'Quái thú thép' và lịch sử thăng trầm thời Chiến tranh Lạnh
Lịch sử thế giới đã có bước chuyển mạnh mẽ vào tháng 8-1945, khi Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Thế giới bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh với việc các siêu cường chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân, cũng như phương tiện chuyên chở đặc biệt có khả năng mang nó tấn công đối thủ. Đây chính là tiền đề quan trọng để 'Quái thú thép' Tu-95 ra đời cách đây 68 năm.
Thực hiện chuyến bay đầu tiên trước Pháo đài bay B-52
Trong năm 1944, một số máy bay ném bom tầm xa B-29 của Mỹ đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống vùng Viễn Đông. Ở thời điểm đó, Liên Xô chưa sở hữu loại vũ khí có tính năng tương tự. Theo yêu cầu của lãnh đạo I. Stalin, tổng công trình sư Andrey Tupolev đã nhận nhiệm vụ tạo ra dòng máy bay ném bom tương tự như chiếc B-29 của Mỹ.
Kết quả của quá trình này là sự ra đời của máy bay ném bom Tu-4 vào tháng 5-1947. Tuy nhiên, Tu-4 chưa thể coi là máy bay ném bom tầm xa của Liên Xô, khi tầm bay chỉ đạt khoảng 5.000km. Trong 3 năm sau đó, tổ hợp thiết kế Tupolev tiếp tục phát triển dòng máy bay ném bom mới có tầm hoạt động tới Tây Âu. Tới năm 1951, nguyên mẫu máy bay ném bom có tên mã 85 được giới thiệu và thử nghiệm. Nó là một chiếc máy bay khổng lồ vào thời điểm đó với 4 động cơ đốt trong và tầm bay đạt tới 12.000km. Tuy nhiên, một vấn để khác lại phát sinh chính là kỷ nguyên của máy bay chiến đấu phản lực có khả năng bay vượt tường âm thanh. Điều này lại đặt ra cho các chuyên gia hàng không Liên Xô về máy bay ném bom hạng nặng có khả năng tương ứng.
Cũng trong đầu những năm 1950, Mỹ bắt đầu phát triển máy bay ném bom mới là Boeing B-52 Stratofortress. Sử dụng cơ cấu khí động cánh xuôi, 8 động cơ turbin cánh quạt giúp máy bay B-52 đạt tốc độ bay tới 950km/giờ và tầm bay đạt 12.000km. Căn cứ vào thông tin về máy bay ném bom mới của Mỹ, tổng công trình sư Vladimir Myasishchev đã đề xuất phương án chế tạo máy bay ném bom có tính năng tương đương với B-52. Dù vấp phải nhiều ý kiến phản đối, nhưng cuối cùng, Vladimir Myasishchev cũng đã bảo vệ được quan điểm của mình về việc phát triển máy bay ném bom tầm xa với động cơ phản lực cánh quạt mới.
Một điểm khá may mắn là vào thời điểm đó, Văn phòng thiết kế Nikolai Kuznetsov đang có sẵn mẫu động cơ phản lực cánh quạt TV-2F công suất 6.250 mã lực và thiết kế động cơ phản lực kép NK-12 có sức mạnh gần gấp đôi, nhưng nặng nề hơn. Do sự gấp rút trong quá trình thiết kế, thiết kế ban đầu của máy bay Tu-95 được trang bị 2 động cơ TV-2F với tên mã 2TV-2F, cung cấp tổng lực đẩy khoảng 12.000 mã lực.
