Quá trình tiêu chuẩn hóa quốc tế đối với kế toán công

Thời gian gần đây, quá trình tiêu chuẩn hóa đối với kế toán công đang bắt đầu diễn ra trong khu vực công. Bên cạnh đó, thông tin của kế toán khu vực công cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người sử dụng, không chỉ trong khu vực công mà còn tác động đến hiểu biết của người dân trong xã hội về các quyết sách của quốc gia. Bài viết này tập trung vào việc phân tích những nội dung cơ bản của quy trình tiêu chuẩn hóa quốc tế đối với kế toán công trong trình bày thông tin trên báo cáo tài chính và quá trình cung cấp thông tin cho người sử dụng theo định hướng mới này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, để phục vụ quá trình ra quyết định kinh tế thì người sử dụng cần có những thông tin mang tính đáng tin cậy, phù hợp và kịp thời. Nhu cầu này đã làm cho các tổ chức trong xã hội mong đợi bộ phận kế toán có thể cung cấp nguồn tin thích hợp cho người sử dụng.

Từ trước đến nay, chế độ kế toán trong khu vực tư nhân được khá nhiều người quan tâm, tìm hiểu cũng như được thay đổi thường xuyên liên tục cho phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu. Từ năm 2000, trong khu vực tư nhân đã xuất hiện xu hướng liên kết giữa Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế với Ủy ban Chuẩn mực kế toán tài chính nhằm ban hành một bộ chuẩn mực chung nhất để tạo sự thống nhất trong việc trình bày thông tin kế toán. Tuy nhiên, không chỉ trong khu vực tư nhân, quá trình tiêu chuẩn hóa cũng đang bắt đầu diễn ra trong cả những đơn vị thuộc khu vực công.

Cụ thể, chuẩn mực kế toán công quốc tế được ban hành bởi Ủy ban Chuẩn mực Kế toán công quốc tế (IPSASB) - Tổ chức trực thuộc Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC, có trụ sở đặt tại Thụy Sĩ). Kể từ năm 2000, IFAC đã lần lượt ban hành chuẩn mực kế toán và chuẩn mực kiểm toán trong khu vực công. Tổ chức này khẳng định rằng, việc phát triển tổ chức công cũng phải là một nhiệm vụ quan trọng không kém so với các doanh nghiệp khu vực tư. Vì vậy, vào cuối năm 2011, IFAC đã ban hành báo cáo về việc tiêu chuẩn hóa quốc tế đối với chuẩn mực kế toán công trong quá trình lập báo cáo tài chính theo mục đích chung (GPFS) và được áp dụng từ năm 2012. Với ý nghĩa trên, bài viết tập trung phân tích những nội dung cơ bản của quy trình tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực kế toán công đối với việc trình bày thông tin trên báo cáo tài chính và quá trình cung cấp thông tin cho người sử dụng.

Nhu cầu của người sử dụng đối với thông tin của kế toán công

Để thay đổi những nội dung đã ban hành trong quá khứ nhằm phù hợp với xu thế trên thế giới, năm 2008, IPSASB công bố bản yêu cầu tư vấn (được viết tắt là CP) với nội dung là Nội dung của báo cáo tài chính lập theo mục đích chung của các đơn vị công. Báo cáo này được công bố nhằm thu thập các đóng góp của người sử dụng đối với lượng thông tin mà kế toán công cung cấp. Nội dung chính của báo cáo bao gồm mục tiêu, phạm vi của báo cáo tài chính, các đặc điểm chất lượng của thông tin công. Những góp ý của người dùng là cơ sở để IPSASB có thể định hướng ban hành nội dung chuẩn hóa chuẩn mực kế toán có tính thống nhất cao giữa các nước.

Ngoài ra, để tăng cường độ tin cậy cho báo cáo, cơ quan IPSASB còn tiến hành khảo sát thực nghiệm bằng cách gửi bảng câu hỏi và phỏng vấn 5.147 cơ quan nhà nước tại hơn 30 quốc gia khác nhau. Thông qua việc thu thập câu trả lời của 1.154 tổ chức công (chiếm khoảng 22% tỷ lệ hồi âm), việc khảo sát này đã cung cấp một số kết quả như sau:

- Với câu hỏi "Mục đích của bạn trong việc sử dụng báo cáo hàng năm là gì?", kết quả nhận được: 14,3% dùng để ra quyết định trong việc phân bổ nguồn lực; 28,9% dùng đánh giá những quyết định thực hiện trong quá khứ; 24,5% về trách nhiệm giải trình; 32,3% dùng cho các mục đích khác.

