Các địa phương của Hà Nội khẩn trương xử lý các sự cố do bão số 3 gây ra

Sáng 7-9, bão số 3 đã áp sát vùng biển Quảng Ninh. Ảnh hưởng của bão, Hà Nội mưa liên tục kèm gió. Các quận, huyện của thành phố vẫn đang trong tình trạng thường trực, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của bão, hạn chế tối đa thiệt hại, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Quận Tây Hồ: Không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá

Chiều 7-9, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, quận Tây Hồ đã yêu cầu lực lượng xung kích tập trung lực lượng xung kích tuyến 2, lực lượng cứu nạn, cứu hộ và đội ngũ lái xuồng máy… vào vị trí sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Sáng 7-9, các chợ dân sinh trên địa bàn quận Tây Hồ vẫn dồi dào hàng hóa cung cấp cho nhân dân. Ảnh: CTV

Sáng 7-9, các chợ dân sinh trên địa bàn quận Tây Hồ vẫn dồi dào hàng hóa cung cấp cho nhân dân. Ảnh: CTV

Đặc biệt, nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, quận đã yêu cầu tiểu thương tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung về thực phẩm; tuyệt đối không lợi dụng mưa bão để tăng giá lương thực, thực phẩm…

Ông Trần Gia Hùng, Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ cho biết, nhằm ứng phó với bão số 3, Ban Quản lý chợ, Phòng Kinh tế quận Tây Hồ đã bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn mùa mưa bão; xây dựng kế hoạch chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng thiết yếu.

Nguồn hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn quận Tây Hồ khá dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Ảnh: CTV

Nguồn hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn quận Tây Hồ khá dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Ảnh: CTV

Do làm tốt công tác tuyên truyền nên đến thời điểm này, các hộ kinh doanh trên địa bàn quận đã chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng, sẵn sàng cung cấp phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giữ giá cả ổn định.

Ở diễn biến khác, ông Hoàng Thế Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 - đơn vị phụ trách công tác thoát nước tại quận Tây Hồ cho biết, đơn vị đã bố trí 100% lực lượng ứng trực làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các sự cố liên quan đến hệ thống thoát nước.

Lực lượng chức năng quận Tây Hồ phân luồng giao thông để khắc phục sự cố gãy cành cây do mưa bão. Ảnh: CTV

Lực lượng chức năng quận Tây Hồ phân luồng giao thông để khắc phục sự cố gãy cành cây do mưa bão. Ảnh: CTV

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cũng cho biết, quận sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.

Quận Long Biên chưa xảy ra ngập úng

Chủ tịch UBND quận Nguyễn Mạnh Hà cho biết, tính đến đầu giờ chiều 7-9, trên địa bàn quận Long Biên chưa xảy ra ngập úng. Tuy nhiên, đã ghi nhận 24 vụ cây gãy, đổ xảy ra trên địa bàn 13 phường. Trong đó, phường Bồ Đề xảy ra 3 vụ tại khu nhà ở 319 đường Hồng Tiến; sân nhà văn hóa tổ dân phố số 1+24 số 231 Phú Viên và ngã ba Lâm Hạ và Hoàng Minh Đạo.

Lực lượng chức năng và người dân thu dọn cây gãy đổ do mưa bão. Ảnh: V.Toản

Lực lượng chức năng và người dân thu dọn cây gãy đổ do mưa bão. Ảnh: V.Toản

Chủ tịch UBND quận Nguyễn Mạnh Hà thông tin thêm, các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) quận đã chủ động kiểm tra, đôn đốc các phường để chỉ đạo công tác phòng, chống bão, úng ngập; kịp thời nắm bắt tình hình, báo cáo Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận.

UBND các phường, các phòng, ban, ngành trên địa bàn quận theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời thông tin, cảnh báo đến người dân để chủ động phòng tránh. Đồng thời rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình đang thi công, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ".

Lực lượng chức năng khơi thông dòng chảy sông Cầu Bây đi qua địa bàn quận Long Biên để bảo đảm thoát nước. Video: V. Toản

Đặc biệt, các đơn vị thực hiện chế độ ứng trực 24/24 theo đúng các phương án, kế hoạch đề ra, chủ động chỉ đạo đối phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa bão, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra.

