Quản Bạ phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ

Trong những năm qua, huyện Quản Bạ đã tập trung chỉ đạo, triển khai xây dựng các sản phẩm OCOP chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ, qua đó, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm một cách bài bản, có hệ thống. Qua 6 năm triển khai đến nay huyện Quản Bạ đã có tổng số 28 sản phẩm OCOP đạt sao cấp tỉnh. Trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao; chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, dược liệu, sản phẩm lưu niệm và dịch vụ du lịch như: Hồng không hạt, Thảo quả, rượu ngô men lá Thanh Vân, bò vàng, cao Astiso, cao Hà thủ ô, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm…

Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, những năm qua Quản Bạ đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh về chiến lược phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện về thiết kế nhãn mác, bao bì và xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; đẩy mạnh chương trình quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương tại các sự kiện văn hóa du lịch và thương mại trong huyện và ngoài tỉnh. Qua đó, làm thay đổi phương thức sản xuất của người dân theo hướng tích cực, nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện được trưng bày tại các sự kiện, lễ hội.

Sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện được trưng bày tại các sự kiện, lễ hội.

Các sản phẩm OCOP chủ lực của huyện được gắn liền với việc phát triển các sản phẩm du lịch. Nhờ đó, trong những năm qua, các sản phẩm OCOP của Quản Bạ đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên vùng Cao nguyên đá. Bên cạnh đó, ngành Du lịch của tỉnh cũng góp phần tiêu thụ và thúc đẩy quá trình phát triển các sản phẩm OCOP của huyện. Giúp thu nhập của người dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm không ngừng được nâng lên. Đó cũng chính là nền tảng quan trọng giúp huyện xây dựng thành công Nông thôn mới trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, Sùng Mí De cho biết: “Từ khi đăng ký thực hiện chương trình OCOP, xã Cán Tỷ có các sản phẩm làm từ vải lanh gồm: Váy áo, khăn, chăn, gối, thảm, ví thổ cẩm, áo nam, túi, xắc, túi điện thoại… của HTX dệt lanh Cán Tỷ sản xuất đã được nhiều người biết đến. Hiện nay, HTX sản xuất được trên 35 loại sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Với việc xây dựng sản phẩm OCOP về vải lanh đã giúp địa phương tiêu thụ sản phẩm thuận lợi; sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã; nhờ đó, sức tiêu thụ của sản phẩm cũng lớn hơn. Ngoài thị trường trong nước, hiện nay sản phẩm của HTX đã bán ở các thị trường Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản. Từ đó đã tạo điều kiện để người dân trên địa bàn có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống”.

Sản phẩm OCOP 4 sao của Hợp tác xã dệt lanh Cán Tỷ.

Sản phẩm OCOP 4 sao của Hợp tác xã dệt lanh Cán Tỷ.

Không chỉ riêng Cán Tỷ, xã Quản Bạ cũng là một trong những địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ và chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Các hợp tác xã đã chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm không chỉ ở địa phương mà mở rộng ra các thị trường trong nước. Trong đó, sản phẩm Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm là một sản phẩm OCOP về du lịch được công nhận 4 sao cấp tỉnh vào năm 2022 và vinh dự được nhận giải thưởng ASEAN dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Điều này đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên mảnh đất giàu truyền thống, văn hóa, đưa Quản Bạ trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Việc gắn sao OCOP cho sản phẩm du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo được lợi thế so sánh, tích hợp đa giá trị trong từng sản phẩm, tạo sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Phát huy những kết quả đạt được, để phát triển các sản phẩm OCOP một cách bền vững, phát huy thương hiệu và thế mạnh của sản phẩm, huyện đã và đang tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP. Từ đó, kích thích tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, phát triển KT-XH của huyện.

Bài, ảnh: NGUYỄN DỊU

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/moi-vung-que-mot-san-pham/202407/quan-ba-phat-trien-cac-san-pham-ocop-gan-voi-thi-truong-tieu-thu-51e73e4/