Qua vùng hạn - mặn Cà Mau
Mùa khô ở Cà Mau mới chừng được một nửa thời gian, nhưng địa phương này đã xuất hiện nhiều chuyện bất ổn. Những bất ổn đó từng xảy ra ở cao điểm mùa khô hạn năm 2016. Ngay 'tâm bão' dịch bệnh đang hoành hành, những phần việc mà tới đây Cà Mau phải đương đầu sẽ còn nhiều khó khăn…
Kênh rạch, đồng ruộng kiệt nước
Kênh xáng Minh Hà tuần đầu tháng hai. Đây là tuyến kênh trục cấp một, cung cấp nước tưới tiêu cho nhiều ấp của xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Vào cao điểm mùa sa mưa, mực nước dưới kênh chừng 4m, nay còn chưa tới 1m. Với đà nắng gắt và gió mạnh như hiện nay, ông Lý Minh Trí (ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), hộ dân có nhà cặp tuyến kênh nêu trên cho biết, chỉ qua nửa tháng hai này, kênh xáng Minh Hà sẽ khô queo như những đồng lúa đang khát nước của hộ dân trong vùng.
Huyện Trần Văn Thời thuộc Tiểu vùng III Bắc Cà Mau, chuyên canh tác cây - con hệ ngọt. Thời điểm này, nhân dân trong vùng như “ngồi trên đống lửa” bởi hệ thống kênh, rạch trữ nước ngọt gần như cạn kiệt. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau thể hiện, đến cuối tháng một vừa qua, hệ thống các kênh trục vùng ngọt của tỉnh Cà Mau xuống rất thấp, chỉ còn từ 1,1-1,85m. Trong khi đó, các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 chỉ còn từ 1-1,3m, còn các tuyến kênh cấp 3 và kênh nội đồng thì khô cạn. Kiệt quệ nước phục vụ tưới tiêu, trà lúa đông - xuân, hơn 30.000 ha ở Cà Mau đang trong giai đoạn đẻ nhánh, trổ bông, ngậm sữa… có nguy cơ tổn thất lớn.
Ông Huỳnh Văn Thức (ấp 2, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) cho biết, vài hộ trong xóm may mắn bởi vừa thu hoạch lúa, nhưng thuê vận chuyển bằng xe máy tốn mỗi bao từ 5-10 nghìn đồng. Nếu thương lái vào tận nơi thu mua, họ trừ lại 200 đồng/kg tiền vận chuyển. “Kênh rạch khô nước rồi, chuyên chở lúa bằng đường thủy hầu như tê liệt, nếu không bán cho thương lái thì không có tiền tái sản xuất”, ông Thức ngó mặt về hướng con kênh khô queo dọc tuyến lộ nông thôn ngang nhà mình, giọng buồn so.
Số liệu từ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, đến cuối tháng một vừa qua, trà lúa đông - xuân của tỉnh đã thiệt hại hơn 16.000ha do hạn hán, mức độ từ 30 đến hơn 70%. Trước đó, hạn hán đến sớm khiến độ mặn tăng cao làm thiệt hại hơn 16.800ha trong tổng số hơn 36.000ha vụ lúa gieo trồng trên đất nuôi tôm của tỉnh, năng suất lúa giảm từ 30-70%.
Đường sụp lún, cống hư hỏng…
Hạn-mặn sớm đã, đang và dự báo tiếp tục tác động bất lợi đến các địa phương vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau, cả về sản xuất, kết cấu hạ tầng nông thôn và hệ thống công trình thủy lợi.
Gần đây nhất là tuyến lộ Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, đoạn qua Nông trường 402 (thuộc ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây), bất ngờ bị sụp lún vào rạng sáng 30-1 (mùng 6 Tết âm lịch). Đoạn bị sụp lún dài khoảng 18m, bề rộng hơn 2m, chiều sâu từ 1,5-1,8m. Đây cũng là một trong những tuyến đường huyết mạch xuyên rừng về tận Khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây), mới hoàn thành giai đoạn đầu với chiều dài khoảng 13km và vẫn còn trong thời gian bảo hành. Điều đáng nói, tuyến lộ nằm dọc theo tuyến kênh xáng Minh Hà đang từng ngày khô kiệt, và cạnh khu vực bị sụp lún còn nhiều vết nứt kéo dài, nguy cơ tiếp tục sụp lún.
Sau khi thực địa khảo sát, ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau, nhận định, khu vực tuyến đường đi qua nền đất yếu, độ rỗng lớn. Trong khi đó, kênh xáng Minh Hà hiện đã khô cạn, mực nước ngầm dưới nền đường bị hạ thấp. Tình trạng khô hạn như vậy đã làm nền đất bị co ngót, kết hợp với điều kiện bất lợi là do đáy kênh sâu, độ dốc mái kênh lớn dẫn đến mất ổn định, làm sạt lở bờ kênh kéo theo sụp lún mặt đường.
Ngoài tuyến lộ Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, rà soát mới đây từ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, hạn hán dẫn đến tình trạng khô, cạn nước trên các kênh rạch gây sụp lún 147 tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tổng chiều dài hơn 14.300 m. Trong số đó, có 112 tuyến đường bê-tông nông thôn với chiều dài hơn 11.500m. Tình trạng tương tự nêu trên từng xảy ra vào cao điểm mùa khô hạn năm 2016, gây nên hơn 220 vụ sụp lún làm hư đường giao thông, cụm tuyến dân cư và công trình thủy lợi của tỉnh Cà Mau. Trong đó, mức độ sụp, lún đất làm hư hại nặng nề về công trình giao thông với tổng chiều dài hơn 40km, kinh phí khắc phục hàng chục tỷ đồng.