Quận Hoàn Kiếm: Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu lơ là, chủ quan phòng, chống bão

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định yêu cầu tập trung đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão. Đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản do lỗi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão thì người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

Ngày 7-9, Chánh Văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm Hoàng Mạnh Tuấn cho biết, sau khi xảy ra sự cố đổ cây tại trước cửa nhà số 11 phố Hàng Cá, phường Hàng Đào, gây sập đổ bức tường phía ngoài mặt tiền của ngôi nhà, đã có 3 người bị thương do cành cây gãy đổ vào người. Về tài sản, có 2 xe máy bị hư hỏng. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã đưa 3 nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu. Đến nay, sức khỏe của 3 nạn nhân đều ổn định, chỉ bị thương nhẹ.

Mưa bão đã làm đổ cây khiến 3 người dân trên phố Hàng Cá bị thương, 2 xe máy bị hư hỏng. Ảnh: CTV

Mưa bão đã làm đổ cây khiến 3 người dân trên phố Hàng Cá bị thương, 2 xe máy bị hư hỏng. Ảnh: CTV

Trước đó, vào ngày 6-9, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định đã ký ban hành công văn số 2898-CV/QU về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Trong đó, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận, UBND quận, Đảng ủy 18 phường… chủ động nắm sát tình hình bão; khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão và tăng cường kiểm tra việc thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cũng yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là tại các khu vực ngập sâu, cây gãy đổ...; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn; triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, bãi sông, bãi nổi khu vực các phường Chương Dương, Phúc Tân... Cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác ứng phó với bão số 3 trên tinh thần ở mức cao nhất.

Huyện Thạch Thất thu gọn cây xanh bị đổ

Khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở gần chùa Tây Phương, thuộc xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất). Ảnh: Thu Hương.

Khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở gần chùa Tây Phương, thuộc xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất). Ảnh: Thu Hương.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thất cho biết, tính đến 13h ngày 7-9, trên địa bàn huyện đã đổ, gẫy 49 cây lấy gỗ, bóng mát. Trong đó, xã Thạch Xá: 4 cây; Cần Kiệm: 4 cây; Tân Xã: 4 cây, Hương Ngải: 2 cây; Tiến Xuân: 2 cây; Kim Quan: 1 cây, Cẩm Yên: 10 cây, Lại Thượng 1 cây; Yên Bình: 5 cây, Yên Trung 5 cây; Thạch Hòa 11 cây. Số cây đổ, gãy đã được các xã, thị trấn xử lý ngay, bảo đảm giao thông thông suốt.

Ngoài ra, đã có 28ha lúa mùa bị đổ, trong đó xã Đồng Trúc có 15ha; Cẩm Yên 5ha, Yên Bình 1ha; Yên Trung 7ha. Đổ 8m tường bao xã Lại Thượng do cây đổ vào; 1 cột điện cao áp Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Hệ thống đê, kè, hồ, đập, công trình thủy lợi ổn định; không có các thiệt hại khác. Hiện tại, Xí nghiệp Thủy lợi huyện Thạch Thất vận hành 3 trạm bơm tiêu úng đầu mối với tổng số 10 tổ máy bơm cụ thể: Trạm bơm Săn 2 máy, Phú Đa 4 máy, Tân Xã 4 máy để tiêu nước dồn.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã có đê tổ chức lực lượng canh đê gác cống thường trực 24/24h để kiểm tra đê điều, hoành triệt cống qua đê, thường xuyên tuần tra canh gác để kịp thời phát hiện sự cố.

Lực lượng chức năng xã Thạch Xá xử lý cây xanh bị đổ tuyến đường lên xã Canh Nậu. Video: Thu Hương.

Các xã vùng đồi, núi: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Thạch Hòa, Thạch Xá, Cần Kiệm, Kim Quan triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập úng, khu vực có khả năng sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân đảm bảo an toàn. Mặt khác, các xã thị trấn, các cơ quan, đơn vị tổ chức thường trực tại cơ quan, đơn vị, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời chủ động ứng phó với bão số 3.

