Quà từ thiện - nơi nhận không hết, nơi lần không ra
Trong những ngày qua, 'khúc ruột miền Trung' chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão, lũ. Triệu tấm lòng của cả nước đều hướng về miền Trung ruột thịt. Những chuyến xe từ thiện như nối đuôi nhau ra trận ngày nào nay lại được tái hiện trong lúc đồng bào đang gặp nhiều khó khăn, hoạn nạn...
Nhưng từ thiện nhiều chưa chắc đã hiệu quả! Là một người dân địa phương từng hứng chịu ảnh hưởng từ bão, lũ, tôi xin góp chút ý kiến của mình để công tác thiện nguyện hiệu quả hơn, để bà con vùng lũ nhận được những món quà ý nghĩa, và cũng là để hy vọng các đoàn từ thiện công bằng hơn trong khi trao quà tại địa phương.
Hiện nay, đa phần các đoàn từ thiện khi đến miền Trung đều không phải là người địa phương (trừ một số đoàn kết hợp với người bản địa). Xách hàng lên và đi nhưng nhiều người chưa hiểu người dân thực sự cần gì. Hơn nữa, vì không phải người địa phương nên đường đi lối lại không thông thuộc nên đa phần các đoàn đều phát quà ở những nơi xe cộ qua lại thuận tiện hoặc còn tiếp cận được. Ngược lại, những vùng sâu ngập trong các ngõ hẻm hoặc xóm làng xa xôi thì lại hầu như không nhận được gì hoặc có chăng nhận được rất ít. Còn những hộ dân dễ tiếp cận đoàn từ thiện thì lại nhận được nhiều dù nhà cửa ngập và thiệt hại không lớn lắm...
Vừa qua, tôi đi qua huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Đi sâu vào bên trong các nơi như Cẩm Thành, tôi thấy nhiều người cần được giúp đỡ nhưng các đoàn từ thiện hầu như không đến được đó hoặc rất ít người đến. Tôi gặp một cựu thanh niên xung phong ngoài 70 tuổi, căn nhà tình thương cũng không có gì đáng giá. Thứ duy nhất đáng giá là chiếc nồi cơm điện và chiếc quạt điện đều đã bị nhấn chìm trong cơn lũ. Sau khi tham khảo các bạn đoàn thanh niên địa phương, tôi xin một nhà hảo tâm 5 triệu đồng hỗ trợ cụ mua sắm lại vật dụng....
Nhìn những đoàn xe từ thiện nối đuôi nhau về với miền Trung, tôi chợt nghĩ: Liệu bao nhiêu phần trăm trong số đoàn đó hiểu người dân cần gì? Đa phần các đoàn từ thiện hiện nay đều muốn trao tận tay người dân, họ đi đến đâu phát quà đến đó. Cũng do không thông thạo địa hình nên có những nơi đoàn trước vừa đi thì đoàn sau lại tới. Kết quả là, có những nơi ngập tràn từ thiện và cũng có những nơi “lần không ra”. Ngay như Quảng Bình cũng vậy, nhiều nơi dù bị lũ chia cắt, tuyến đường nối liền cửa khẩu Cha Lo từ đường Hồ Chí Minh bị chia cắt cục bộ tới nay vẫn chưa thông. Rất nhiều đồng bào ở nơi đó cần sự hỗ trợ, nhưng các đoàn từ thiện hầu như không biết tới. Đa phần đều nhờ sự hỗ trợ từ địa phương chính quyền, có những chốt biên phòng phải gùi từng can nước, từng hạt gạo vì đường chia cắt...
Năm 2016, quê tôi ở Hương Khê (Hà Tĩnh) bị trận lũ lịch sử, các đoàn từ thiện thi nhau đổ về, có nhiều nơi như Hương Trạch, Phúc Trạch vẫn nhận được quà cứu trợ, dù nhiều nhà... chả ngập bao giờ. Có nhiều đoàn từ thiện rời đi khi thấy đời sống của người dân còn cao hơn cả người đi từ thiện. Họ được nhận từ thiện bởi trên ti vi phát đi thông báo Hương Khê bị lũ, nhưng thực chất vùng nặng nhất nằm ở rốn lũ chứ không phải vùng cao. Hơn nữa, đường mòn Hồ Chí Minh dễ đi lại, các đoàn dễ tiếp cận hơn...
Thế nhưng, sau trận lũ lại bắt đầu những cuộc họp xóm, những cuộc tranh luận nảy lửa rằng, tại sao nhà này nhiều quà hơn nhà tôi, tại sao đóng góp như nhau mà không công bằng trong từ thiện, có nhiều bà con còn nói cả chính quyền tại sao phân bổ hàng từ thiện không đều.... Nhưng thực tế, hàng hóa đó đều do các nhóm từ thiện phân phát, chính quyền can thiệp vào có khi lại bị tố là "ăn chặn hàng từ thiện". Tình làng nghĩa xóm nhiều nơi không còn sau các cuộc từ thiện!
Vậy nên không phải cứ thấy bão lũ là xách hàng lên đi từ thiện, khi không hiểu người dân thật sự cần gì! Và khi không phải là người địa phương đó thì bạn sẽ rất khó xác định được những làng quê nào cần giúp đỡ. Từ thiện là điều đáng quý của những con người hướng về đồng bào nơi hoạn nạn. Nhưng nhiệt huyết, của cải và sự yêu thương đồng bào thôi là chưa đủ, cần phải nhìn xa hơn trong vấn đề thiện nguyện thì mới mang lại hiệu quả cho người dân vùng lũ kế sinh nhai lâu dài.
Tôi thấy rằng, sau bão, lũ, những người neo đơn, tàn tật, các gia đình chính sách, những cựu thanh niên xung phong đơn thân chính là những người chịu nhiều thiệt thòi sau thiên tai và là những người cần nhận hỗ trợ nhất, bởi họ không thể đi lại nhận từ thiện, không biết sử dụng mạng để kêu gọi nhờ giúp đỡ, tất cả chỉ trông chờ vào chính quyền địa phương!