Trong những mục đích được trả lời ở trên thì khoảng 50% trả lời là vì thông tin trên báo cáo năm của khu vực công, kế tiếp là so sánh, nghiên cứu, hoạt động đầu tư, xu hướng, đánh giá, nhận thức…

- Với câu hỏi "Báo cáo năm thường dùng để làm gì?", kết quả nhận được: 19,6% ra các chính sách mang tính chính trị của quốc gia; 33,7% ra các quyết định về mặt kinh tế xã hội; 13,4% đánh giá tính khả thi của việc sử dụng ngân sách; 20,9% đánh giá tính bền vững ngân sách; 12,4% nhận thức được sự minh bạch ngân sách nhà nước.

Từ các câu hỏi trên, có thể nhận thức được, thông tin kế toán khu vực công là vô cùng quan trọng đối với người sử dụng, không chỉ trong khu vực công, mà còn tác động đến hiểu biết của người dân trong xã hội về các quyết sách của quốc gia. Với kết quả này, tổ chức IPSASB đã tiến hành rà soát hệ thống chuẩn mực kế toán hiện hành nhằm kịp thời điều chỉnh cho phù hợp và tiến đến việc chuẩn hóa đồng bộ trong phạm vi toàn cầu.

Quy trình tiêu chuẩn hóa trong khu vực công

Để thống nhất nội dung mà kế toán trong khu vực công cung cấp thì cần phải xác định những đối tượng sử dụng và có liên quan đến thông tin kế toán công. Nhìn chung, có 4 nhóm đối tượng khác nhau trong quá trình cải cách kế toán công, đó là người sử dụng báo cáo tài chính, người lập báo cáo (nhà quản lý), các kiểm toán viên độc lập và các nhà làm luật của quốc gia (Kwork và Sharp, 2005). Trong giai đoạn đầu, trong khu vực tư đã có sự chuẩn bị trong phạm vi quốc tế. Hầu hết các tổ chức nghề nghiệp đều có sự kết nối ngay từ đầu, qua đó ban hành hàng loạt các chuẩn mực kế toán có tính quốc tế hóa cao. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi toàn cầu hóa hiện nay, xét trong khu vực công thì ngay từ khi bắt đầu ghi chép và lập báo cáo tài chính, hầu hết chính phủ các quốc gia đều dựa trên những điều mà mình đã từng thực hiện trước đây để tiếp tục vận dụng phương thức cũ mà không có bất kỳ các chuẩn mực kế toán mang tính chất quốc tế nào trong lúc thực hiện. Điều này khiến cho kế toán ở các nước thiếu sự nhất quán, thống nhất, tạo ra sự khác biệt nhất định trong thông tin do hệ thống kế toán cung cấp. Với lý do này nên quá trình tiêu chuẩn hóa đã được đưa ra xây dựng và thực hiện như một nhu cầu tất yếu đối với khu vực công trên thế giới hiện nay.

Do đó, vào thế kỷ thứ XXI, Tổ chức IFAC đã ban hành các chuẩn mực kế toán công quốc tế dành cho các tổ chức thuộc khu vực công trên toàn cầu. Chính phủ các nước cùng với các thực thể khác thuộc khu vực công cùng thống nhất việc trình bày báo cáo tài chính theo hướng dẫn mới này và lập theo mục đích chung.

Như vậy, từ nhu cầu trong xã hội đối với thông tin do khu vực công cung cấp nên quá trình thay đổi của kế toán công đã diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài. Cho đến nay, cùng với quá trình quốc tế hóa diễn ra rất nhanh chóng, kế toán công tiếp tục được được cập nhật và chuẩn hóa. Từ năm 2012 đến nay, Tổ chức IPSASB đã công bố một hướng dẫn cho việc chuẩn hóa chuẩn mực kế toán công. Văn bản này định hướng một cách nhất quán và có điều chỉnh cho tất cả các nước đã, đang và sẽ sử dụng IPSAS cho việc xử lý kế toán các đơn vị thuộc khu vực công. Văn bản này bao gồm những nội dung và yêu cầu cơ bản sau:

- Thường xuyên kết nối với kế toán của các đơn vị thuộc khu vực tư nhân để có sự phối hợp giữa các bên có liên quan, từ đó để nội dung các chuẩn mực giữa khu vực công và khu vực tư không có sự khác biệt đáng kể.

- Các cơ quan thuộc khu vực công cần có sự tham gia làm thành viên của các tổ chức quốc tế để có thể tranh thủ học tập kinh nghiệm xây dựng hệ thống tài khoản quốc gia, trao đổi chuyển giao công nghệ kỹ thuật, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế thế giới.

- Phát triển một khuôn mẫu lý thuyết chung trong kế toán khu vực công để làm nền tảng thống nhất trong quá trình ghi chép nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau trong nền kinh tế.