Quận Thanh Xuân đã xử lý tình trạng ngập nước và cây xanh đổ

Trưa 7-9, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) quận Thanh Xuân Vũ Ngọc Tú thông tin, công tác ứng phó cơn bão số 3 được chỉ đạo, triển khai ứng trực theo Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4-9-2024 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3.

Đoạn ngập phố Khương Trung, quận Thanh Xuân chiều 6-9 đã được xử lý. Ảnh: Tuấn Việt

Đoạn ngập phố Khương Trung, quận Thanh Xuân chiều 6-9 đã được xử lý. Ảnh: Tuấn Việt

Các đơn vị đã thực hiện theo lịch phân công trực của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận; chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND các phường có liên quan tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao, theo dõi tình hình thời tiết, mưa lũ để xử lý kịp thời.

Đến nay, trên địa bàn quận chưa có thiệt hại về người, nhà cửa; đã có 13 cây bị gãy đổ, lực lượng xung kích các phường phối hợp các đơn vị liên quan xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến giao thông. Trên địa bàn quận xảy ra ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường nhưng ít ảnh hưởng đến giao thông.

Trong chiều nay và thời gian tới, quận tiếp tục thực hiện nghiêm công tác ứng trực; tiếp tục cập nhật, theo dõi tình hình thời tiết để kịp thời chỉ đạo, xử lý.

Huyện Thanh Oai: Lượng mưa dự báo từ 200 đến 300mm, có nơi đến 400mm

Sáng 7-9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Thanh Oai tổ chức hội nghị giao ban và chỉ đạo ứng phó với bão, thời tiết nguy hiểm trước bão và mưa lũ sau bão trên địa huyện.

Tại hội nghị giao ban, các xã thị trấn đã báo cáo tình hình ứng phó với mưa bão. Các đơn vị đã khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện các công điện của các cấp, theo dõi sát diễn biến thời tiết, kịp thời rà soát tình trạng thực tế tại địa bàn dân cư, các điểm xung yếu, xây dựng phương án cụ thể; đồng thời, kiến nghị, đề xuất những giải pháp để ứng phó với cơn bão số 3.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 3 trên địa bàn huyện sáng 7-9. Ảnh: Minh Đỗ

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 3 trên địa bàn huyện sáng 7-9. Ảnh: Minh Đỗ

Từ sáng 7-9, trên địa bàn huyện đã có mưa lớn, gió mạnh, cảnh báo, bão số 3 có cường độ rất mạnh và có thể sẽ trực tiếp đi vào khu vực huyện gây gió mạnh kèm mưa lớn; lượng mưa dự báo từ 200 đến 300mm, có nơi đến 400mm. Ban Chỉ huy PCTT& TKCN huyện yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. UBND huyện sẽ nghiêm khắc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nếu cơ quan, đơn vị nào để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác ứng phó với bão số 3.

Đại diện các phòng, ban báo cập nhật tình hình mưa, bão trên địa bàn huyện. Ảnh: Minh Đỗ

Đại diện các phòng, ban báo cập nhật tình hình mưa, bão trên địa bàn huyện. Ảnh: Minh Đỗ

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng đề nghị chính quyền các địa phương duy trì chế độ thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền diễn biến của bão số 3 đến người dân. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các điểm không an toàn; bố trí lực lượng trực bão lụt, nhất là có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với mưa to, gió lớn, gây ngập lụt; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo tình hình kịp thời về Ban Chỉ huy PCTT& TKCN xã, thị trấn nắm bắt và chỉ đạo trực tiếp tình hình tại cơ sở. Đặc biệt, 12 hội đồng tiêu nước tại các khu vực trọng điểm bám sát địa bàn và kịp thời xử lý các tình huống, bảo đảm việc tiêu nước được nhanh nhất và bảo đảm sinh hoạt của người dân.

Huyện Phúc Thọ kiểm tra các bến bãi trước giờ bão số 3 đổ bộ

Sáng 7-9, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cùng các lãnh đạo phòng, ban, ngành của huyện đã đi kiểm tra tất cả các bến bãi trên địa bàn và công tác ứng trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai các xã.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ kiểm tra thực tế các bến bãi ven sông trên địa bàn. Ảnh: Cấn Hồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ kiểm tra thực tế các bến bãi ven sông trên địa bàn. Ảnh: Cấn Hồng.

Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu chỉ đạo các địa phương rà soát các hộ gia đình khó khăn, nhà cửa xuống cấp có biện pháp di tản để bảo đảm an toàn; các lực lượng bố trí ứng trực 100% quân số; các công trình xây dựng ngừng mọi hoạt động đến hết ngày 8-9...

Chủ động ứng phó với bão số 3, huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo các lực lượng sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ bảo đảm an toàn cho các công trình đê điều, thủy lợi, an toàn giao thông, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống úng ngập trong khu công nghiệp, khu dân cư và nội đồng; tập trung thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng"...

Đặc biệt, tại các khu vực thường xuyên, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang sông Tích, như xã Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc, huyện chỉ đạo các lực lượng cùng các xã tập trung rà soát, triển khai công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khu vực ven sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa lũ.

Huyện Đan Phượng vận động hộ nuôi cá bè trên sông Hồng về nơi an toàn

Để chủ động ứng phó với mọi tình huống của bão số 3 trên địa bàn, Ban chỉ huy quân sự huyện Đan Phượng vận động các hộ dân nuôi cá bè trên sông Hồng chằng, chống các bè nuôi cá chắc chắn để về nơi trú ẩn an toàn; phối hợp chuẩn bị cơ sở tại các nhà văn hóa để đón các gia đình làm nghề đánh bắt không cố định trên sông Hồng về tránh bão.

Lực lượng vũ trang huyện Đan Phượng vận động các hộ nuôi cá trên sông Hồng về nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Thuận Nhân

Lực lượng vũ trang huyện Đan Phượng vận động các hộ nuôi cá trên sông Hồng về nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Thuận Nhân

Cùng với đó, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã chỉ đạo lực lượng dân quân các xã, thị trấn, đặc biệt là lực lượng dân quân thường trực và dân quân cơ động ứng trực 100% quân số; hiệp đồng với các lực lượng và đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện xử lý các tình huống, bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng của nhân dân và khắc phục nhanh nhất hậu quả bão gây ra.

Quận Đống Đa sẵn sàng "4 tại chỗ" để ứng phó bão

Tại quận Đống Đa, đến 7h ngày 7-9, có 31 cây gãy cành và 3 cây chết; 20 cây xanh đổ, gãy; đổ 1 biển quảng cáo tại dải phân cách phố Xã Đàn…

Lực lượng chức năng quận Đống Đa xử lý cây gãy đổ kịp thời sáng 7-9. Ảnh: Ban Chỉ huy quân sự quận cung cấp

Lực lượng chức năng quận Đống Đa xử lý cây gãy đổ kịp thời sáng 7-9. Ảnh: Ban Chỉ huy quân sự quận cung cấp

Ban chỉ huy quận Đống Đa kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Ban Chỉ huy quân sự quận cung cấp

Ban chỉ huy quận Đống Đa kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Ban Chỉ huy quân sự quận cung cấp

Ban chỉ huy quận cũng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại các khu tập thể dân cư thuộc các phường Kim Liên, Phương Mai, Văn Chương; kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn.

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Đống Đa đã chỉ đạo các đơn vị thành viên Ban chỉ huy và UBND 21 phường thông báo tới các tổ dân phố, tổ chức, nhân dân trên địa bàn, các nhà thuộc diện nguy hiểm, các công trình đang xây dựng và kiểm tra việc xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, phương tiện dụng cụ, phương án ứng phó với bão số 3.

Kiểm tra và nhắc nhở bà con khu Văn Chương đề cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão. Ảnh: Ban Chỉ huy quân sự quận cung cấp

Kiểm tra và nhắc nhở bà con khu Văn Chương đề cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão. Ảnh: Ban Chỉ huy quân sự quận cung cấp

Với phương châm sẵn sàng “4 tại chỗ”, toàn quận sẵn sàng tổ chức các đội xung kích, phương tiện bảo đảm thông tin cơ động trực thường xuyên 24/24 giờ để xử lý các tình huống.

