'Quái kiệt điện ảnh' Kim Ki Duk và những bộ phim gai góc bậc nhất

Kim Ki Duk là một trong những đạo diễn tiêu biểu của điện ảnh Hàn Quốc. Trong sự nghiệp, ông đã đạo diễn 25 tác phẩm để lại ấn tượng mạnh mẽ với giới phê bình và khán giả quốc tế.

Crocodile (1996): Crocodile là phim đầu tay của Kim Ki Duk, cũng là tác phẩm dự báo sự nghiệp lẫy lừng của ông. Nhan đề phim cũng là biệt danh của gã đàn ông bạo lực và nóng tính sống dưới gầm một cây cầu bắc ngang sông Hàn. Hắn ở đó cùng hai người “trợ thủ” một trẻ, một già. "Cá sấu" bắt đứa trẻ đi bán kẹo trong công viên, và ăn cắp tư trang từ những cái xác tự tử trôi sông. "Cá sấu" cứu được một cô gái nhảy cầu tự tử, và cưỡng hiếp cô. Kim Ki Duk đã dựng nên một xã hội loài người vận hành trên cơ chế mạnh được yếu thua, với nhân vật chính đồng thời là kẻ phản diện đáng khinh nhất. Ảnh: Joyoung Films.

The Isle (2000): Trong phim, Hee Jin (Suh Jung) mưu sinh bằng nghề cho khách câu cá thuê nhà nổi trên hồ. Người phụ nữ trẻ đẹp cũng kiêm nghề mại dâm nếu được yêu cầu. Cuộc sống của cô cứ thế bình lặng trôi đi, cho tới khi Hyun Shik (Kim Yu Seok) xuất hiện. Giữa hai người nhanh chóng hình thành quan hệ rối rắm pha trộn giữa nhục dục, tình yêu và sự vị kỷ. Kim Ki Duk đã đưa vào The Isle những cặp hình ảnh đối lập: Hồ nước nên thơ với căn nhà nổi tồi tàn, sự giàu có của khách làng chơi trái ngược với cặp tình nhân nghèo khó, cảnh tự hủy hoại đau đớn lại xảy ra ngay trước khung cảnh tĩnh lặng như cõi thiên thai. Ảnh: Myung Films.

Address Unknown (2001): Chuyện phim lấy bối cảnh năm 1970, trong một khu làng hẻo lánh gần căn cứ quân sự Mỹ. Nhân vật chính Chang Gook (Yang Dong Kun) là một người con lai. Mẹ Chang Gook thường xuyên gửi thư cho bố anh tại Mỹ, nhưng chúng đều bị gửi trả vì không có địa chỉ nhận. Chuyện phim thêm phần rối rắm khi có sự xuất hiện của một người lính Mỹ (Mitch Malem), Eun Ok (Ban Min Jeong) - cô gái bị hỏng một mắt và cậu trai cô đơn Ji Hum (Kim Young Min). Kim Ki Duk được khen ngợi hết lời vì đã tái hiện được trên màn ảnh một câu chuyện đầy bạo lực và đau đáu những nỗi niềm hậu chiến. Ảnh: Tube Entertainment.

Bad Guy (2001): Han Gi (Cho Jae Hyun), một tay ma cô kiệm lời, đã cố tìm cách hôn cô sinh viên Sun Hwa (Seo Won) giữa đường. Hành vi khiến gã bị dần cho nhừ tử và nhận những lời nguyền rủa từ người đẹp. Han Gi tìm cách đặt bẫy Sun Hwa, khiến cô sinh viên trở thành gái bán dâm. Mỗi khi Sun Hwa hành nghề, Han Gi đều bí mật quan sát cô qua một tấm gương đôi từ căn phòng bên cạnh. Bad Guy cho thấy quan điểm của Kim Ki Duk về cách biệt giai cấp cũng như những hành vi điên cuồng, vô đạo mà một người có thể làm nhân danh tình yêu. Ảnh: CJ.

Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring (2003): Trong phim, một nhà sư khắc kỷ và chú tiểu sống lặng lẽ dưới mái chùa thanh vắng dựng lên giữa hồ. Khi lớn lên, chú tiểu bỏ đi theo một người phụ nữ, rồi lâm cảnh tù tội. Nhiều năm sau, anh quay về ngôi chùa cũ. Một người phụ nữ tới và bỏ lại đứa con sơ sinh, bắt đầu vòng tròn sự kiện mới. Thông qua tác phẩm, Kim Ki Duk đã thể hiện góc nhìn của mình về nhân sinh và Phật giáo. Với ông, thiền và giác ngộ biến bạo lực, dù ở bất cứ hình thức nào, thành hư vô. Kim Ki Duk dành Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring để tập trung thể hiện vẻ đẹp của sự sống, thiên nhiên và đạo pháp. Ảnh: Pandora Film.

