Quận Bắc Từ Liêm: 1.000 người cao tuổi xếp hình Tổ quốc Việt Nam
Ngày 6/10, Hội người cao tuổi quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Công ty CP Truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt - thành viên của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, tổ chức 'Ngày hội sức khỏe người cao tuổi'.
Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Công Bích chia sẻ, sống vui, sống khỏe, sống có ích và hạnh phúc là mong muốn của tất cả người cao tuổi. Làm được điều đó, mỗi người cao tuổi không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng mà còn góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Muốn vậy, người cao tuổi phải tích cực rèn luyện, tập dưỡng sinh… để nâng cao sức khỏe thể lực và tinh thần.
Với tinh thần “Người cao tuổi luôn tập dưỡng sinh, thiết thực nâng cao sức khỏe, là hạnh phúc của người cao tuổi’, tại Ngày hội sức khỏe người cao tuổi quận Bắc Từ Liêm, 1.000 hội viên Hội Người cao tuổi của quận và một số đơn vị bạn (quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì) đã diễu hành khai mạc, đồng diễn các tiết mục: Dưỡng sinh kinh lạc, bài “Khỏe vì nước”, “Việt Nam ơi!”, múa hát bài “Hành trình tự giác tâm”.
Đặc biệt, lần đầu tiên, 1.000 hội viên Hội Người cao tuổi cùng nhau xếp thành hình Tổ quốc Việt Nam và chữ “Tâm”. Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức cũng đã tổ chức hoạt động truyền thông cho người cao tuổi như: Thông tin về tình hình già hóa dân số ở Việt Nam; tầm quan trọng của dưỡng sinh trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; chuyên đề về dinh dưỡng với sức khỏe người cao tuổi…
Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rèn luyện sức khỏe, tập dưỡng sinh với người cao tuổi, BS Đỗ Nam Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt thông tin: Việt Nam hiện đang phải đối diện với vấn đề già hóa dân số. Với tốc độ già hóa 43,5% nhanh nhất thế giới (có xu hướng tiếp tục tăng), ước tính tỉ lệ người cao tuổi đến năm 2030 là 18,3% và đến năm 2050 là 31% trên tổng dân số.
Tuy nhiên, trong khi tuổi thọ trung bình của chúng ta tăng lên (hiện nay là trên 73 tuổi), thì độ tuổi khỏe mạnh lại chưa cao. Nếu đạt 65 - 66 tuổi có nghĩa người cao tuổi sẽ còn sống trong 8-10 năm không khỏe mạnh. Chưa kể, người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính như: Bệnh lý về xương khớp, tim mạch, đột quỵ, tiểu đường… ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và chất lượng sống; là gánh nặng cho bản thân người cao tuổi và gia đình, xã hội. Vì thế, việc tập luyện, rèn luyện là rất quan trọng với mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng để cho chúng ta có một cộng đồng khỏe mạnh.
“Thông qua chương trình, Ban Tổ chức mong muốn người cao tuổi hãy chủ động, tích cực rèn luyện nâng cao sức khỏe với phương châm “thầy thuốc tốt nhất là chính mình”; phát huy hơn nữa truyền thống tuổi cao gương sáng và phát triển thêm nhiều câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe, thu hút đa dạng độ tuổi, giới tính tham gia. Mong các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách quan tâm hơn nữa và cùng chung tay thúc đẩy hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phát huy hiệu quả hơn nữa”, BS Đỗ Nam Khánh nhấn mạnh.