'Quái xế' gây náo loạn đường phố: Cần uốn nắn, điều chỉnh hành vi lệch chuẩn
Trước thực trạng một bộ phận thanh, thiếu niên tụ tập, nẹt pô, lạng lách đánh võng gây mất trật tự an toàn giao thông, chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng đó là những hành vi lệch chuẩn, cần được uốn nắn, điều chỉnh.
Mạnh tay xử lý "quái xế" gây náo loạn đường phố
Tại tỉnh Quảng Trị thời gian qua nổi lên tình trạng một số trường hợp thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện có hành vi dàn hàng ngang, chạy tốc độ cao, nẹt pô, lạng lách đánh võng, "bốc đầu" gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông và bức xúc trong nhân dân.
Sự việc diễn ra trên đường Lê Thánh Tông, TP. Đông Hà mới đây làm người dân đi đường hoảng sợ. Theo đó, H.A.Đ. (SN 2008, học sinh lớp 10) điều khiển xe mô tô chở sau xe H.T.D (SN 2012) lưu thông có hành vi điều khiển xe chạy lạng lách, đánh võng làm nguy hiểm đối với người đi đường.
Qua xác minh, lực lượng chức năng lập biên bản đối với người điều khiển phương tiện và chủ xe. Sau khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sẽ gửi thông báo đến nhà trường để phê bình nhắc nhở đối với H.A.Đ.
Trước đó, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 5 giây ghi cảnh một cô gái bốc đầu xe mô tô tại tuyến đường Hùng Vương (TP. Đông Hà). Tiến hành xác minh, Đội CSGT-TT Công an TP Đông Hà xác định người điều khiển phương tiện trên là L.T.T.T (21 tuổi, trú tại TP Đông Hà).
Làm việc với cơ quan công an, T. thừa nhận hành vi vào đêm ngày 17/8 điều khiển xe mô tô bằng một bánh trên đường phố. Lực lượng chức năng sau đó tiến hành lập biên bản vi phạm, tạm giữ một GPLX và xe mô tô.
Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn xử lý các đối tượng là thanh thiếu niên thường xuyên chạy thành đoàn, rú ga, nẹt pô gây mất an ninh trật tự, vi phạm an toàn giao thông.
Lực lượng chức năng liên tục bắt giữ, lập biên bản nhiều thanh, thiếu niên có biểu hiện "chơi ngông" khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trong số này có cả các "nữ quái xế". Từ 15/12/2022 đến 15/8/2022, lực lượng chức năng xử lý hơn 550 trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị khuyến nghị phụ huynh có con em trong lứa tuổi thanh, thiếu niên cần phải xác định trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc thực hiện văn hóa giao thông. Đồng thời, phối hợp cùng lực lượng chức năng trong việc quản lý giáo dục con em khi tham gia giao thông cần chấp hành đúng các quy định.
Uốn nắn, điều chỉnh hành vi lệch chuẩn
Liên quan đến hành động tụ tập, nẹt pô, lạng lách đánh võng của một bộ phận thanh, thiếu niên, trao đổi với PV Gia đình và Xã hội,TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học sư phạm - Đại học Huế cho biết, đây là những hành vi lệch chuẩn, rất dễ gây nguy hiểm cho bản thân, người khác cần được uốn nắn, điều chỉnh.
Theo đó, có 2 nguyên nhân dẫn đến hành vi lệch chuẩn trong độ tuổi vị thành niên. Trong đó, trước hết, xuất phát từ mâu thuẫn trong chính đặc điểm tâm lý. Ở độ tuổi này, các em nhận thức chưa đầy đủ về hậu quả mà hành vi sai lệch của bản thân có thể gây ra, chưa biết cách thể hiện bản thân. Tuy nhiên, đây cũng là độ tuổi rất dễ bị kích động, thích thể hiện bản thân và muốn gây sự chú ý cho người khác.
Ngoài ra, sự quan tâm, chia sẻ, động viên chưa đầy đủ, kịp thời của gia đình, nhà trường và xã hội đối với những thay đổi, khó khăn mà các em gặp phải. Việc áp dụng phương pháp giáo dục chưa phù hợp, có quá ít các hoạt động lành mạnh để các em tham gia; không tham gia học tập một cách nghiêm túc hoặc kết quả học tập không tốt cũng là nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện các hành vi lệch chuẩn.
TS. Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ, thay đổi hành vi lệch chuẩn của các em trong độ tuổi thanh, thiếu niên là cấp thiết và cần xuất phát từ trong nhận thức. Trong đó, trước tiên, người lớn cần tôn trọng sự trưởng thành, những nét tâm lý riêng biệt của con em mình. Cha mẹ cần dành thời gian để trò chuyện, quan sát con nhiều hơn; từ đó, nắm bắt, nhận diện những biểu hiện bất thường trong thay đổi tâm sinh lý của con em mình và có sự hỗ trợ kịp thời để các em phát triển đúng đắn, toàn diện.
"Gia đình, nhà trường cần hỗ trợ, bổ sung cho các em những kiến thức về an toàn về giao thông, chỉ cho các em thấy được những hậu quả do hành vi đua xe, lạng lách đánh võng gây ra với bản thân và những người xung quanh…", TS. Nguyễn Thanh Hùng nói.