Quản Bạ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Xác định ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất nông nghiệp là động lực để phát triển KT – XH, là nền tảng và điều kiện để phát triển nhanh, mạnh, bền vững các sản phẩm nông nghiệp, huyện Quản Bạ đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Mô hình tưới nước tự động cho cây rau ở xã Quyết Tiến.

Mô hình tưới nước tự động cho cây rau ở xã Quyết Tiến.

Trong những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp được huyện quan tâm, chú trọng, nhiều đề tài được nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao hiệu quả, điển hình như: Ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo chất lượng đàn bò và tăng đàn sinh học; thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu; ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN sản xuất giống và cải tạo thâm canh cây Hồng không hạt; bảo tồn, nhân giống, mở rộng vùng trồng Giảo cổ lam; phát triển diện tích cây rau, hoa chất lượng cao theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa, đặc biệt là rau trái vụ có giá trị kinh tế cao; ứng dụng công nghệ tưới tiêu tự động… Riêng trong năm nay, huyện có 7 sản phẩm từ cây tỏi đen và hoa Actiso được Hội đồng nghiệm thu Đề tài KHCN tỉnh kiểm nghiệm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có mã số, mã vạch lưu hành trên thị trường.

Tuy nhiên, huyện Quản Bạ có địa hình chia cắt bởi đồi núi; giao thông đi lại khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; một số tập quán lạc hậu trong cộng đồng dân tộc thiểu số chậm được loại bỏ; sản xuất còn manh mún, thiếu tính liên kết; năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy Đảng, tính tiên phong, gương mẫu, trình độ, năng lực của một số bộ phận đảng viên còn hạn chế… dẫn đến việc áp dụng KHCN vào trong sản xuất nông nghiệp vẫn đang là một bài toán khó.

Đồng chí Hoàng Đình Phới, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, cho biết: Nhằm khắc phục những khó khăn; đẩy mạnh tiến độ áp dụng KHCN vào sản xuất, huyện chỉ đạo các ban, ngành, xã, thị trấn tập trung tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, xa để nâng cao nhận thức; ưu tiên sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn sản xuất với chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP; chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng; tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; thâm canh tăng năng suất và giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích; tổ chức lại hình thức kinh doanh để sản xuất các sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; củng cố gần 20 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và du lịch nông thôn của các địa phương. Tập trung phát triển sản xuất cây rau, hoa theo hướng hàng hóa để nâng cao giá trị thu hoạch/ha. Phấn đấu diện tích cây rau, hoa hàng năm đạt trên 2.400 ha, trong đó, diện tích chuyên canh đạt trên 150 ha. Phấn đấu huyện có 2 mô hình du lịch nông nghiệp gắn với phát triển các loại hình dịch vụ du lịch. Phát triển mới ít nhất 5 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, chú trọng tại các xã chưa có tổ chức kinh kế hoặc có nhưng còn yếu, như, Đông Hà, Bát Đại Sơn, Thái An, Tả Ván, Nghĩa Thuận… Vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách của T.Ư, của tỉnh để xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm. Bảo tồn, phục tráng một số giống vật nuôi, cây trồng bản địa có chất lượng tốt để sản xuất thành hàng hóa đặc sản, có giá trị kinh tế cao….

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202109/quan-ba-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-nong-nghiep-781417/