- Mỗi kỳ kế toán, Nhà nước cần công bố chỉ số minh bạch về ngân sách trong phạm vi quốc tế, nhằm công khai về ngân sách nhà nước, tạo ra tính rõ ràng trong việc sử dụng và chi tiêu công của Chính phủ.

- Báo cáo tài chính của Chính phủ cần được chuẩn hóa theo mô hình chung của hầu hết các quốc gia và theo hướng dẫn của IPSAS về báo cáo trong khu vực công.

- Để hiện đại hóa và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin áp dụng trong quá trình xử lý các nghiệp vụ trong khu vực công, các đơn vị này cũng có một lượng dữ liệu khá lớn và có mối quan hệ mật thiết giữa các cấp chính quyền khác nhau, giữa các lĩnh vực khác nhau như mối quan hệ giữa cơ quan hải quan, thuế, kho bạc…

Như vậy, với 6 nội dung cơ bản trên thì kế toán khu vực công có thể đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng sử dụng và thông tin sẽ được chuẩn hóa theo hướng quốc tế trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Kết luận

Thực tế cho thấy, Chuẩn mực Kế toán công quốc tế được hầu hết các quốc gia trên thế giới đánh giá như là một bộ các chuẩn mực kế toán phát triển với chất lượng cao, mang tính độc lập và đáp ứng được những yêu cầu về việc lập báo cáo tài chính cho các đơn vị trong khu vực công.

Xét về phương diện người dùng thì báo cáo tài chính được xem là một yếu tố quan trọng để có thể đánh giá tình hình hoạt động của một tổ chức trong một kỳ hoạt động kinh doanh.

Thông qua báo cáo thay đổi và chuẩn hóa kế toán công do Tổ chức IPSASB ban hành vào đầu năm 2012, báo cáo tài chính của các tổ chức thuộc khu vực công sẽ được thống nhất và đồng bộ theo xu hướng toàn cầu hóa cũng như theo các cam kết song phương, đa phương giữa các chính phủ, qua đó sẽ cung cấp thông tin có sự minh bạch và rõ ràng nhất để cung cấp những dữ liệu hữu ích cho việc ra các quyết định khác nhau trong kinh tế, chính trị, xã hội tại các quốc gia.

Tại Việt Nam, ngày 31/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 1299/QĐ-BTC phê duyệt Đề án công bố Hệ thống Chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Theo Đề án, hệ thống kế toán công của Việt Nam được tổ chức và thiết lập theo khung pháp lý của Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn chế độ kế toán của Bộ Tài chính. Hiện nay, các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước áp dụng thống nhất hệ thống mục lục ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính quy định. Bộ Tài chính chưa quy định hệ thống chuẩn mực kế toán công, các đơn vị thực hiện theo chế độ kế toán áp dụng cho từng đối tượng.

Để ban hành được hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam cần có sự hiểu biết đầy đủ về các chuẩn mực kế toán công quốc tế. Việc tổ chức thực hiện chuẩn mực kế toán công quốc tế tại Việt Nam cần có lộ trình phù hợp, đòi hỏi đồng bộ, thống nhất giữa các quy định có liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, cơ chế tài chính được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Tài liệu tham khảo:

Ðặng Văn Thanh (2018), “Kế toán và kiểm toán Việt Nam Những bước tiến mạnh mẽ, vững vàng hơn 20 năm đổi mới”, Tạp chí Kế toán Kiểm toán số 77;

Thanh Tùng (2018), “Nghề kế toán, kiểm toán trong kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập”, Tạp chí Kế toán Kiểm toán số 77;

Trần Xuân Nam (2018), “Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế: Việt Nam và sự khác biệt”, Tạp chí Kế toán Kiểm toán tháng 05;

Barton, Allan (2015), “Professional Accounting Standards and the Public Sector: A Mismatch.” Abacus 41 (2), 138-158;

Botzem and Sigrid (2017), “(No) Limits to Anglo-American Accounting? Reconstructing the History of the International Accounting Standards Committee: A Review Article.” Accounting, Organizations and Society 34, 988-998;

Christiaens, Johan and Jan Rommel (2008), “Accrual Accounting Reforms: Only for Businesslike (Parts of) Governments.” Financial Accountability & Management 24 (1), 59-75;

Mack, Janet and Christine Ryan (2016), “Reflections on the Theoretical Under- pinnings of the General-Purpose Financial Reports of Australian Government Departments.” Accounting, Auditing & Accountability Journal 19 (4), 592-612.

TS. Bùi Quang Hùng, TS. Trần Mai Đông, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2020

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/qua-trinh-tieu-chuan-hoa-quoc-te-doi-voi-ke-toan-cong-328411.html