Quần áo 'made in China' không còn bị kỳ thị

Quần áo mang nhãn 'made in China' thường được xem là kém chất lượng. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu đang dần xóa bỏ định kiến này.

Thương hiệu Shang Xia của nhà thiết kế trẻ gốc Trung Quốc Yang Li đã trình làng bộ sưu tập Xuân Hè 2022 tại Tuần lễ thời trang Paris. Người mẫu bước đi trên nền nhạc điện tử lo-fi, diện trang phục cắt may tinh xảo.

Nhà phê bình thời trang Godfrey Deeny đã gọi đây là “sự pha trộn giữa phương Đông và Tây” và xếp nó trong số 12 show quan trọng nhất của mùa thời trang ở Paris (Pháp), London (Anh) và Milan (Italy).

Đồ “made in China” sánh ngang với Dior?

Vài thập kỷ trước, hàng hóa xa xỉ được xem là “quá tầm với” của hầu hết người tiêu dùng Trung Quốc. Nhiều thương hiệu xa xỉ hàng đầu cũng không được bán ở Trung Quốc, theo SCMP. Nhưng vào năm 2012, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường xa xỉ lớn thứ hai, sau Mỹ.

Bộ sưu tập xuân hè 2022 của Shang Xia. Ảnh: Shang Xia.

Bộ sưu tập xuân hè 2022 của Shang Xia. Ảnh: Shang Xia.

Vào năm 2021, doanh số bán hàng xa xỉ ở Trung Quốc tăng 36% (lên 71 tỷ USD) so với năm trước và tăng hơn gấp đôi so với trước đại dịch năm 2019. Đồng thời, Trung Quốc cũng đóng vai trò là nhà sản xuất hàng xa xỉ lớn.

Tuy nhiên, không một thương hiệu cao cấp nào được “sinh ra” từ Trung Quốc hoặc dẫn dắt bởi một nhà thiết kế gốc Trung. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: “Vậy còn bao lâu nữa họ mới có thể sánh vai cùng những tên tuổi như Dior, Louis Vuitton hay Saint Laurent?”.

Nhà thiết kế Yang Li - là Giám đốc sáng tạo tại Shang Xia – chia sẻ sau buổi trình diễn: “Có một chiếc ghế trống trong bộ bàn xa xỉ. Pháp với thời trang cao cấp, Italy có Armani hay Prada… Vào cuối thế kỷ 20, làn sóng Nhật Bản và Hàn Quốc nổi lên. Và giờ đến lượt Trung Quốc”.

Thực tế, dự đoán này đã tồn tại trong thời gian dài. Vào năm 2009, nhà phê bình thời trang Cathy Horyn của The New York Times viết: “Làn sóng đổi mới tiếp theo sẽ đến từ nền văn hóa khác, có lẽ là Trung Quốc hoặc Ấn Độ như từng xảy ra vào những năm 1980 ở Nhật Bản”.

Đó là câu chuyện cách đây hơn 10 năm và các thương hiệu cao cấp của Trung Quốc vẫn chưa thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Theo Jing Daily, rào cản nằm ở ba từ đơn giản vốn không gây thiện cảm là “made in China” (Tạm dịch: Sản xuất tại Trung Quốc).

Tuy nhiên, Apple đã giúp xóa bỏ phần nào sự kỳ thị đó. SCMP cho rằng ít ai cáo buộc iPhone, MacBook Pro hoặc đồng hồ Apple là chất lượng thấp. Ngoài ra, một phần bộ sưu tập của Prada, Dolce & Gabbana, Marc Jacobs, Armani và Louis Vuitton cũng được sản xuất tại đất nước tỷ dân.

Hai thương hiệu “đánh” vào kinh đô thời trang

Shang Xia được thành lập vào năm 2008 bởi thương hiệu Hermès và nhà thiết kế Jiang Qiong Er. Thương hiệu xa xỉ này chủ yếu tạo ra các sản phẩm pha trộn nghề thủ công truyền thống của Trung Quốc với thiết kế đương đại. Vào năm 2013, thương hiệu có cửa hàng ở Paris, gần Le Bon Marché - một trong những cửa hàng bách hóa lớn nhất châu Âu.

“Người dân Paris rất nhạy cảm với thơ ca, văn hóa, vẻ đẹp và tình yêu. Chúng tôi tìm kiếm một nơi để chia sẻ nền văn hóa này”, nhà thiết kế của thương hiệu giải thích lý do chọn Paris là nơi để phát triển.

 Mặt trước của Icicle ở Faubourg Saint Honoré, Pháp. Ảnh: Icicle.

Mặt trước của Icicle ở Faubourg Saint Honoré, Pháp. Ảnh: Icicle.

Ngày nay, Shang Xia có hơn 15 cửa hàng trên khắp Trung Quốc. Vào năm 2019, thương hiệu có mức tăng 60% về doanh số bán hàng. Tuy nhiên, Hermès quyết định bán phần lớn cổ phần của mình. Vào tháng 12/2020, Exor đã đầu tư gần 100 triệu USD để trở thành cổ đông lớn nhất của hãng.

Exor có Ferrari, tập đoàn ôtô Stellantis, đội bóng Juventus, The Economist Group cộng với 24% cổ phần của Christian Louboutin - thương hiệu xa xỉ nổi tiếng với những đôi giày đế đỏ.

Cách một dãy nhà từ cửa hàng hàng đầu của Hermès, bên kia đường là dinh thự chính của tổng thống Pháp, cửa hàng mới nhất của Icicle đã khai trương vào cuối tháng 2.

Icicle được thành lập tại Trung Quốc vào năm 1997 bởi vợ chồng Ye Shouzeng và Tao Xiaoma. Đó là thời điểm đô thị hóa và tầng lớp trung lưu đang gia tăng sức mua. Với 271 cửa hàng, riêng ở Trung Quốc là 100 đã khiến nó trở thành thương hiệu quần áo nổi tiếng nhất đất nước.

Vào năm 2020, hãng đã thu về hơn 352 triệu USD doanh thu bán lẻ, bất chấp đại dịch, tăng hơn 12% so với năm 2019. Năm 2020, hãng đứng đầu doanh số bán hàng Lễ độc thân Double 11 nổi tiếng của Tmall đối với quần áo nữ sang trọng.

Nhà phê bình thời trang Vanessa Friedman của The New York Times gần đây cho rằng thương hiệu này sẽ phát triển hơn nữa khi họ chú trọng thiết kế bền vững, bảo vệ môi trường.

 Bên trong một cửa hàng Icicle. Ảnh: Icicle.

Bên trong một cửa hàng Icicle. Ảnh: Icicle.

Shang Xia và Icicle là hai công ty đang thay đổi ý nghĩa của "made in China". Tuy nhiên, với tư cách là các thương hiệu thời trang cao cấp tương đối mới trên thị trường quốc tế, họ phải đối mặt với rào cản lớn. Khi phần lớn khách hàng dành nhiều năm để mơ về chiếc túi Hermès Birkin, áo khoác ngoài của Burberry hay một món đồ của Louis Vuitton, họ sẽ khó chi tiêu tương tự cho sản phẩm thuộc nhãn hiệu mới nổi.

Li nói: “Các thương hiệu lớn không thể xây dựng trong một ngày. Một thương hiệu cao cấp thực sự không phải là để trở nên giàu có. Nó đòi hỏi rất nhiều thời gian. Nếu muốn xây tòa nhà chọc trời, bạn cần phải đào một cái móng sâu gần bằng”.

Dĩ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-ao-made-in-china-khong-con-bi-ky-thi-post1313603.html