Ngoài tác động bất lợi đến kết cấu đường xá, tình trạng khô cạn ở các tuyến kênh, rạch còn phương hại đến các công trình thủy lợi vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau. Khuya ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (ngày 14-1), chênh lệch nước quá lớn bên ngoài sông Ông Đốc khiến nước mặn chảy lòn qua đáy cống Trùm Thuật Nam (ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời). Sáng ra, khi phát hiện sự việc thì nước mặn đã tiến sâu vào kênh trục trữ nước ngọt của xã Khánh Hải. Cá đồng gặp nước mặn nổi đầu lờ đờ, người dân trong vùng thu được hàng chục tấn cá làm khô ăn Tết. Đến nay, sự cố trên cơ bản đã được khắc phục nhưng người dân và cả cơ quan chức năng vẫn còn nơm nớp, phập phồng...
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết, không riêng gì cống Trùm Thuật mà phần lớn hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt dọc tuyến đê Sông Đốc trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, đa phần được thiết kế theo công nghệ cống vùng thủy triều thấp, khoảng 1,2m. Do nắng hạn gay gắt nên kênh rút nước nhanh chỉ còn khoảng 0,3m, trong khi nước mặn bên ngoài lên cao, chênh lệch mực nước có lúc hơn 2m, gây áp lực làm nước chảy xoáy, xói lở phần dưới đáy cống. Vị trí xói lở ngày càng khoét rộng hơn phía dưới bản đáy cống gây nên tình trạng mặn xâm nhập vào vùng ngọt.
Trái ngược với kênh rạch khô kiệt, mực nước ngoài các cống ngăn mặn-giữ ngọt của Cà Mau đang dâng cao và độ mặn tăng từ 13 đến hơn 27 phần nghìn. Ông Hoai lo lắng, tình trạng mực nước chênh lệch quá lớn không chỉ đe dọa rò rỉ nước mặn vào trong vùng ngọt mà nhiều khả năng sẽ gây áp lực làm hư hỏng cống ngăn mặn, khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, phá vỡ hệ sinh thái ngọt, đặc biệt là hơn 42 nghìn ha rừng tràm U Minh hạ đang vào cao điểm khô hạn gay gắt.
Hơn chục nghìn hộ “khát nước”
Hạn hán gay gắt tại Cà Mau có thể khiến hơn chục nghìn hộ dân thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và ăn uống. Theo thống kê từ Sở NN-PTNT Cà Mau, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 3.568 hộ thiếu nước sinh hoạt do bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Dự báo đến hết mùa khô năm 2020, số hộ “khát nước” sẽ tăng lên hơn 13.500 hộ, tập trung nhiều ở các xã vùng ngọt của tỉnh Cà Mau.
Nước sinh hoạt liên quan vấn đề sức khỏe. Thời gian qua. được chính quyền tỉnh Cà Mau đặc biệt lưu tâm. Bằng nhiều nguồn vốn, đến nay, Cà Mau đã đầu tư được 240 công trình cấp nước phục vụ người dân vùng nông thôn. Nhờ đó, hơn 90,56% cư dân vùng nông thôn của tỉnh có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận cư dân vùng nông thôn “khát nước” do điều kiện địa chất chưa khoan được giếng nước, hoặc vùng đó chưa có trạm cấp nước tập trung, hoặc có nhưng cư dân sinh sống phân tán nhỏ lẻ, nước ở trạm chưa kéo được đến tận nơi.
Ngoài nguyên nhân nêu trên, lướt qua vùng ngọt Cà Mau, hiện vẫn còn một số công trình cấp nước vùng nông thôn tuy đã đầu tư nhưng qua nhiều năm xuống cấp, thậm chí hư hỏng nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa kịp thời. Điển hình như một số công trình cấp nước tập trung trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời).
Theo ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, khó khăn nhất về nước sinh hoạt là địa bàn ấp 1 của xã. “Dù đa phần người dân đã sử dụng nước nối mạng nhưng khối lượng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Để bảo đảm đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, người dân ở đây phải chia cữ lấy nước, tức một số hộ này sử dụng thì một số hộ khác phải tạm ngưng”, ông Ngạn chia sẻ.
Theo cảnh báo, tình hình hạn hán, xâm mặn năm nay sẽ khốc liệt hơn cả mùa khô 2015-2016, kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp và khó lường. Bởi vậy, song hành với các giải pháp phòng, chống đại dịch toàn cầu, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cần thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm mặn gây ra, để đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân địa phương đỡ bị xáo trộn…
Dự báo tình trạng khô hạn còn kéo dài nên nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch và sụt lún các tuyến đường giao thông bộ trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì thế, lãnh đạo UBND tỉnh giao sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với sở, ngành có liên quan tiến hành khảo sát, xem xét đánh giá tình hình sạt lở, sụt lún để có ý kiến tham mưu, chỉ đạo trong thời gian sớm nhất - Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43181902-qua-vung-han-man-ca-mau.html