Quận Bắc Từ Liêm: Cán bộ nghỉ hưu, vi phạm còn mãi
Mặc dù đã qua nhiều thời kỳ lãnh đạo nhưng chính quyền quận Bắc Từ Liêm vẫn chưa xử lý dứt điểm được những vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Những vi phạm về đất đai tồn tại dai dẳng tại dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) không được xử lý dứt điểm gây bức xúc dư luận
Dự án xây dựng trường học bị “xẻ thịt” thành bãi xe, gara ô tô, sân bóng cho thuê trái phép để rồi lại bỏ hoang lãng phí “đất vàng”, hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng, xây sai thiết kế phá nát quy hoạch đô thị đang là những bất cập, tồn tại đáng báo động ở dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Quốc tế Vigeba làm chủ đầu tư.
Kết luận số 1203/KL-TTCP ngày 16/5/2017 của Thanh Tra Chính phủ đã chỉ rõ: “Dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 từ tháng 09/2016, dự án được chấp thuận tổng mặt bằng với sự đồng bộ về hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, quy mô dân số, nhưng sau đó lại được điều chỉnh nhiều lần về số tầng cao, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ văn phòng sang nhà ở, từ cây xanh sang công trình hỗn hợp. Mặc dù các lô đất sau khi điều chỉnh cục bộ không thay đổi về ranh giới và diện tích lô đất, nhưng đều tăng diện tích xây dựng, diện tích sàn, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất.
Việc điều chỉnh quy hoạch đã khiến cho quy mô dân số tăng lên nhiều so với dân số đã tính toán khi phê duyệt quy hoạch ban đầu, gây quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phá vỡ quy hoạch xây dựng chung đã được phê duyệt; đặc biệt là khu vực cách ly (CL1, CL2) từ chức năng mương thoát nước và hành lang cách ly đã cống hóa với tổng diện tích 35.164m2 (trong đó 12.099,5m2 xây dựng nhà thấp tầng để bán, còn lại làm bãi đỗ xe) vi phạm quy định tại Khoản 2; Điều 35,36; Mục 6 về điều chỉnh quy hoạch, Chương Quy hoạch Xây dựng, Luật Xây dựng 2014.
Việc ôm “đất vàng” của chủ đầu tư rồi vẽ dự án nhưng thực chất là không triển khai hoặc không có nguồn lực để triển khai rồi sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch. Điều này, không chỉ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, lãng phí hạ tầng xã hội, quy hoạch đô thị mà dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật, khi các doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn cố tình làm do việc buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại.
Biệt phủ nguy nga vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng hiên ngang tồn tại ở dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm)
Không những vậy hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng đã và đang vô tư mọc lên phá vỡ quy hoạch chung của cả một khu đô thị kiểu mẫu trong sự “bất lực” của chính quyền sở tại. Đơn cử như tại khu biệt thự TT3, căn biệt thự nằm tại vị trí đắc địa, giữa ngã tư giao cắt đường nội bộ số 1 và số 2 được chủ nhân xây dựng thành một tòa “biệt phủ” nguy nga, lộng lẫy bậc nhất tại dự án. Tòa “biệt phủ” được thiết kế theo phong cách châu Âu, rộng cả trăm mét vuông đang được hoàn thiện và chờ ngày khánh thành.
Sau khi Báo Nhà báo & Công luận có những thông tin phản ánh về những bất cập, có dấu hiệu buông lỏng quản lý của chính quyền, ngày 30/11/2018 Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm khi đó là ông Đỗ Mạnh Tuấn đã có văn bản số 5259/UBND-VP gửi đề nghị Phòng Tài nguyên và môi trường quận và Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế căn cứ chức năng nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm mà báo nêu.
Ngày 14/01/2019, HĐND quận Bắc Từ Liêm tổ chức kỳ họp bất thường kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND quận nhiệm kỳ 2016-2021. Đồng chí Trần Thế Cương, Phó Bí thư Quận ủy giữ chức Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm khóa II.
Kể từ đó đến nay “đất vàng” vẫn đang bị bỏ hoang, không có bất kỳ trường học nào được xây dựng theo quy hoạch để phục vụ lợi ích cộng đồng. Cư dân sống tại đây vô cùng lo lắng, bức xúc liệu rằng quy hoạch sẽ có bị điều chỉnh nữa hay không, liệu có còn những tòa chung cư, dãy biệt thự nào sẽ lại mọc lên tại dự án...? Hay hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại, mọc lên như thách thức dư luận và sự tôn nghiêm của pháp luật?
Quy định của pháp luật về quản lý đất đai đã rõ ràng, đầy đủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội cũng rất quyết liệt trong việc xử lý những vi phạm gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, vi phạm trật tự xây dựng phá vỡ quy hoạch đô thị.
Vì thế, từ thực trạng “xẻ thịt đất vàng” để sử dụng sai mục đích, thu lợi bất chính diễn ra công khai, dai dẳng, việc các công trình vi phạm trật tự xây dựng ngổn ngang vẫn liên tiếp mọc lên đang khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có hay không việc các cấp chính quyền quận Bắc Từ Liêm buông lỏng quản lý, “làm ngơ” thậm chí cố ý làm trái quy định để doanh nghiệp trục lợi đất đai, lợi ích nhóm?
Thiết nghĩ UBND, các ban ngành chức năng của Thành phố Hà Nội; Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Bộ Xây dựng,... nên sớm vào cuộc kiểm tra xử lý nghiêm những vi phạm để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tạo lòng tin với dư luận và nhân dân.
Tháng 5/2019, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký văn bản gửi 8 Sở của Thành phố, Công an Thành phố, Thanh tra Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu siết lại kỷ cương, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP.Hà Nội yêu cầu, tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, trách nhiệm của UBND và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra kiên quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế.
Không xem xét cấp mới, điều chỉnh giấy phép xây dựng, giấy phép quy hoạch đối với công trình, dự án có vi phạm trật tự xây dựng khi chủ đầu tư chưa chấp hành các quyết định xử phạt. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND TP Hà Nội về những vi phạm phát sinh mới và kết quả xử lý các công trình còn tồn đọng.
Đối với các xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm mới hoặc không xử lý dứt điểm đối với trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng theo yêu cầu của UBND thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quan-bac-tu-liem-can-bo-nghi-huu-vi-pham-con-mai-post84769.html