếu hài hước để đặt tên cho những phòng họp của họ. Những cái tên quen thuộc như “Helsinki”, “Berlin” và “London” lần lượt được đổi thành “Không hiệu quả đâu”, “Sẽ không bao giờ được chấp thuận” và “Global muốn như vậy” (Global là trụ sở chính của Nokia đặt tại Phần Lan).
Sau đó, Nokia rơi vào tình trạng lao dốc không phanh đúng như cách mà hãng nổi lên vào thời điểm mười năm trước. Thị phần của Nokia nhanh chóng giảm mạnh trong năm 2018, và từ 2011, công ty liên tục trong tình trạng kinh doanh thua lỗ. Cũng trong năm 2011, Nokia đã kí một thỏa thuận hợp tác với Microsoft. Theo thỏa thuận, Nokia không sử dụng hệ điều hành riêng của hãng, thay vào đó họ sẽ sử dụng hệ điều hành MS Windows của Microsoft.
Trước thông tin này, những doanh nghiệp khác trên thị trường tỏ ra khá kinh ngạc, thậm chí còn giễu cợt về việc hai doanh nghiệp vốn là kẻ thù không đội trời chung vậy mà nay lại liên thủ cùng nhau tiến về buổi hoàng hôn. Những sản phẩm của Nokia bây giờ chẳng còn đủ sức cạnh tranh với iPhone của Apple, với hệ điều hành Android của Samsung, LG hay các nhà sản xuất điện thoại khác. Chỉ hai năm sau thỏa thuận trên, Microsoft chính thức nắm trọn quyền điều hành Nokia.
Tạp chí thương mại Connect nhận xét: “Doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động của Phần Lan đã đi đến hồi kết”. Từng có thời điểm, Nokia được biết đến như một trong những nhà cung cấp công nghệ mạng hàng đầu. Kể từ năm 1999, đồ thị giá cổ phiếu của Nokia trông giống như những dãy núi, trong khi những dãy đầu có độ cao chóng mặt thì kể từ sau năm 2009, chúng bắt đầu bằng phẳng dần. Năm 2000, bất cứ ai muốn sở hữu một cổ phiếu của Nokia sẽ phải trả hơn 60 USD. Kể từ 2014 đến giữa 2019, giá cổ phiếu của công ty chỉ còn khoảng 6 USD một cổ phiếu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/qua-trinh-ong-trum-dien-thoai-mot-thoi-nga-ngua-post1406248.html