'Quái vật biển Caspi' hồi sinh
Sau hơn 3 thập kỷ nằm gỉ sét, 'Quái vật biển Caspi' được hồi sinh để làm điểm tham quan du lịch, cùng với đó là các kế hoạch đưa phương tiện hiệu ứng mặt đất trở lại hoạt động.
Nằm trên bờ biển Caspi, vật thể này giống như một con quái vật khổng lồ trên mặt nước. Nó không giống một thứ có thể bay, nhưng thực sự nó từng tung cánh bay, dù đã rất lâu rồi, CNN mô tả.
Sau hơn 3 thập kỷ im lìm, quái vật biển Caspi lại tiếp tục di chuyển. Nó là một trong những phương tiện bay đắt nhất từng được chế tạo. Nó đang hoàn thành những gì có thể là hành trình cuối cùng của nó.
Trước đó vào tháng 7, sau 14 giờ lênh đênh trên biển, một đội tàu gồm 3 tàu kéo và hai tàu hộ tống đã chậm rãi di chuyển dọc theo bờ biển Caspi, để đưa chiếc máy bay đến bờ biển cực nam của nước Nga.
Tại nơi đây, bên cạnh thành phố Derbent cổ kính, thuộc Cộng hòa Dagestan, thuộc Nga, chiếc Ekranoplan, lớp Lun nặng 380 tấn đã tìm thấy ngôi nhà mới vững chãi. Phương tiện bay từng được mệnh danh là “Quái vật biển Caspi” bị bỏ rơi sau khi Liên Xô tan rã. Nó bị bỏ không, gỉ sét tại căn cứ hải quân Kaspiysk, khoảng 100 km từ Derbent.
Tuy nhiên, trước khi bị chìm vào quên lãng, chiếc máy bay đã được giải cứu nhờ kế hoạch biến nó thành điểm du lịch.
Tốc độ và tàng hình
Phương tiện hiệu ứng mặt đất, còn gọi là Ekranoplan - một kiểu lai giữa máy bay và thủy phi cơ. Chúng lướt trên mặt biển, nhưng không thực sự tiếp xúc với nước. Tổ chức hàng hải quốc tế phân loại chúng là tàu, nhưng trên thực tế, phương tiện này lướt trên mặt nước ở độ cao 1-5 m.
Sự kết hợp giữa tốc độ nhanh và khó phát hiện do bay sát mặt biển đã thu hút sự quan tâm của quân đội Liên Xô. Họ đã thử nghiệm một số phiên bản của ý tưởng này trong những năm Chiến tranh Lạnh.
Việc triển khai thử nghiệm ở khu vực biển Caspi nằm giữa Liên Xô và Iran khiến chúng được gọi là “Quái vật biển Caspi”. Ekranoplan, lớp "Lun", là một trong những thiết kế cuối cùng trong chương trình phương tiện hiệu ứng mặt đất của Liên Xô.
Nó dài hơn siêu máy bay chở khách Airbus A380 và cao gần bằng. Bất chấp trọng lượng và kích thước khổng lồ, chiếc Lun có khả năng đạt tốc độ tới 550 km/h, nhờ 8 động cơ phản lực mạnh mẽ.
Cỗ máy đáng gờm này thậm chí còn có thể cất cánh và hạ cánh trong điều kiện mưa bão với sóng biển cao tới 2,5 m. Nhiệm vụ dự kiến của nó là tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng vào hạm đội tàu sân bay của Mỹ với 6 tên lửa chống hạm tốc độ cao.
Ngôi sao của Công viên Patriot
Chiếc Ekranoplan được chuyển đến Derbent là chiếc duy nhất của lớp Lun được chế tạo hoàn chỉnh và đi vào hoạt động năm 1987.
Sau hơn 30 năm không hoạt động, việc di chuyển "Quái vật biển Caspi" không phải là nhiệm vụ dễ dàng, đòi hỏi sự hỗ trợ của các phao cao su và sự phối hợp của đội tàu kéo chuyên nghiệp.
Lun sẽ là ngôi sao của Công viên Patriot, một bảo tàng quân sự, nơi trưng bày các loại thiết bị quân sự của Liên Xô cũ và Nga hiện nay. Việc xây dựng công viên dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2020. Hiện tại, Lun sẽ nằm trên bãi biển.
Nó được thiết lập để trở thành một điểm nhấn mới cho khách du lịch đến thành phố Derbent - nơi được xem là khu định cư liên tục lâu đời nhất trên lãnh thổ Nga. Thành cổ và trung tâm lịch sử của nó đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Những kế hoạch hồi sinh
Các phương tiện hiệu ứng mặt đất không được ưa chuộng trong vài thập kỷ qua, nhưng một số công ty trên thế giới đang muốn hồi sinh khái niệm này cho mục đích thương mại.
Các nhà phát triển ở Singapore, Mỹ, Trung Quốc và Nga đang thực hiện các dự án khác nhau, nhằm mục đích đưa Ekranoplan trở lại cuộc sống.
Những năm 1990, Alexander Lippisch - một kỹ sư hàng không người Đức - đã phát triển mẫu thử nghiệm AirFish 3 với cánh tam giác ngược. Tuy nhiên, nó chưa bao giờ được thương mại hóa.
Wigetworks, một công ty của Singapore đã mua lại thiết kế AirFish 3 với nỗ lực thương mại hóa, phục vụ cho việc vận tải hành khách dọc theo các khu vực ven biển. Công ty đang giới thiệu 2 nguyên mẫu AirFish 8 có thể chở theo 8 hành khách.
Trung Quốc cũng đã cho ra đời mẫu thử nghiệm ekranoplan có tên là Tương Châu 1 cho mục đích thương mại. Nó đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2017. Những tiến bộ công nghệ và vật liệu mới đang mở ra cơ hội cho ekranoplan đi vào đời sống, vượt ra khỏi cái bóng của những mẫu thử nghiệm.
Tại Mỹ, Flying Ship, một công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi các nhà thầu tư nhân, đang nghiên cứu một phương tiện hiệu ứng mặt đất không người lái cho mục đích vận chuyển hàng hóa tốc độ cao.
Bill Peterson, giám đốc điều hành của Flying Ship, nói với CNN rằng nhóm của ông có kế hoạch đưa dự án vào hoạt động sau 7 năm.
Trong khi đó, Nga tiếp tục tham vọng hồi sinh "Quái vật biển Caspi" cho mục đích quân sự. Dự án Orlan được trang bị tên lửa dự định đưa vào hoạt động từ năm 2027. Gần 4 thập niên trôi qua kể từ khi mẫu thử nghiệm Korabl Maket chìm trong một vụ tai nạn, ekranoplan dù đã vẽ ra nhiều tương lai xán lạn, nhưng kỷ nguyên của nó vẫn còn khá xa vời.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quai-vat-bien-caspi-hoi-sinh-post1145738.html