Cây đổ trên đường Thái Thịnh (quận Đống Đa) chiều 6-9. Ảnh: Ban Chỉ huy quân sự cung cấp

Cây đổ trên đường Thái Thịnh (quận Đống Đa) chiều 6-9. Ảnh: Ban Chỉ huy quân sự cung cấp

Từ giờ đến chiều, tối nay, tình hình bão số 3 vẫn còn rất phức tạp, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn đề nghị, các cấp, ngành, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, chủ động ứng phó và báo cáo kịp thời Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận.

Sơn Tây: 70 cây xanh bị gãy, đổ do ảnh hưởng của bão

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh, lãnh đạo UBND thị xã, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN thị xã đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại hiện trường; chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai vận hành các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước trên địa bàn; tổ chức lực lượng ứng trực, xử lý sự cố do mưa bão gây ra.

Lực lượng chức năng khắc phục sự cố điện ngay trong đêm 6-9. Ảnh: Thanh Thủy

Lực lượng chức năng khắc phục sự cố điện ngay trong đêm 6-9. Ảnh: Thanh Thủy

Tính đến 9h ngày 7-9, toàn thị xã có 70 cây bị đổ, đã được khắc phục, xử lý, bảo đảm an toàn giao thông và an toàn cho nhân dân; 3 ngôi nhà (diện tích 130m2) và 1 chuồng bò bị sập mái do cây đổ đè vào; không có thiệt hại về người.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn Tây Nguyễn Hải Nam cho biết, từ đêm 6-9 đến 8h sáng 7-9, mạng lưới điện trung áp do Công ty Điện lực Sơn Tây quản lý đã xảy ra 17 sự cố trên 12 lộ đường dây, làm đổ 4 cột điện trung áp thuộc nhánh Đồi Vua 2 lộ đường dây 475 E1.44, hư hỏng 2 máy biến áp, hư hỏng các vật tư, thiết bị của trạm biến áp Đồi Vua 2, không có thiệt hại về người. Công ty đã huy động lực lượng ứng trực khắc phục ngay sự cố để cấp lại điện cho nhân dân.

Cây đổ trên địa bàn xã Đường Lâm, được lực lượng chức năng khắc phục. Clip: Phạm Lệ

Theo báo cáo nhanh của UBND xã Đường Lâm, đến 8h30' ngày 7-9, khu dân cư và khu vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã không bị ngập úng. Tuy nhiên, xã có 40m2 mái tôn nhà dân bị lật; 14 cành cây bị gãy ven các trục đường liên thôn, liên xã; 7 cây xanh tại các thôn Cam Lâm, Hưng Thịnh, Mông Phụ, Văn Miếu bị đổ.

Lực lượng chức năng xã Xuân Sơn khắc phục, xử lý cây bị đổ ngay trong đêm 6-9. Ảnh: Cao Hào

Lực lượng chức năng xã Xuân Sơn khắc phục, xử lý cây bị đổ ngay trong đêm 6-9. Ảnh: Cao Hào

Tại địa bàn xã Xuân Sơn, đường dây viễn thông bị đứt đã được lực lượng chức năng địa phương bó gọn và liên hệ với đơn vị VNPT để xử lý. Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn Cao Thị Hào cho hay, địa bàn xã còn có 30 cây xanh bị đổ, trong đó có 15 cây ở ven các tuyến giao thông, số cây còn lại ở trong các vườn nhà của hộ dân.

Nhà mái tôn ở thôn Tam Sơn, xã Đường Lâm bị tốc. Ảnh: Cao Hào

Nhà mái tôn ở thôn Tam Sơn, xã Đường Lâm bị tốc. Ảnh: Cao Hào

Tại phường Lê Lợi, có 1 cột đèn trang trí bị nghiêng, 6 cây xanh trên các tuyến phố Phạm Ngũ Lão, Trạng Trình bị gãy, đổ, đều đã được chặt hạ, xử lý. Ngoài ra, mưa lớn gây ngập cục bộ trên một số tuyến đường do hệ thống cống tiêu thoát chậm, như: Đoạn ngã tư Ngân hàng, đoạn trước trụ sở Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã, khu vực trước trụ sở UBND phường...

