Sò tai tượng khổng lồ là loài trai lớn nhất trong ngành thân mềm. Chúng có thể cao đến 1,3 mét – ngang với một em bé 3 tuổi, và cân nặng lên đến hơn 200 kg. Vỏ trai đôi khi có nhiều màu sắc lạ mắt.
Sò tai tượng khổng lồ là một loài trai có vỏ cứng, dày và có từ 4-7 nếp gấp dọc trên vỏ. Vỏ của sò tai tượng khổng lồ cũng là nơi trú ẩn của nhiều loài cá nhỏ sống trong rạn san hô.
Bên trong lớp vỏ là lớp màng áo gồm nhiều màu. Trong đó có thể có màu nâu đồng, vàng hoặc xanh lá cây. Không bao giờ có hai chú sò tai tượng có cùng một kiểu màu sắc trên màng áo. Những chấm nhỏ trên màng áo có vai trò như những chiếc “cửa sổ” để ánh sáng mặt trời lọt vào.
Lớp màng áo của sò tai tượng nối với hai ống dẫn ra môi trường bên ngoài: một ống hút nước vào trong và hấp thụ phù du trôi nổi, ống còn lại đưa nước đã lọc ra bên ngoài. Mỗi ngày sò tai tượng có thể lọc đến cả trăm lít nước.
Khả năng lọc nước tự nhiên này khiến cho sò tai tượng hấp thụ các chất độc hại trong nước biển như ammoniac, nitrat,… giúp duy trì sự cân bằng hệ sinh thái nơi chúng sinh sống.
Sò tai tượng khổng lồ đạt đến kích cỡ to lớn của mình nhờ cách tiêu thụ đường và protein sản xuất ra từ hàng tỉ cá thể tảo sống trong mô của nó. Ngược lại, chúng cung cấp cho những cá thể tảo này một nơi lưu trú an toàn, thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để quang hợp.
Sò tai tượng làm điều đó bằng cách hé mở lớp vỏ của mình ra, để lộ lớp màng áo nhiều màu của mình. sò tai tượng cũng sử dụng ống hút vào trong để hấp thụ phù du trôi nổi quanh mình.
Đây là một loài động vật rất hiền lành và chuyển động rất chậm. sò tai tượng chỉ từ từ thu mình vào vỏ khi có người đến gần.
Sò tai tượng khổng lồ là loài lưỡng tính, chúng có cả cơ quan sinh dục đực và cái, nhưng không thể tự thụ tinh. Sò tai tượng khổng lồ đẻ trứng và phóng tinh trùng ra nước và được thụ tinh bởi con trai khác.
Sò tai tượng khổng lồ chỉ có một cơ hội duy nhất trong đời để tìm cho mình nơi sinh sống ưng ý. Chúng không bao giờ “chuyển nhà”: khi tìm được một rạn san hô phù hợp, chúng sẽ ở đó cả đời.
Đối với những loại sò nhỏ chỉ 5-20 kg/con thì thợ lặn sẽ dùng xà beng chọt, nạy ra và mang lên tàu cạy bỏ thịt để lấy vỏ bán. Còn loại sò lớn nặng cả trăm kg/con thì phải 2-3 thợ lặn thay nhau đục, nạy… sau đó sẽ dùng neo tàu móc vào để máy kéo lên. Thậm chí có con phải dùng cần cẩu để đưa lên khỏi mặt nước vì chúng quá nặng.
Giá bán sò tai tượng phụ thuộc vào kích cỡ và trọng lượng vỏ, dao động từ 10 - 60 triệu đồng/con. Trung bình với mỗi chuyến khai thác sò tai tượng, các tàu kiếm được khoảng từ 500-700 triệu đồng/chuyến, thậm chí có thể lên đến tiền tỷ.
Mời các bạn xem video: Top 10 Loài Động Vật Sống Lâu Nhất Trái Đất. Nguồn: Yan News.
Thùy Dung (T.H)