Quá trình phát triển của ngành thông tin quân sự
Thông tin quân sự (TTQS) được định nghĩa là tổng hòa của các phương tiện truyền thông tin và nội dung mệnh lệnh, báo cáo.
TTQS được ví như mạch máu trong các hoạt động quân sự, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng SSCĐ cũng như sự thành công của quân đội các nước trong những cuộc chiến tranh, xung đột...
“Sứ giả”, điện báo và những đường dây ngàn dặm...
Người truyền tin hay sứ giả có thể được coi là những “nhân viên” đầu tiên của ngành TTQS, xuất hiện rất sớm từ những cuộc chiến tranh thời cổ đại.
Vào cuối thế kỷ 12, Thành Cát Tư Hãn (Mông Cổ) cạnh tranh mạnh mẽ với các tiền bối bằng cách thiết lập một chuỗi trạm truyền tin từ châu Âu đến thủ đô của Mông Cổ, để truyền chỉ thị chiến đấu hay thông tin phục vụ việc quản lý. Bên cạnh đó, động vật đưa tin cũng trở thành các “sứ giả” cực kỳ hiệu quả và nhanh chóng, như: Chim bồ câu, đại bàng, chó săn...
Những bước phát triển hiện đại đầu tiên của TTQS được ghi nhận ở thế kỷ 16, khi các tín hiệu quân sự được phát minh dựa trên số lượng, vị trí của các tín hiệu trực quan, như: Cờ hiệu, đèn, súng thần công, pháo hoa...
Dù có những bước đi ban đầu khá tốt nhưng phải đến khi máy điện báo của Samuel F.B.Morse xuất hiện thì các tín hiệu liên lạc mới thực sự bước vào thời kỳ phát triển. Mã Morse gồm các dấu chấm, dấu gạch ngang được sử dụng bằng phím bấm và âm thanh đã sớm được sử dụng để tăng cường hiệu quả truyền tin. Đến năm 1914, máy điện báo được chấp nhận và sử dụng rộng rãi, nhưng do điểm yếu là sự bảo mật nên ngay sau đó đã được bổ sung thêm các hệ thống mật mã phức tạp, kết hợp cùng các tín hiệu quân sự để bảo đảm an toàn thông tin.
Từ Chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 1943, điện thoại đường trường và tổng đài được phát triển với đường dây có độ dài hàng nghìn dặm. Tuy nhiên, một vấn đề lớn nảy sinh là các đường dây điện thoại thường xuyên bị cắt vào những thời điểm quan trọng hoặc do hậu quả của các đợt pháo kích dữ dội.
Thêm nữa, do các tàu hải quân và trạm trên bờ có khoảng cách hàng nghìn dặm, tiếp đó là sự ra đời của máy bay chiến đấu, khiến việc sử dụng thông tin hữu tuyến trở nên bất khả thi. Do đó, thông tin vô tuyến là con đường phát triển tất yếu.
Chú trọng tính bảo mật, tin cậy, thông minh
Thuở sơ khai, thiết bị vô tuyến điện được thiết kế hoàn toàn theo kỹ thuật tương tự, rất nặng và cồng kềnh, khó đưa vào chiến hào và dễ bị phát hiện. Các kỹ sư đã tiếp tục nghiên cứu, thiết kế ra các bộ vô tuyến điện nhỏ hơn, di động hơn và chạy bằng pin. Mặc dù vậy, tính bảo mật của hệ thống này vẫn là một điểm yếu nên quân đội các nước phải sử dụng đa dạng hình thức thông tin liên lạc, như: Máy thông tin; tín hiệu trực quan (pháo hoa, cờ, đèn, bảng tín hiệu...); người đưa tin; chim bồ câu, chó săn...
Một tiến bộ lớn của ngành thiết bị TTQS chính là thiết bị thông tin vô tuyến sử dụng điều chế tần số (FM). Được phát triển trong khoảng những năm 1920-1930 bởi Edwin H.Amstrong, một thiếu tá trong quân đội Hoa Kỳ, phương pháp điều chế mới này giúp cải thiện đáng kể khả năng giảm nhiễu và tiếng ồn trong radio.
Từ nhu cầu của các ứng dụng di động, các hệ thống truyền dẫn vô tuyến (radio relay) ra đời và trở thành điểm nổi bật của sự phát triển thông tin liên lạc trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đi cùng với sự ra đời của các hệ thống truyền dẫn này là những kỹ thuật điều chế tần số, sóng mang, phân chia thời gian thu/phát, ghép nhiều kênh trên một tần số sóng mang... và đến nay, những kỹ thuật này vẫn được sử dụng trong nhiều ứng dụng. Sau đó, truyền hình ra đời, phục vụ hiệu quả việc hỗ trợ đào tạo tại các trường quân sự, nhằm hướng dẫn kỹ năng cho nhiều người cùng một lúc ở những địa điểm khác nhau.
Tiếp đến là sự ra đời của video call, cho phép người hướng dẫn và người học giao tiếp trực quan và thuận lợi hơn. Dựa trên nguyên lý cơ bản hoạt động của truyền hình, thiết bị ghi hình di động ra đời, cho phép thu thập thông tin, hình ảnh của chiến trường.
Trong chiến tranh hiện đại, trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành tác chiến điện tử, TTQS càng đòi hỏi tính bảo mật, độ tin cậy cao hơn và thông minh hơn. Do đó, các kỹ thuật, công nghệ hiện đại ngày càng được nghiên cứu, áp dụng mạnh mẽ hơn, như: Trải phổ, nhảy tần tốc độ cao, nhảy tần thích nghi, tự động thay đổi các tham số truyền tin... Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của thông tin vệ tinh đã mở ra một trang mới cho ngành TTQS.
Năm 1958, không quân Hoa Kỳ đã đưa một vệ tinh thông tin đầu tiên trên thế giới là SCORE vào quỹ đạo. Thập niên 1960 và sau đó, thông tin vệ tinh dần đạt được những thành tựu lớn hơn như tốc độ truyền dẫn và độ chính xác của thông tin cao, ít ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh...
Nhận thức sâu sắc về vai trò của TTQS, nhiều năm qua, quân đội các nước đã dành nguồn lực lớn để nghiên cứu và phát triển nhiều thiết bị ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó, việc duy trì đa dạng các hình thức, thiết bị thông tin liên lạc, tổ chức sử dụng hợp lý, khoa học để tạo nên một trận địa liên lạc quân sự vững chắc, an toàn vẫn luôn là điều được quân đội các nước quan tâm, chú trọng.