Quận Ba Đình nhanh chóng khắc phục các sự cố do bão

Tính đến sáng 7-9, các sự cố do bão số 3 gây ra đã được quận Ba Đình xử lý kịp thời, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Dân quân phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) xử lý cây gãy đổ. Ảnh: Mai Hữu

Dân quân phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) xử lý cây gãy đổ. Ảnh: Mai Hữu

Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn phòng chống bão số 3, tính đến 7h ngày 7-9, quận Ba Đình xảy ra 10 sự cố đổ cây, 1 sự cố tốc mái; quận cũng tiến hành tháo dỡ 20 pano, biển quảng cáo có nguy cơ gây nguy hiểm. Các sự cố đổ cây trên địa bàn đã được Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các phường, Xí nghiệp Quản lý cắt sửa cây xanh và các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Trong đêm 6-9, rạng sáng 7-9, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận và 14 phường duy trì nghiêm túc chế độ trực 24/24 giờ, đảm bảo chế độ thông tin báo cáo thường xuyên, liên tục; kịp thời xử lý các sự cố phát sinh trên địa bàn; lực lượng Ban Chỉ huy quân sự quận bảo đảm 100% quân số ứng trực.

Xử lý cây đổ trước cửa Công an phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình). Ảnh: Mai Hữu

Xử lý cây đổ trước cửa Công an phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình). Ảnh: Mai Hữu

Về công tác y tế, quận đã huy động, bố trí 6 xe cấp cứu để sẵn sàng đảm bảo sơ cấp cứu ban đầu: 1 xe của Trung tâm Y tế Ba Đình, 2 xe của Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, 2 xe của Bệnh viện Hồng Ngọc và 1 xe của Bệnh viện Medlatec. UBND quận cũng đã chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế phối hợp, hiệp đồng các lực lượng của 2 Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện 354 để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố, thương tích...

Huyện Thanh Trì cắt tỉa cành cây, cây có nguy cơ đổ gãy trên các tuyến đường

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, UBND huyện Thanh Trì đã chủ động các biện pháp, nhằm ứng phó kịp thời. Các đồng chí trong Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện và Chi cục Phòng, chống thiên tai thành phố đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại sông Nhuệ.

Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện và Chi cục Phòng, chống thiên tai thành phố kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại sông Nhuệ. Ảnh: Thanh Hồng

Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện và Chi cục Phòng, chống thiên tai thành phố kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại sông Nhuệ. Ảnh: Thanh Hồng

Lực lượng chức năng của huyện đã giải tỏa đăng đó, sen bèo, vật cản, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương. Cụ thể, xã Tả Thanh Oai giải tỏa toàn bộ đăng đó trên sông Hòa Bình; xã Tân Triều khơi thông dòng chảy Mương N1 và Mương CP 90 Tây Nam Kim Giang; xã Đông Mỹ khơi thông đoạn mương từ thôn 5 đến cống ông Trừ, đoạn Vũng Chùa và mương tiêu khu dân cư…

Các hệ thống kênh tiêu trên địa bàn huyện đã được kiểm tra, khơi thông dòng chảy. Ảnh: Thanh Hồng

Các hệ thống kênh tiêu trên địa bàn huyện đã được kiểm tra, khơi thông dòng chảy. Ảnh: Thanh Hồng

Toàn huyện đã cắt tỉa cành cây, cây có nguy cơ đổ gãy trên các tuyến đường với tổng chiều dài hơn 15 km; tháo dỡ các biển quảng cáo, áp phích, ngắt điện tại các biển quảng cáo ngoài trời... Vận động nhân dân các thôn khẩn trương thu dọn hoa màu, nông sản, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch. Các xã, thị trấn đã chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó với các tình huống theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Lực lượng chức năng trên địa bàn huyện khơi thông cống rãnh. Ảnh: Thanh Hồng

Lực lượng chức năng trên địa bàn huyện khơi thông cống rãnh. Ảnh: Thanh Hồng

Công ty Điện lực Thanh Trì giải quyết sự cố mất điện do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Thanh Hồng

Công ty Điện lực Thanh Trì giải quyết sự cố mất điện do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Thanh Hồng

Các lực lượng chức năng xử lý hệ thống cây xanh bị đổ trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ảnh: Thanh Hồng.

