Qua vùng 'chảo lửa' - Bài 2: Sinh tồn trong khô hạn
Trong cơn đại hạn, quay cuồng với nắng nóng, người dân miền Trung đã tìm mọi cách để sinh tồn, chống chọi với thời tiết cực đoan. Từ những kinh nghiệm dân gian, hay sự tìm tòi học hỏi những công nghệ tiên tiến, người dân ở dải đất đầy nắng và gió này đã cho ra đời những mô hình sáng tạo để thích ứng trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Máy bơm nước không điện
Ấy là cọn nước (guồng nước), một hình ảnh, nét văn hóa cổ xưa của đồng bào người Thái ở miền Tây Nghệ An, trở thành phương tiện điều phối nguồn nước hiếm hoi vào mùa khô, khi mưa nguồn từ phía Lào chảy sang. Tại xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu), đợt nắng nóng kỷ lục này, cọn nước được người dân “phát huy truyền thống” để chống hạn, cứu lúa và được bà con gọi vui là “máy bơm không điện”.
“Máy bơm” này chủ yếu làm bằng gỗ, luồng, tre… tạo thành những guồng quay đưa nước từ dưới sông suối lên. Thời gian này, những người thợ khéo tay của bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến) miệt mài làm cọn nước. Anh Lang Đình Tiếp ở bản Hoa Tiến cho biết, mọi người làm cọn nước chủ yếu để phục vụ người dân trong vùng đưa nước từ sông Nậm Hạt, Nậm Việc lên đồng cứu lúa. Hiện xã Châu Tiến có khoảng gần 300 cọn nước lớn nhỏ phục vụ nước sinh hoạt và cứu lúa, chống hạn.
Tại thôn Bình Minh, xã Trung Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) nhà dân sống trên nền đá vôi khắc nghiệt, các hộ dân đa phần nghèo, nước sạch chưa tiếp cận được. Vì thế, cứ 5-10 hộ chung tiền lại thuê người về làm giếng khoan để lấy nước sinh hoạt. Ông Đinh Thanh nói: “Tui khởi xướng 5 hộ quanh đây nộp đủ 20 triệu đồng làm cái giếng khoan, sâu hơn 50m mới có nước dùng. Nó bơm không tốn điện, nước cứ thế bơm bằng tay. Thời buổi này, có thể nhịn ăn 3 ngày không chết, chứ nhịn uống 1 ngày giữa đại hạn có thể chết chứ không đùa”.
Ông Cao Văn Sòng, Chủ tịch UBND xã Trung Hóa, thông báo: “Hạn quá, vừa rồi Bộ TN-MT vô khoan thăm dò giúp dân 2 cái giếng khoan trên núi đá vôi, khoan mỗi mũi 50m mà không thấy nước. Họ nản rồi rút mũi khoan lên, dân tui van xin mấy bác làm phước khoan thêm. Họ thấy bà con miền núi cực khổ nên chấp nhận tốn kém khoan đến 70m vẫn không thấy chi; bà con lại xin, họ khoan 80m vẫn không thấy tia nước; dân lại nói đã xuống được chừng đó thì sâu thêm mấy chục mét nữa coi, thương thì thương cho trót; rứa mà họ khoan đến trăm mét, nước phụt lên, dân đỡ khát chú ơi”.
Rau xanh giữa cơn đại hạn
Tại miền Trung, thông thường cứ đến mùa nắng nóng, nông dân không thể trồng bất cứ loại rau xanh nào. Vậy mà ở nông trại Đông Dương miền Tây TP Đồng Hới (Quảng Bình) vẫn cứ mỗi 20 ngày lại có rau xanh bán ra thị trường.
Ông Nguyễn Lê Minh, quản lý nông trại, cho biết: “Mùa hè không cung cấp đủ cho Đồng Hới vì nông dân không thể trồng rau. Mỗi ký rau được bán ra 120.000 đồng, đắt hơn thịt heo nhưng bà con vẫn chấp nhận, vì nhu cầu rất cấp thiết. Mỗi mét vuông đất ở đây mỗi năm lời 1 triệu đồng. Tụi tui sản xuất các loại rau trên hệ thống thủy canh, trên ống nhựa, máng nhựa và hệ thống tưới nhỏ giọt nên tiết kiệm nguồn nước. Doanh thu chưa đầy 3ha đất này đã mang lại gần 30 tỷ đồng, tạo việc cho 34 nông dân. Trời có hạn hán mấy, rau vẫn lên trong nhà màn, người làm bên trong được nước điều hòa khá mát, không nóng như bên ngoài hừng hực”.
