Quận 12: Người dân mong muốn được cấp mã số hẻm

Đó là nguyện vọng chính đáng của các hộ dân: Phạm Thị Hưng (SN 1971), Nguyễn Thanh Thụy An (SN 1976), Mạc Thị Thanh Loan (SN 1976), Lê Phan Thu An (SN 1976) và Phạm Ngọc Thành (SN 1986, cùng ngụ tại KP2, P.An Phú Đông, Quận 12, TPHCM).

Các hộ dân này đều đã được cấp "số đỏ”, từ tờ bản đồ số 57. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, họ đã làm đơn xin cứu xét gửi đến UBND phường và các cơ quan tham mưu của UBND Q12 để được cấp mã số hẻm. Vì có mã số hẻm thì người dân mới có cơ sở để chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm lên thổ cư, từ đó xây nhà để ở, an cư lạc nghiệp.

Công văn số 108/UBND- ĐT ngày 08/01/2018 của UBND Q12 ban hành, chấp thuận chủ trương quy định về lộ giới và quản lý đường hẻm, hướng dẫn các hộ đầu tư hạ tầng kỹ thuật hẻm trong các khu dân cư hiện hữu thuộc địa bàn KP2 (P.An Phú Đông) thì có 2 hộ dân (ông Thành và ông Lê) khi tách thửa đã hiến đất làm đường hẻm. Do không có tên hẻm nên người dân chỉ còn cách "dùng nhờ địa chỉ” vào căn nhà mặt tiền của ông Thanh tại số 369/12 đường Vườn Lài.

Lối vào hẻm nghèo, cạnh căn nhà số 396/12 đường Vườn Lài (KP2, P.An Phú Đông)

Lối vào hẻm nghèo, cạnh căn nhà số 396/12 đường Vườn Lài (KP2, P.An Phú Đông)

Có mặt tại thực địa, chúng tôi nhận thấy, con hẻm từ số nhà 369/12 đường Vườn Lài (KP2, P.An Phú Đông) dẫn vào hình thành trong khu vực thuộc quy hoạch đất ở, hiện không có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến phần đường hẻm hiện hữu. Hiện trạng con hẻm đã được các hộ dân đầu tư làm cống thoát nước, hố ga, đổ mặt đường bê-tông xi măng. Công ty Điện lực An Phú Đông đã thi công hoàn thiện cột điện, đường dây, đăng ký gắn điện kế 2 pha cho cả 5 hộ dân đưa vào sử dụng sinh hoạt. Công ty CP cấp nước Trung An cũng đã lắp đặt, thi công, nghiệm thu và bàn giao đồng bộ hệ thống nước máy cho các hộ sử dụng ổn định.

Nguồn gốc tạo lập hẻm hình thành từ việc hiến đất trong quá trình tách thửa cho năm hộ (một phần gồm thửa 36 cũ tờ bản đồ số 57 theo tài liệu 2005). Chi tiết các thửa còn lại có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 5 hộ dân.

Chiều dài hẻm, 5 hộ dân đồng ý giữ nguyên hiện trạng dài 52m theo công văn 108/UBND-ĐT ngày 08/01/2018 của UBND Q12. Chiều rộng trung bình của hẻm đồng thuận giữ nguyên theo hiện trạng 5m do đã có nhà kiên cố. Hiện nay, có 3 trên tổng số 5 hộ đại diện chủ hộ đang ở và sử dụng hẻm gồm 8 phòng trọ đang cho thuê, 3 hộ ở lều tạm, canh tác trông coi cây trồng và chăn nuôi gia súc gia cầm. Khoảng 25 nhân khẩu đang sinh sống trong con hẻm.

Anh Phạm Ngọc Thành bên căn lều tạm bợ

Anh Phạm Ngọc Thành bên căn lều tạm bợ

Mới đây, Phòng Quản lý đô thị Q12 có khảo sát lối đi vào con hẻm. Cán bộ của Phòng này cho biết, cây cầu bê-tông dẫn vào con hẻm bị yếu, yêu cầu 5 hộ dân sửa cầu để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi các hộ dân hỏi đơn vị xây dựng thì giá lên tới 1,5 - 2 tỷ đồng là quá sức chịu đựng của các hộ dân tại đây, khi họ là lao công, người làm mướn. Người dân cho rằng, việc sửa cầu để được cấp mã số hẻm là không cần thiết vì những người dân trong hẻm đều không có điều kiện kinh tế, chỉ đi xe máy.

"Nay chúng tôi mong mỏi, khát khao có một mái ấm, căn nhà để ở, nơi sinh hoạt và học tập cho năm gia đình và các cháu nhỏ. Người dân hy vọng chính quyền chia sẻ bớt khó khăn vất vả cho cảnh đi thuê mướn suốt hàng chục năm. Các hộ dân tha thiết kính mong lãnh đạo, chính quyền các cấp, xem xét lắng nghe, thông cảm, có ý kiến chỉ đạo giúp đỡ, tạo điều kiện thông thoáng hơn, tháo gỡ cho người dân nỗi bức bách này" - anh Thành, một người dân nói.

Mong muốn được cấp mã số hẻm của 5 hộ dân nêu trên là hoàn toàn chính đáng để có nơi ở ổn định, con cái được học hành. Chính quyền Q12 nên sớm xem xét nguyện vọng này.

ĐĂNG NGUYÊN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nguoi-dan-mong-muon-duoc-cap-ma-so-hem_167459.html