Samaritan Girl (2004): Yeo Jin (Kwak Ji Min) và Jae Yeong (Seo Min Jeong) là hai cô bạn thân. Họ lên kế hoạch cùng đi du lịch châu Âu. Để kiếm tiền cho chuyến đi, Jae Young trở thành gái mại dâm. Còn Yeo Jin đóng vai người môi giới, cảnh giới kiêm bảo kê cho bạn. Trong một lần bị cảnh sát truy đuổi, Jae Yeong đã nhảy khỏi cửa sổ và chết. Bị sốc trước cái chết của bạn, Yeo Jin tìm lại những người khách từng đến với Jae Yeong, quan hệ và trả lại họ số tiền mua dâm trước kia. Samaritan Girl là một trong những bộ phim ít màu sắc bạo lực nhất trong sự nghiệp Kim Ki Duk, dù câu chuyện vẫn mang đủ màu sắc cay đắng, bi kịch thường thấy. Ảnh: Kim Ki Duk Film.

3-Iron (2004): Tae Suk (Jae Hee) thường tới sống trong những căn hộ vắng chủ. Khi đột nhập vào căn nhà nọ lúc chủ đi công tác, anh phát hiện người vợ bị bạo hành Sun Hwa (Lee Seung Yeon) bị giam lỏng bên trong. Họ quyết định bỏ trốn cùng nhau và bị chồng Sun Hwa truy đuổi. 3-Iron được đánh giá là phim dễ xem nhất của Kim Ki Duk. Không khí lãng mạn nồng nàn, hai nhân vật chính hầu như im lặng, cốt truyện đan cài những tình tiết siêu thực là ba điểm đặc sắc của tác phẩm chính kịch, lãng mạn. Ảnh: Kim Ki Duk Film.

The Bow (2005): Trong The Bow, một thiếu nữ và người đàn ông lớn tuổi đã sống cùng nhau suốt 10 năm trên con thuyền lênh đênh giữa biển. Người đàn ông hứa sẽ cưới thiếu nữ khi cô tròn 17 tuổi. Dự định của ông đổ bể vào ngày một cậu sinh viên trẻ cùng nhóm ngư dân đặt chân lên thuyền. The Bow là tác phẩm điện ảnh tối giản, với bối cảnh chính bó hẹp trong không gian một con thuyền. Hình ảnh thiếu nữ dự đoán tương lai bằng cách đánh đu trước bức tranh vẽ bên hông thuyền, còn người đàn ông lớn tuổi bắn ba mũi tên về phía cô, đã trở thành hình ảnh kinh điển của màn ảnh rộng Hàn Quốc. Ảnh: Kim Ki Duk Film.

Pietà (2012): Bộ phim lấy bối cảnh một khu phố cơ khí nghèo giữa trung tâm Seoul. Kang Do (Lee Jung Jin) là gã mồ côi làm nghề đòi nợ thuê khét tiếng máu lạnh. Hắn bị một người phụ nữ tự xưng là mẹ bám theo và ân cần chăm sóc. Từ chỗ điên cuồng tìm cách trả thù mẹ, tay đòi nợ thuê máu lạnh bắt đầu khao khát tình yêu thương từ bà. Pietà là tác phẩm thương mại nhất của Kim Ki Duk. Dù có sự cải tiến rõ rệt về công nghệ ghi hình và cách dẫn chuyện, phim vẫn phản ánh tinh thần chung của Kim Ki Duk: Thế giới là nơi xấu xa, đầy rẫy bất hạnh, con người sống trong đó chỉ có thể là kẻ đi săn hoặc con mồi. Ảnh: Kim Ki Duk Film.

Moebius (2013): Trong phim, một người phụ nữ phát hiện chồng ngoại tình. Để trả đũa, cô đã khiến con trai tàn phế và bỏ trốn. Người cha, đau đớn và nhục nhã, bắt tay vào tìm cách chữa trị cho con. Còn cậu con trai, trở thành nạn nhân của trò bắt nạt học đường, đã bắt đầu kế hoạch trả thù của riêng mình. Kim Ki Duk thực hiện Moebius để gây sốc, và ông đã thành công. Các nhân vật trên phim bộc lộ dấu hiệu của nhiều hội chứng tâm lý biến thái phức tạp. Để buộc khán giả tập trung vào phần hình ảnh, Kim Ki Duk lựa chọn cách tiết chế, thậm chí loại bỏ lời thoại trong nhiều cảnh. Ảnh: Kim Ki Duk Film.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quai-kiet-dien-anh-kim-ki-duk-va-nhung-bo-phim-gai-goc-bac-nhat-post1162397.html