Vào tháng 6/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho biết, liên quan đến các hành động gần đây của Ankara, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nên xem xét lại thái độ của mình đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong tư cách là thành viên của NATO, gợi ý cần phải loại trừ nước này khỏi khối.
Căn cứ vào thực tế Pháp là một trong những quốc gia thành viên lớn nhất của liên minh quân sự chủ trương loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO, những vấn đề rất nghiêm trọng có thể sẽ xảy ra đối với chính quyền Ankara.
Trước đó, một số chính trị gia Đức đã đưa ra đề xuất tương tự nhưng chưa được quan tâm rõ ràng, nhưng nếu có thêm sự tiếp sức từ Pháp thì nguy cơ đối với Ankara đã trở nên rõ ràng hơn.
Ngoài việc đẩy cao căng thẳng tranh chấp chủ quyền với Hy Lạp, đơn phương tiến hành các chiến dịch quân sự tại Syria, Iraq và Libya thì Thổ Nhĩ Kỳ còn tiếp tục chọc tức nhiều thành viên NATO khác khi cho biết sẽ mua tổ hợp S-400 thứ hai từ Nga.
Trong diễn biến mới nhất, trang Vzglyad của Nga cho biết: “Một nghị quyết đã được đệ trình lên Hạ viện Mỹ nhằm đình chỉ tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, đề xuất do Hạ nghị sĩ Tulsi Gabbard trình bày".
"Nguyên nhân do Thổ Nhĩ Kỳ đang công khai ủng hộ Azerbaijan trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh, bên cạnh đó Ankara còn thu nạp những kẻ khủng bố từ Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo để đưa đi chiến đấu khắp chiến trường Kazkav và Bắc Phi".
"Trong khi đó, hiện NATO kêu gọi các bên ngừng xung đột vũ trang và giải quyết vấn đề thông qua đàm phán, do vậy hành động của chính quyền Ankara bị đánh giá là không thể chấp nhận được".
Hiện tại Canada hiện đã quyết định ngừng cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ do những cáo buộc về việc Ankara sử dụng chúng sai mục đích. Về vấn đề này, Ankara bày tỏ sự không hài lòng và cảnh báo sẽ xem xét lại thỏa thuận với NATO.
Một trong những yếu tố thuyết phục nhất khiến Thổ Nhĩ Kỳ có thể sớm bị loại khỏi NATO là việc mua, vận hành và thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 Triumf, cũng như những hành động khiêu khích đối với Hy Lạp trên biển Địa Trung Hải.
Theo bình luận của các chuyên gia, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, tức là đề xuất được thông qua thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ không còn là thành viên của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương vào cuối năm nay.
Tuy vậy viễn cảnh trên bị đánh giá là tương đối khó xảy ra, bởi dù sao Mỹ cũng cần Thổ Nhĩ Kỳ trong bàn cờ địa chính trị khu vực, do Ankara nắm giữ vị thế chiến lược với eo biển Bosphorus cũng như các căn cứ không quân trọng yếu.
Bằng hành động loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO, Ankara có thể quay sang hợp tác với Nga chặt chẽ hơn, đồng thời để cho dòng người tị nạn từ Trung Đông tràn vào châu Âu, đây là điều mà Pháp hay Đức rất lo sợ.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất nằm ở chỗ trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ chủ động rời bỏ khối, hiến chương NATO chưa có điều khoản tước bỏ tư cách thành viên của một quốc gia.
Tính cho đến thời điểm hiện tại, Ankara chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào về ý định rời khỏi liên minh quân sự này hay bình luận về các bước đi của những quốc gia trụ cột nhằm sớm loại bỏ họ khỏi NATO.
Việt Dũng