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ của Tổ hợp thiết kế Tupolev, nguyên mẫu đầu tiên của máy bay Tu-95 đã cất lần đầu tiên vào ngày 12-11-1952, sớm hơn thời điểm B-52 được ra mắt 2 tháng. Tới năm 1957, mẫu Tu-95M được giới thiệu với hình dáng tương tự còn tới ngày nay. Mẫu Tu-95M được trang bị động cơ phản lực kép NK-12M cung cấp sức mạnh 15.000 mã lực. Công nghệ mới giúp khối thép nặng 182 tấn (khi đầy tải) có thể đạt tốc bay tối đa tới 880km/giờ, tầm bay đạt gần 15.000km (đường kính Trái đất là 12.000km). Tu-95M được vũ trang với 12 tấn bom mang theo; 6 ụ súng máy 23mm và kíp điều khiển 9 người. Sau quá trình bay thử nghiệm, nó được giới chức Liên Xô đánh giá là vũ khí tấn công hoàn hảo. Tuy nhiên, Tu-95M vẫn còn một số vấn đề nhỏ về khoang động cơ quá hẹp khiến việc khởi động máy bay mất nhiều thời gian; không có ghế phóng thoát hiểm và chỗ ngồi cho phi hành đoàn không thoải mái... Vì hình dạng kỳ quái khi ra mắt, Tu-95 được đặt biệt danh là Bear (Quái thú thép). Từ thời điểm đó, các phi đội Tu-95 là một phần không thể thiếu của lực lượng không quân chiến lược Liên Xô và Liên bang Nga hiện nay.
Máy bay ném bom gắn với những mốc lịch sử đáng nhớ của Liên Xô
Cuối những năm 1950, Liên Xô đã lên ý tưởng lắp lò phản ứng hạt nhân lên máy bay để biến chúng thành cỗ máy hoạt động không có giới hạn địa lý. Máy bay Tu-95 chính là phương tiện hàng không tham gia quá trình thử nghiệm đặc biệt này. Thiết kế của lò phản ứng hạt nhân đầu tiên quá lớn để lắp đặt lên máy bay. Sau nhiều sửa đổi, nguyên mẫu lò phản ứng đã được lắp đặt lên máy bay Tu-95, nhưng điều này buộc máy bay phải bỏ một số ụ súng phòng không ở phần thân. Năm 1961, chiếc Tu-95 với lò phản ứng hạt nhân tích hợp bay thử lần đầu tiên. Tuy nhiên, hướng phát triển này sớm bị loại bỏ do những vấn đề về an toàn phóng xạ đối với kíp lái, cũng như sự không ổn định của lò phản ứng trong điều kiện hoạt động trên không.
Máy bay Tu-95 cũng là dòng máy bay được tham gia vào quá trình phát triển bom nhiệt hạch có sức hủy diệt khủng khiếp của Liên Xô. Vào ngày 30-10-1961, chiếc Tu-95V (thiết kế chuyên biệt cho các vụ thử hạt nhân) đã mang và thả quả bom nhiệt hạch với tên gọi Tsar xuống hòn đảo ở Novaya Zemlya. Quả bom được thả ở độ cao 10,5km và phát nổ ở độ cao 4km. Vụ nổ tạo ra cột khói hình nấm khổng lồ lên độ cao 67km và sóng nhiệt, sóng xung kích lan tỏa rộng hàng trăm km. Sau vụ nổ, chiếc Tu-95V hoàn toàn mất liên lạc với trung tâm chỉ huy trong vòng 40 phút. Sau khi trở về sân bay, nhiều phần vỏ của máy bay bị cháy đen do tia phóng xạ và nhiệt. Chính vụ thử nghiệm bom Tsar đã cho các siêu cường thấy rằng cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân chỉ dẫn tới kết quả cuối cùng là hủy diệt hành tinh. Sau đó, Mỹ và Liên Xô đã ngồi vào bàn đàm phán khởi động tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Dưới thời Liên Xô, các phi đội máy bay ném bom tầm xa Tu-95 được đóng tại các căn cứ Uzin (gần Kiev), Semipalatinsk ở Kazakhstan và Mozdok ở Bắc Kavkaz và có khả năng bay tới bất kỳ địa điểm nào trên Trái đất trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Những thập kỷ sau đó, sự phát triển của vũ khí phòng không hiện đại đã giảm bớt phần nào sự đe dọa của các máy bay ném bom tầm xa, nhưng với vai trò răn đe chiến lược, chúng vẫn đóng vai trò quan trọng cho tới ngày nay. Không quân Nga hiện trang bị phiên bản Tu-95MS. Trong năm 2010, phi đội máy bay Tu-95MS đã thực hiện chuyến bay dài 30.000km trong 43 giờ. Chuyến bay đã một lần nữa khẳng định các đặc điểm kỹ-chiến thuật tuyệt vời của “Quái thú thép” sau nhiều thập kỷ phục vụ.