Xa trên huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), những ngày này ai cũng bất ngờ với hàng ngàn gốc bưởi các loại của gia đình ông Phạm Quang Hùng (57 tuổi, ở xóm 2, xã Hương Thủy) trồng trên đồi núi khô cằn nhưng cho ra quả xanh tốt.
Thấy chúng tôi, ông Hùng khoe ngay: “Bưởi mướt dưới nắng ri là nhà tui đưa hệ thống tưới nước béc xoay theo công nghệ Israel. Năm 2004, tui nhận gần 50ha đất trống đồi núi trọc với gió Lào rát thổi liên tục, ai cũng nói không làm ăn chi được. Tui cố vật lộn trồng bưởi, nuôi hươu, heo rừng. Ban đầu, áp dụng cách tưới qua ống nhỏ giọt, nhưng nó cũng bế tắc vì hư hỏng, chẳng hiệu quả chi. Học hành mãi, tui vay vốn 1 tỷ đồng, đầu tư công nghệ Israel, tưới bằng béc xoay cho 16ha với 7.000 gốc cây ăn quả và chỉ cần 2 lao động vận hành. Nếu làm kiểu truyền thống thì phải thuê cả mười mấy người mà không cứu được bưởi đâu chú. Mô hình béc xoay hiện đại, tiện dụng chống hạn. Mùa hè nóng bưng cây vẫn có sức giữ quả. Béc xoay tưới phủ bán kính khoảng 1,5m, cây mát mẻ như ta nằm phòng lạnh”.
Điều hòa của người nghèo đô thị
Tại những phòng trọ rộng chưa đầy 10m2 ở TP Huế là không gian sống chật cứng, kinh hoàng vào mùa hè, với những lao động thu nhập thấp. Trong cái nóng bức bí ấy, một số người trọ không đủ điều kiện mua quạt hơi nước hay điều hòa đã sáng chế điều hòa nước đá bằng thùng xốp khá độc đáo. Tuy không mát lạnh như điều hòa không khí, nhưng ít ra, với cách chế này cũng giúp nhiều người chống chọi được với cái nắng nóng như đổ lửa.
Anh Nguyễn Văn Phúc (tổ 4, khu vực 4 phường An Tây, TP Huế) nói: “Để có cái điều hòa nước đá lạnh này, mình lên mạng xã hội xem cách làm, ra chợ mua thùng xốp 30 lít và ống nhựa. Tiếp đó, dùng dao khoét lỗ tương ứng với vị trí đặt khoảng 5-6 ống nhựa tròn đường kính 10-15cm thông từ trong ra ngoài. Nắp thùng khoét lỗ vừa vành bảo vệ cánh quạt máy. Khi dùng, bỏ vào thùng xốp khoảng 2.000 đồng đá lạnh, dùng dây buộc quạt máy xung quanh vị trí vừa khoét trên nắp thùng và bật công tắc cho hoạt động. Quạt quay, thổi nước đá bay lên, thông qua các ống nhựa ra ngoài tạo cảm giác dễ chịu. Rứa là có điều hòa”.
Khi bài báo này lên khuôn, miền Trung vẫn ràn rạt gió Lào, rát bỏng với nắng nóng. Những lão nông như cụ Trần Thủ (Quảng Trạch, Quảng Bình) đều nghĩ: “Dù có nắng nóng hơn nữa, khắt nghiệt hơn nữa vẫn bám làng mà ở, dặn dò con cháu đây là quê hương bản quán không thể bỏ đi đâu được. Phải nghĩ ra cách để “sống chung với nắng nóng, khô hạn” với “mẹ thiên nhiên” ngày càng trở tính.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/qua-vung-chao-lua-bai-2-sinh-ton-trong-kho-han-602441.html