Quản Bạ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

BHG - Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Quản Bạ tích cực xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và tổ chức đánh giá xếp loại OCOP cấp huyện; lựa chọn sản phẩm dự thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Hợp tác xã cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ giới thiệu các sản phẩm OCOP.

Hợp tác xã cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ giới thiệu các sản phẩm OCOP.

HTX cộng đồng Nặm Đăm được thành lập từ năm 2014, nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chuyên gia đầu ngành về y dược, HTX đã xây dựng được hệ thống nhà xưởng sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm với khu sơ chế, chế biến dược liệu rộng hơn 4.000 m2, có nồi chiết xuất bằng hơi công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày; vườn ươm giống nhà kính rộng 1.200 m2, khu tắm lá thuốc… Các sản phẩm của HTX được bán tại các điểm dừng chân trên Cao nguyên đá Đồng Văn, các địa điểm du lịch để giới thiệu sản phẩm đặc trưng đến với du khách xa gần. Đến nay, HTX đã sản xuất được 20 sản phẩm, như: Cao Atiso, cao củ Dòm, cao Mạnh gân hoạt cốt, cao Ích não, trà gừng, dầu xoa bóp, cao Hà thủ ô, nước tắm thảo dược, tinh dầu… Trong đó, có 3 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh gồm: Cao Atiso, trà gừng, hoa Kim ngân. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, mỗi năm HTX trồng gần 10 ha cây dược liệu các loại như: Atiso, Kim ngân, Đương quy, Huyền sâm, củ Dòm… Bên cạnh đó là mua dược liệu thu hái tự nhiên trong dân. Các sản phẩm của HTX đã được người tiêu dùng tin tưởng, tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, sản xuất, kinh doanh ổn định. Giám đốc HTX cộng đồng Nặm Đăm, huyện Quản Bạ Lý Tà Dèn chia sẻ: “Nhờ có nhiều sản phẩm đạt hạng sao OCOP mà giá trị các sản phẩm của HTX chúng tôi được nâng lên, có thể mang đi quảng bá và bày bán tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, góp phần tăng thu nhập cho HTX”.

Hiện, huyện Quản Bạ đang triển khai thực hiện Đề án xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) Nặm Đăm đạt chuẩn “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN”, với 35 hộ dân trong thôn đăng ký tham gia xây dựng Nặm Đăm trở thành địa điểm, sản phẩm du lịch nổi tiếng. Theo lãnh đạo huyện Quản Bạ, địa phương đang tích cực cùng Văn phòng xây dựng Nông thôn mới Trung ương và tỉnh xây dựng Làng VHDLCĐ Nặm Đăm thành sản phẩm OCOP Quốc gia. Trong đó, có sự đầu tư các nguồn vốn từ trung ương và địa phương để hỗ trợ các hộ dân làm homestay, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Đến nay, các homestay trong thôn đã và đang thu hút lượng khách đến ở và sử dụng các dịch vụ ngày càng tăng. Phó Chủ tịch UBND xã Quản Bạ, Viên Trung Đoàn cho biết: “Đề xây dựng Làng VHDLCĐ Nặm Đăm thành sản phẩm OCOP Quốc gia, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động như tập huấn cho người dân cách làm du lịch, mở các lớp dạy tiếng Anh, các lớp dạy nấu ăn, duy trì đội văn nghệ dân gian của thôn… Đồng thời tuyên truyền cho bà con gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, gìn giữ sự nguyên sơ tại khu du lịch”.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quản Bạ Nguyễn Chiến Thuật, cho biết: Để giúp các tổ chức và cá nhân tham gia chương trình OCOP, ngành chuyên môn đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân triển khai mô hình sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP; phối hợp với các xã, thị trấn tập huấn về chương trình OCOP. Từ nguồn kinh phí chương trình OCOP, UBND huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình về: Tem truy xuất nguồn gốc; bao bì, nhãn mác sản phẩm; xây dựng website quảng bá; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 65 sản phẩm được hoàn thiện tham gia chương trình OCOP, trong đó có 24 sản phẩm đạt sao cấp tỉnh. Đặc biệt, có 4 sản phẩm đạt 4 sao là Mật ong Bạc hà Cao nguyên đá của HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân; Ví kính dệt lanh, ví dài dệt lanh và ba lô dệt lanh nhỏ của HTX Dệt lanh Cán Tỷ.

Với nhiều nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Quản Bạ, sản phẩm OCOP đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của huyện. Giá trị sản phẩm không ngừng gia tăng, thu nhập của các hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp được nâng cao, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường. Qua thực hiện chương trình những hộ sản xuất nhỏ, tổ hợp tác, HTX không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm, mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới, tạo thêm động lực trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202211/quan-ba-nang-cao-gia-tri-san-pham-nong-nghiep-1983cc5/