'Quái kiệt' Dell từng trốn học để theo đuổi ước mơ máy tính

Lên đại học, Michael Dell bỏ ngang giữa chừng, mày mò tìm hiểu về máy tính và 'săn' kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn; từ đó, tạo dựng nên 'đế chế' của riêng mình.

Ở tuổi 15, Dell bắt đầu quan tâm đến máy tính. Sau khi mua chiếc máy đầu tiên - một chiếc Apple 2, mẫu phổ biến vào thời điểm đó - ông đã tháo rời và giải thích với cha mẹ rằng mình muốn tìm hiểu hoạt động bên trong. Mày mò một thời gian, ông đã tìm ra cách nâng cấp và cải tiến nó, sau đó giúp bạn bè cùng hàng xóm nâng cấp máy của họ.

Năm 1983, ông đăng ký Đại học Texas, cốt yếu để xoa dịu cha mẹ. Tuy nhiên, ông không chú ý đến việc học mà dành thời gian để nâng cấp những chiếc máy tính IBM và bán lại với giá cao hơn. Khi còn là sinh viên năm nhất, Dell đã kiếm được từ 50.000-80.000 USD một tháng - cao hơn so với các giáo sư trong trường.

Tiếp theo, ông bắt đầu dựng chiếc máy tính của riêng mình, Turbo PC, như cách ông gọi nó. Trong khi những nhà sản xuất máy tính khác sử dụng các nhà bán lẻ để phân phối sản phẩm, Dell đã marketing trực tiếp qua điện thoại để tránh mất khoản hoa hồng. Nhờ vậy, ông có thể cung cấp PC Turbo của mình với giá thấp hơn 40% so với IBM.

 Michael Dell tại một dây chuyền sản xuất máy tính của mình ở Austin năm 1989. Ảnh: Washington Post.

Michael Dell tại một dây chuyền sản xuất máy tính của mình ở Austin năm 1989. Ảnh: Washington Post.

Công việc kinh doanh nhanh chóng cất cánh. Cứ sau vài tháng Dell phải chuyển đến trụ sở lớn hơn và thuê thêm nhân viên để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm. Ông quả quyết rằng những khách hàng muốn mua máy tính không nhất thiết phải thông qua nhà bán lẻ. Các đại lý làm tăng chi phí, lại thiếu kiến thức và chuyên môn để tư vấn cho khách hàng, nên tốt hơn là nói chuyện thẳng với một chuyên gia CNTT qua điện thoại.

Do một số khách hàng ngần ngại mua máy tính qua điện thoại, Dell chấp nhận trả hàng đã mua trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao hàng nếu không hài lòng. Ông cũng cung cấp chế độ bảo hành và đường dây nóng 24 giờ để trả lời các câu hỏi cũng như đưa ra lời khuyên xử lý sự cố.

Dell không coi tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của mình là nhược điểm mà ngược lại, ông biến chúng thành lợi thế. “Tôi không biết tất cả mọi thứ, nhưng đó hóa ra là một thế mạnh... Việc không bị các quan điểm truyền thống ràng buộc cực kỳ hữu ích”, ông khẳng định. Đối với các vấn đề kinh doanh mà bản thân không thể xử lý, ông sẽ “săn” những giám đốc điều hành dày dặn kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn.

Michael Dell không chỉ bán trực tiếp cho khách hàng sử dụng. Ông không mất nhiều thời gian để nhìn ra lợi ích của mô hình kinh doanh doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Các công ty lớn như Boeing, Arthur Andersen hay Dow Chemical cũng đánh giá cao mức giá thấp và dịch vụ khách hàng tuyệt vời của Dell. Với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc 250% hàng năm trong những năm đầu tiên, Dell trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất trong lịch sử Mỹ, đánh bại cả những công ty nổi tiếng thế giới như Walmart, Microsoft hay General Electric.

[...]

Ai sẽ nghiêm túc nhìn nhận tham vọng của một thanh niên 18 tuổi - trở thành doanh nhân để đánh bại gã khổng lồ IBM trong chính ngành của họ? Hết lần này đến lần khác, những người xung quanh khuyên ông nhắm đến một điều gì đó thực tế hơn. Ông khiến cha mẹ phiền lòng vì bỏ ngang đại học, không chịu theo chân cha mình học y. Khi Dell lần đầu tiên nảy ra ý tưởng bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, kế hoạch này cũng vấp phải nhiều hoài nghi. Mọi người có thực sự sẵn lòng mua một thiết bị đắt tiền qua điện thoại hay không?

Giống như Arnold Schwarzenegger và Ray Kroc, Dell đặt cho mình những mục tiêu cao cả cùng thách thức hơn nhiều người khác. Thành công cuối cùng đã chứng minh ông đúng. Nếu có những mục tiêu ít tham vọng hơn, chưa chắc ông đã thành ông như vậy.

Rainer Zitelmann / Alpha Book và NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quai-kiet-dell-tung-tron-hoc-de-theo-duoi-uoc-mo-may-tinh-post1226794.html