Các lực lượng chức năng xử lý hệ thống cây xanh bị đổ trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ảnh: Thanh Hồng.

6h ngày 7-9, cơn bão số 3 đã làm gió cuốn linon vào đường dây trung thế làm hỏng sứ cột điện 6A thôn Nội Am, xã Liên Ninh; đổ gãy 1 cột điện hạ thế số II.9 trạm biến áp Cầu Bươu, Công ty Điện lực Thanh Trì đã phối hợp với UBND xã Liên Ninh, Tả Thanh Oai xử lý khắc phục xong sự cố, 252 khách hàng đã được cấp điện trở lại.

Hiện có 8ha lúa tại các xã Vĩnh Quỳnh, Đại Áng đã bị đổ. Huyện đã bảo đảm đầy đủ vật tư, phương tiện cho công tác phòng, chống bão, cung cấp 30 bao tải để gia cố điểm sạt lở, tràn bờ trên tuyến đê sông Nhuệ (trên địa bàn xã Đại Áng).

Lực lượng chức năng huyện đã gia cố điểm sạt lở, tràn bờ trên tuyến đê sông Nhuệ (trên địa bàn xã Đại Áng). Ảnh: Thanh Hồng

Lực lượng chức năng huyện đã gia cố điểm sạt lở, tràn bờ trên tuyến đê sông Nhuệ (trên địa bàn xã Đại Áng). Ảnh: Thanh Hồng

Huyện Thạch Thất di dời người dân đến nơi an toàn

Do ảnh hưởng của của cơn bão số 3, từ tối hôm qua đến sáng nay (7-9), trên địa bàn huyện Thạch Thất có mưa, dông. Các lực lượng chức năng huyện Thạch Thất và các xã thị trấn đã trực 24/24 giờ để chủ động các biện pháp, nhằm ứng phó kịp thời với mưa bão.

Một số hình ảnh của các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện di dời người dân và khắc phục cây xanh đổ ngay trong đêm 6-9 và sáng ngày 7-9:

Tính đến 20h ngày 6-9, lực lượng chức năng xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) đã chỉ đạo di chuyển 15 hộ dân, trong đó có 5 hộ nhà ở không an toàn và 10 hộ già yếu cô đơn; tổng có 21 nhân khẩu đến ở các địa điểm an toàn do xã bố trí. Ảnh: Hương Giang

Tính đến 20h ngày 6-9, lực lượng chức năng xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) đã chỉ đạo di chuyển 15 hộ dân, trong đó có 5 hộ nhà ở không an toàn và 10 hộ già yếu cô đơn; tổng có 21 nhân khẩu đến ở các địa điểm an toàn do xã bố trí. Ảnh: Hương Giang

Các lực lượng chức năng xã Bình Yên kiểm tra việc di chuyển hàng hóa của các hộ ở chợ Hòa Lạc vào đêm ngày 6-9. Theo đó, hầu hết các hộ dân trong chợ đã chấp hành các quy định về phòng, chống lụt bão, di chuyển hàng hóa ra nơi an toàn, bảo vệ tài sản để không bị ngập. Video: Thu Hương

Lực lượng chức năng xã Thạch Hòa xử lý cây đổ đường gom Đại Lộ Thăng Long vào đường A khu công nghệ cao Hòa Lạc ngay trong đêm 6-9, bảo đảm việc đi lại thông thoáng cho người dân. Ảnh: Thu Hương

Lực lượng chức năng xã Thạch Hòa xử lý cây đổ đường gom Đại Lộ Thăng Long vào đường A khu công nghệ cao Hòa Lạc ngay trong đêm 6-9, bảo đảm việc đi lại thông thoáng cho người dân. Ảnh: Thu Hương

Nhóm PV HNMO

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cac-dia-phuong-cua-ha-noi-khan-truong-xu-ly-cac-su-co-do-bao-so-3-gay-ra-677031.html